Nhiều người lo lắng sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của báo điện tử trong thời đại kỹ thuật số đang đẩy nhanh báo truyền thống – báo giấy (báo in) vào thế chân tường, không còn đường lùi. Ông bình luận thế nào về điều này?
Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN)
- Nhật báo sẽ khó khăn, đó là điều chắc chắn. Lý do rất đơn giản là nhật báo không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin với báo điện tử, lại càng không thể cạnh trạnh với thông tin trên di động (mobile news), đang đua tranh từng giây chứ không phải từng phút.
Mỗi ngày chúng ta lại thấy có thêm những tờ nhật báo giảm lượng phát hành, thậm chí phải đóng cửa. Nhưng nói rằng báo in sẽ chết thì không phải. Khi truyền hình ra đời, người ta đã nghĩ rằng báo in sẽ chết, nhưng đến giờ báo in vẫn tồn tại. Khi Internet ra đời, người ta cũng cho rằng báo in sẽ chết, nhưng thực tế là trong năm 2013, báo in ở châu Á, nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận Internet hơn so với châu Âu và Mỹ, số lượng phát hành thậm chí còn tăng lên.
Ai cũng thấy ở báo điện tử có không ít mặt tích cực so với báo in, nhưng cũng ngần đó mặt hạn chế. Với ông, đâu là mặt tích cực nhất và hạn chế nhất ở báo điện tử?
Quan điểm
Nhà báo Lê Quốc Minh •
Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus
Mỗi ngày chúng ta lại thấy có thêm những tờ nhật báo giảm lượng phát hành, thậm chí phải đóng cửa. Nhưng nói rằng báo in sẽ chết thì không phải...
- Báo điện tử mạnh nhất ở yếu tố tốc độ. Ngoài ra, báo điện tử cho phép đăng tải cả thông tin văn bản lẫn âm thanh, video, đồ họa, thậm chí đồ họa tương tác. Đây là những lợi thế mà không một loại hình báo chí nào sánh được.
Nhưng đổi lại, tốc độ khiến người ta phải bỏ qua nhiều tiêu chuẩn bất di bất dịch của báo chí là việc thẩm định thông tin. Về nguyên tắc, điều này là không chấp nhận được, nhưng nó vẫn tồn tại trên báo điện tử. Nhiều thông tin rất nhanh nhưng rốt cục không chính xác.
Điều đáng nói là nhiều báo sau khi đưa tin sai thì không đính chính, hoặc đính chính theo cách thức không hiệu quả, nhiều trang báo khác đã lấy lại thông tin của họ và phát tán, và độc giả không hề biết thông tin đã được đính chính. Nhiều báo nước ngoài có mục đính chính riêng, còn báo Việt Nam thì dường như không tuân thủ các quy định này, nhiều báo chỉ lẳng lặng gỡ bài hoặc sửa nội dung. Đây là điều không nên.
Khái niệm báo chí công dân đã trở nên quen thuộc những năm trở lại đây khi các mạng xã hội ngày một phát triển mạnh mẽ. Và như thế các nhà báo được đào tạo bài bản dường như trở nên lạc hậu hơn so với khái niệm mới này?
- Nhà báo công dân bao gồm những người bình thường có nhu cầu đăng tải các thông tin mà họ biết được và những người có kỹ năng chuyên nghiệp. Đa phần những người bình thường khi biết được một thông tin gì đó thì đăng tải ngay mà không thẩm định thông tin, cũng không quan tâm đến việc thông tin đó có thể tác động như thế nào.
Nhà báo chuyên nghiệp khác nhà báo công dân ở chỗ khi nắm được thông tin thì họ phải thẩm định, và phải đảm bảo sự công bằng và cân bằng. Nhưng nhà báo chuyên nghiệp phải học tập các nhà báo công dân ở việc tác nghiệp nhanh chóng. Song uy tín của tờ báo và một nhà báo chính là sức hút người đọc.
Tính tương tác cao của báo mạng cũng là lý do khiến thể loại báo chí này phát triển mạnh. Nhưng cùng với đó, đôi khi các cơ quan quản lý cũng thể hiện sự lúng túng trong việc kiểm soát. Vậy công cụ nào là hữu hiệu nhất để quản lý báo chí điện tử một cách hiệu quả ?
Báo in, báo nói, báo hình sẽ vẫn có lượng độc giả, khán thính giả riêng, song phải thay đổi hình thức thể hiện và tiếp cận. Nhiều kênh truyền hình đang có thay đổi mạnh để cạnh tranh với các kênh truyền hình online. Truyền hình trực tuyến đang dần dần chiếm ưu thế, thể hiện qua việc chiếm đến 50% số thuê bao ở Mỹ. Các nước châu Âu chắc sẽ theo xu hướng này sau một thời gian ngắn nữa.
