Nhân dịp này, PV NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Chu Tuấn Thanh (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc về công tác chuẩn bị cho cuộc thi.
Thưa ông, mọi năm cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam thường được khởi động sớm, tuy nhiên, năm nay theo thông báo của Ban tổ chức thì có vẻ hơi gấp gáp, chỉ còn gần 3 tháng nữa là tới đêm chung kết, nhiều người băn khoăn liệu công việc chuẩn bị có kịp không?
- Mới đây, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được quyết định của Bộ VHTTDL đồng ý cho UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công ty cổ phần Quảng cáo hội chợ thương mại CIAT tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013. Thời gian cuộc thi diễn ra từ 15.3 đến 21.6. Địa điểm tổ chức thi sơ tuyển bán kết tại TP.Hà Nội (9.5 đến 12.5) và TP.Hồ Chí Minh (16.5 đến 19.5). Vòng chung kết sẽ chọn ra 40 thi sính để thi tại Hội An, đêm chung kết và lễ đăng quang tổ chức vào 20.6 tại Nhà hát Hội An. Đúng là thời gian có hơi gấp gáp so với mọi năm.
Theo thông tin tôi biết thì đáng lẽ cuộc thi chưa được tổ chức trong năm nay nhưng nhân có “Festival Di sản Quảng Nam” lần thứ V năm 2013 của tỉnh Quảng Nam nên cuộc thi đã được ấn định để trở thành một sự kiện trong chương trình này. Theo thông báo, hiện nay Ban tổ chức đã bắt đầu nhận hồ sơ, sau đó sẽ xét tuyển hồ sơ qua ảnh, về cá nhân tôi thì cảm nhận đúng là thời gian có hơi gấp gáp so với các năm trước.
|
Hoa hậu Triệu Thị Hà đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011. |
Các thiếu nữ của các dân tộc thường có chiều cao rất hạn chế nhưng năm nay, trong quy chế, tiêu chuẩn về chiều cao lại tăng thêm 2cm thì có phải quy định này đã làm hẹp đi cánh cửa tham dự của rất nhiều người hay không?
- Đúng là chiều cao của các thiếu nữ dân tộc thì hạn chế hơn nhiều so với chiều cao của các thiếu nữ dân tộc Kinh, tuy nhiên chúng tôi xác định là phải dần dần nâng cao chất lượng thí sinh. Khi mình để tiêu chuẩn chiều cao thấp thì hồ sơ tham gia có số lượng đông nhưng vẫn buộc phải loại bỏ vì không thể chọn nhiều, chẳng hạn năm 2011, có 1.015 hồ sơ nhưng loại chỉ lấy 64 hồ sơ vào vòng chung kết. Với những thí sinh tham gia bị loại dễ bị mặc cảm, nhiều người khi bị loại thì nói “biết như thế này thì không tham gia”. Cũng phải thông cảm với tâm lý của thí sinh, họ mất bao nhiêu công sức ra thủ đô lại công bố loại ngay khiến nhiều thí sinh bị sốc. Mặc dù đã nâng chiều cao lên 2cm nhưng so với các cuộc thi khác thì tiêu chuẩn chiều cao của cuộc thi này vẫn còn thấp hơn nhiều.
Có một thực tế là các hoa hậu của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam sau khi đăng quang thì rất ít xuất hiện trước công chúng, các hoạt động từ thiện, quảng bá để đóng góp cho xã hội còn rất hạn chế. Ngay cả hoa hậu đăng quang cuộc thi năm 2011 là Triệu Thị Hà cũng vậy, theo ông tại sao lại có tình trạng này và tới đây sẽ phải cải thiện như thế nào?
- Đúng là Hoa hậu các dân tộc Việt Nam so với những hoa hậu của các cuộc thi khác thì mức độ hoạt động từ thiện hoặc tham gia các sự kiện xã hội ít hơn hẳn. Khi các thí sinh lọt vào top 16 phải làm bản cam kết với Ban tổ chức là nếu như đăng quang thì Hoa hậu, Á hậu 1, Á hậu 2 trong thời gian 2 năm phải tham gia vào các hoạt động của các tổ chức để làm từ thiện, giúp đỡ những trung tâm người tàn tật, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà nhiều người không thực hiện được cam kết này.
Như trường hợp của Hoa hậu Triệu Thị Hà, mới đây, cô cũng có viết đơn gửi đến xin lỗi Ban tổ chức vì đã vi phạm cam kết. Cô Triệu Thị Hà cho biết là vì bận việc học hành nên không tham gia được thường xuyên các hoạt động sau cuộc thi, thời gian đi vận động làm từ thiện quá nhiều ảnh hưởng đến kết quả học tập. Về vấn đề xử lý vi phạm của hoa hậu này thế nào thì Ban chỉ đạo cuộc thi còn phải họp bàn nhiều.
“Điều đáng lưu ý là thí sinh đã tổ chức cưới theo phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc dù chưa đăng ký kết hôn hoặc có thời gian chung sống như vợ chồng thì không được tham dự cuộc thi này”.
Ông Chu Tuấn Thanh
Thưa ông, cuộc thi đã được tổ chức đến năm nay là lần thứ 3, về góc độ của Ủy ban Dân tộc, ông đánh giá nó đã có đóng góp gì cho công tác vận động đoàn kết các dân tộc và nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết xã hội cho thiếu nữ các dân tộc?
- Theo đánh giá chủ quan của tôi thì cuộc thi lần 1 năm 2007 tại Đà Lạt công tác quảng bá tốt, không khí hào hứng nên cuộc thi lần 2 năm 2011 thí sinh tham gia rất đông. Năm nay thì thời gian tổ chức hơi gấp gáp nên có thể số lượng thí sinh đăng ký sẽ không nhiều bằng.
Tuy nhiều năm nay, các thiếu nữ của các dân tộc đã đến với cuộc thi này nhiều hơn nhưng vẫn chưa được như mong muốn bởi vì Ban tổ chức cũng chưa tuyên truyền cho bà con hiểu biết được phong tục tập quán, nhiều nơi vẫn giữ những phong tục tập quán cũ nên ngại tham gia. Về phần các hoạt động hậu đăng quang để quảng bá, tôn vinh hoa hậu không được nhiều nên cũng là một lý do khiến sức ảnh hưởng của cuộc thi chưa lớn lắm. Trong tương lai, cuộc thi sẽ phải cố gắng để chuyên nghiệp hơn thì mới có sức hút và tầm ảnh hưởng rộng rãi.
Xin cảm ơn ông!
Mai An (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.