Dự kiến đầu tuần tới mới có kết luận nguyên nhân tử vong của cháu bé. Trước đó, ngày 20.10, 1 cháu bé 3 tháng (trú xã Quang Phong, Quế Phong, Nghệ An) cũng tử vong sau vài phút tiêm Quinvaxem. Kết luận của hội đồng chuyên môn trẻ tử vong do sốc phản vệ, không liên quan đến chất lượng vắc-xin.
Vắc-xin Quinvaxem. Ảnh: I.T
Trước một số vụ việc trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem liên tiếp gần đây, dư luận lại một lần nữa nghi ngại về thành phần toàn tế bào trong vắc-xin này khiến trẻ có phản ứng sau tiêm nhiều hơn. GS-TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, vắc-xin Quinvaxem đã được kiểm nghiệm về chất lượng, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Từng lô vắc-xin trước khi đưa vào sử dụng cũng đã được kiểm định về chất lượng.
Theo ông Anh, Quinvaxem được sử dụng tại 94 nước với hơn 450 triệu liều. Từ tháng 6.2010 đến nay, Việt Nam cũng đã tiêm hơn 25 triệu mũi Quinvaxem. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà… đã giảm hẳn. năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá về các phản ứng của trẻ sau tiêm Quinvaxem và tìm ra 9 ca phản ứng có liên quan đến vắc-xin trong đó có 1 trường hợp phản ứng nặng trên tổng số 14 triệu mũi tiêm và không có ca tử vong nào. Tỷ lệ này thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất và nằm trong ngưỡng cho phép của WHO. “Nhiều người băn khoăn vì sao khi tiêm vắc-xin 5 trong 1 dịch vụ của Pháp, Mỹ thì không có phản ứng. Trên thực tế, mỗi năm Việt Nam chỉ có khoảng 100.000-200.000 mũi tiêm vô bào (dịch vụ) được sử dụng, con số này thấp hơn nhiều so với 5,5 triệu vắc-xin toàn tế bào Quinvaxem” – ông Anh phân tích.
Về một số trường hợp tử vong sau tiêm nhưng kết luận của Hội đồng chuyên môn lại là do các bệnh nhiễm trùng, suy tim, suy hô hấp còn vắc-xin “vô can”, ông Anh lý giải, vắc-xin được tiêm cho trẻ khi trẻ còn quá bé, nhiều lúc chỉ sau sinh 24 giờ. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng, có các bệnh bẩm sinh, chưa được phát hiện. Theo WHO dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam. Các bệnh này khó phát hiện khi khám sàng lọc, nếu trẻ có bệnh thì sau tiêm sẽ xảy ra các phản ứng nặng hoặc tử vong trùng hợp với bệnh lý. Theo ông Anh, trong thời gian nay, Việt Nam cũng tính đến việc lập kế hoạch để chuyển đổi sang sử dụng vắc-xin thế hệ cao hơn nhưng cũng chưa thể trong một sớm một chiều.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.