- Nội dung do người dùng khởi tạo (user generated content) đang trở thành một phần bắt buộc của mỗi tờ báo. Nhưng thực sự, tỷ lệ nội dung do người dùng cung cấp có thể sử dụng được trên báo chí chính thống là rất ít. Kể cả iReport của CNN đi đầu trong trào lưu này cũng thừa nhận như thế. Lý do là độc giả nêu lên những vấn đề theo cách nhìn không chuyên nghiệp của họ, họ cho rằng vấn đề A là quan trọng nhưng chưa chắc độc giả nói chung đã quan tâm.
Song những ý kiến của độc giả có thể là những gợi mở quan trọng cho tòa soạn và phóng viên. Dựa vào những thông báo của độc giả, nhiều khi tờ báo có thể phát hiện ra những thông tin quan trọng. Việc này không khác gì việc sử dụng mạng lưới thông tín viên của báo in, có điều nó nhanh chóng hơn, đa dạng hơn và trong nhiều trường hợp có tính chất tức thời.
Khi nhận được những thông tin này, quyết định sử dụng hay không thuộc về tờ báo chứ không phải cơ quan quản lý. Các cơ quan quản lý nên tập trung vào những vấn đề vĩ mô, về xu hướng phát triển của báo chí nói chung, chứ không cần quan tâm đến những sự vụ cụ thể.
Nếu phải đưa ra một dự đoán về tương lai của báo điện tử với một cái nhìn tích cực nhất, ông sẽ nghĩ tới điều gì?
- Thông tin mobile (mobile news) sẽ là loại thông tin chủ đạo trong quá trình cập nhật thông tin mang tính thời sự. Nói rộng hơn là báo chí điện tử (digital journalism) sẽ là kênh thông tin thời sự chính cho độc giả, nhưng báo chí điện tử trong tương lai không đơn giản là những thông tin văn bản, hình ảnh, video đặt trên nền tảng điện tử mà phải kết hợp rất nhiều thể loại mà đặc biệt là báo chí dữ liệu (data journalism) và báo chí xã hội (social journalism).
Đương nhiên, còn rất nhiều thể loại báo chí phụ trợ cho báo chí điện tử phát triển, phải lan tỏa trên nhiều nền tảng, phải sử dụng nhiều hình thức báo chí sáng tạo và thậm chí phải tính đến các thiết bị đeo trên người (wearables), thậm chí là cách làm việc xuyên biên giới (Global collaborative journalism).
Xin cảm ơn ông!
Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Dân Trí:
Nhiều ưu thế vượt trội
Tới nay, khi báo mạng đã phát triển, với tính đa phương tiện và tính tương tác đến một mức độ toàn diện, có thể khẳng định với những ưu thế vượt trội như vậy, báo mạng sẽ thay thế hoàn toàn báo giấy trong một tương lai không xa. Bên cạnh đó, báo mạng còn đang đe dọa tới cả sự phát triển, thậm chí sự sống còn, của các loại hình truyền thông truyền thống khác.
Giờ đây, báo mạng là một kênh truyền thông tích hợp đầy đủ từ tin bài, ảnh, video, audio, infographic, cho tới các công cụ tương tác, trao đổi thông tin ngày càng tiện dụng. Tôi cho rằng, các phương tiện này sẽ càng ngày càng hòa trộn vào nhau để mang lại những trải nghiệm mới mẻ hơn cho người dùng.
Song song với việc phát triển nội dung, chi phí cho thiết bị di động thông minh và chi phí truy cập Internet ngày càng rẻ cũng là yếu tố quan trọng giúp báo mạng ngày càng trở nên phổ biến và không thể thay thế.
H.P ghi
Nhà báo Nguyễn Thắng - Phó tổng thư ký tòa soạn báo điện tử Trí Thức Trẻ: “Gã khổng lồ” trong tương lai
Cuộc sống nhanh và gấp gáp, khối lượng công việc khổng lồ, kinh tế suy thoái, khó khăn đã khiến cho nhiều người mất đi thói quen mua và đọc báo giấy. Họ tìm đến báo điện tử để được cung cấp thông tin thời sự một cách tối ưu. Chỉ bằng một thiết bị công nghệ tối thiểu như chiếc smartphone cấu hình thấp có kết nối 3G hoặc wifi, nhập tâm vài thao tác cơ bản là một người lái xe ôm đầu phố, một tiểu thương ngoài chợ… cũng có thể cập nhật thường xuyên các thông tin thời sự nóng hổi nhất qua các báo điện tử.
Một lợi thế rất lớn của báo điện tử chính là tính tương tác với độc giả rất cao. Bất kỳ ai cũng có thể gửi thông tin về cho báo điện tử chỉ bằng một cú nhấp chuột. Về đặc tính này thì ngay cả các đài phát thanh, truyền hình cũng không thể so sánh được cả về tốc độ và số lượng. Chính vì lẽ đó, tôi cho rằng, báo điện tử sẽ trở thành “gã khổng lồ truyền thông” trong một thời gian không xa.
Đức Hiếu ghi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.