Vào ngày 21/2, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra lời cảnh báo hạt nhân tới phương Tây về vấn đề Ukraine, đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, thông báo các hệ thống chiến lược mới đã được đưa vào trực chiến và có thể nối lại các vụ thử hạt nhân.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, tính tới năm 2022, Nga nắm giữ khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân so với con số 5.428 đầu đạn kiểm soát bởi Mỹ. Khoảng 1.500 đầu đạn trong số đó đã bị “cất kho” (nhưng có thể vẫn còn nguyên vẹn), 2889 đầu đạn dự trữ và khoảng 1.588 đầu đạn chiến lược được triển khai.
Theo bài báo của các nhà khoa học nguyên tử, khoảng 812 đầu đạn nằm trong tên lửa đạn đạo trên đất liền, khoảng 576 đầu đạn tên lửa đạn đạo của tàu ngầm và khoảng 200 đầu đạn hạt nhân tại các căn cứ máy bay ném bom hạng nặng.
Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô sở hữu tới 40.000 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ là khoảng 30.000 đầu đạn.
Nga dường như có khoảng 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân, với uớc tính mỗi tên lửa có thể mang tới 1.185 đầu đạn. Nước này còn vận hành 10 tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân với khả năng mang tối đa 800 đầu đạn. Ngoài ra, quốc gia này còn có khoảng 60 đến 70 máy bay ném bom hạt nhân.
Trong khi đó, Mỹ sở hữu khoảng 1.644 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai. Con số lần lượt đối với Trung Quốc là 350 đầu đạn, Pháp 290 và Anh 225, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
Vũ khí hạt nhân mới
Trong đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022, Mỹ cho biết Nga và Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mỗi nước. Quốc gia này đồng thời khẳng định rằng sẽ theo đuổi phương thức kiểm soát vũ khí nhằm ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.
Tổng thống Putin cho biết ông đã nắm thông tin rằng Mỹ đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới. Nga cũng đã và đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của mình.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, Mỹ thử nghiệm lần cuối vào năm 1992, Trung Quốc và Pháp thử nghiệm lần cuối vào năm 1996, Ấn Độ và Pakistan vào năm 1998 và Triều Tiên vào năm 2017, còn Liên Xô thử nghiệm lần cuối vào năm 1990.
Ai nắm quyền chỉ huy kho vũ khí hạt nhân?
Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Tổng thống sẽ là người ra quyết định cuối cùng khi nói đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, cả chiến lược lẫn phi chiến lược. Chiếc cặp hạt nhân, hay còn gọi là “Cheget” (được đặt theo tên của núi Cheget ở dãy núi Kavkaz), luôn được mang theo bên cạnh tổng thống. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov cũng được cho là có những chiếc cặp như vậy.
Về cơ bản, chiếc cặp là một công cụ giúp tổng thống liên lạc với các vị tướng tối cao, từ đó kết nối với các hệ thống tên lửa thông qua mạng lưới chỉ huy và kiểm soát điện tử tối mật Kazbek. Ngoài ra, Kazbek còn hỗ trợ một hệ thống khác được gọi là Kavkaz.
Một đoạn phim do kênh truyền hình Zvezda của Nga phát sóng vào năm 2019 cho thấy bên trong những chiếc cặp có một loạt nút. Phần lệnh có hai nút: nút khởi chạy màu trắng và nút hủy màu đỏ. Theo Zvezda, chiếc cặp được kích hoạt bằng một chiếc thẻ đặc biệt.
Nếu Nga cho rằng quốc gia sắp phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược, tổng thống sẽ gửi lệnh phóng trực tiếp tới bộ chỉ huy tổng tham mưu và các đơn vị chỉ huy dự bị nắm giữ mã hạt nhân thông qua chiếc cặp trên. Mệnh lệnh trên sẽ nhanh chóng được truyền đến các hệ thống thông tin liên lạc khác nhau tới các đơn vị lực lượng tên lửa chiến lược, sau đó sẽ tiến hành khai hỏa.
Nếu một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga được xác nhận, tổng thống có thể kích hoạt phương án cuối cùng - hệ thống Bàn tay chết (Perimetr). Một tên lửa điều khiển sẽ kích hoạt lệnh tấn công từ toàn bộ kho vũ khí khổng lồ của Nga.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.