“Không có người thứ hai như thế”

Thứ hai, ngày 07/10/2013 06:47 AM (GMT+7)
“Tôi chưa thấy một vị tướng nào của Việt Nam trong thế kỷ 20 lại toàn vẹn đến thế. Đại tướng không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc, ông còn là một vị tướng rất hiểu biết về văn học. Có thể nói ông là một nhà quân sự văn võ song toàn của Việt Nam”.
Bình luận 0
"Hồ Phương lại đây!"

Trong đời mình, tôi có may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được trò chuyện cùng ông nhiều lần bởi ông là nhà quân sự nhưng lại rất yêu văn chương. Chính vì vậy, từ những trận đánh đầu tiên của tôi khi tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ đến kháng chiến chống Mỹ, chiến dịch đánh B52, tôi đều thường xuyên được ông mời đến nói chuyện về các trận đánh và văn chương.

Tôi bắt đầu biết Đại tướng khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở tại Trường Phan Chu Trinh (Hà Nội). Ngày đó tôi là một học sinh thi đỗ điểm cao của Trường Bưởi, một trường đào tạo chính quy của chế độ thực dân Pháp. Nhưng rồi tôi thấy rằng Trường Phan Chu Trinh ngày đó được coi như trường dân lập do Việt Minh lập ra, rất sôi động và học thoải mái hơn Trường Bưởi. Từ ngôi Trường Phan Chu Trinh, được lắng nghe ông diễn thuyết trong những lần đến nói chuyện với học sinh của trường, lứa thanh niên như tôi đã nuốt từng lời của ông với một sự kính trọng và ngưỡng vọng của tuổi thiếu niên đang lớn với nhiều ước mơ, hoài bão và lý tưởng.

img

Cho đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tôi mới chính thức được gặp trực tiếp, một mình và nói chuyện lâu hơn với Đại tướng. Ngày đó, tôi là Đại đội trưởng của một đại đội trong Sư đoàn 308, một sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội Việt Nam, vì thế mà được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (lúc đó gọi Đại tướng là Tổng Tư lệnh) quan tâm sát sao. Sau mỗi trận đánh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lần nào cũng xuống động viên, thăm hỏi anh em.

Lần ấy, khi tôi cùng đơn vị của mình tham gia mở đường để đưa pháo vào đúng vị trí trận địa. Lúc đó cũng khoảng gần trưa, chúng tôi đã mở đường gần xong, và cũng đang chuẩn bị cuốc xẻng để chuyển lên phía trên thì thấy một chiếc xe jeep đằng sau đi tới, thấy lính tráng cứ xôn xao, xôn xao, tôi tự hỏi trong đầu không biết có chuyện gì. Tôi tiến đến và nhìn thấy người ngồi trên xe chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tôi còn đang đứng nhìn, thì thấy Đại tướng đưa ánh mắt tìm kiếm trong chúng tôi, rồi ông dừng lại chỗ tôi và gọi tên tôi đồng thời vẫy tay "Hồ Phương lại đây!". Tôi ngỡ ngàng và mừng lắm, nghĩ trong đầu không ngờ, Đại tướng lại gọi đích danh mình. Tôi, mặt mũi lấm lem, quần xắn móng lợn, tay cầm xẻng chạy lại. Đại tướng hỏi tôi một loạt câu hỏi, rồi chốt lại câu cuối cùng: "Cố gắng lập công nhé, và phải viết nữa đấy". Tôi vui sướng trong lòng, trả lời: "Dạ vâng ạ!". Thế rồi xe Đại tướng đi, tất cả lính tráng ở đó nhìn tôi một cách ngạc nhiên và vị nể, từ hôm ấy tôi đâm ra cũng được "thơm lây" và nổi tiếng nhờ được Đại tướng hỏi thăm.

Yêu văn chương sâu sắc

Khi chưa được gặp Đại tướng, tôi cứ nghĩ ông là con người của chính trị, quân sự và chắc chẳng thích văn chương. Nhưng hóa ra không phải vậy, ông là người có thiên tài quân sự không qua trường lớp lại có sự chỉ huy hết sức cơ động, linh hoạt trong mỗi tình huống.

Điều này được thể hiện rõ qua chiến dịch Điện Biên Phủ, khi ông có cách chỉ huy rất sắc sảo, tinh tường, đến cả bạn bè quốc tế sau khi nghiên cứu và cách chỉ huy và trận đánh của ông đều nhận xét, cách đánh của ông hết sức bài bản, đúng theo nguyên tắc quân sự trên thế giới.

Có thể nói, Đại tướng là người thông minh, khi đọc những cuốn sách về quân sự, ông đọc 1 nhưng hiểu đến 4,5 nên kiến thức về quân sự, năng lực của một tướng chỉ huy càng ngày càng thêm sâu. Qua những chiến trận chống Mỹ, và gần nhất là chiến dịch đánh máy bay B52, điều đó lại càng thấy rõ tài chỉ huy của Đại tướng.

Trên chiến trận ông là một tướng giỏi, nhưng khi về với cuộc sống đời thường, ông lại là con người bình dị và sống hết sức có văn hóa, rất quý trọng, bình đẳng và gần gũi với lính của mình, không bao giờ tỏ ra là người hợm hĩnh, kiêu kỳ, bề trên với cấp dưới.

Đại tướng cũng là người rất tỉ mỉ và cẩn thận, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù ông là Tổng Tư lệnh chỉ huy, nhưng ông lại trực tiếp ra trận, đi khảo sát từ ngày đầu chuẩn bị cho trận đánh, rồi xem xét kế hoạch đánh trận. Và đến sát ngày đánh, ông lại một lần nữa đi kiểm tra, quan sát và trực tiếp chỉ huy đến hết trận đánh ông mới trở về.

Tôi đánh giá đó là tác phong đáng quý của Đại tướng, tiếp nối được truyền thống của thế hệ cha ông, một tinh thần thượng võ.

Đại tướng và tôi đã có cuộc nói chuyện về văn chương, về những tác phẩm như: "Lưỡi mác xung kích"; "Người chị cả"; "Thư nhà"; "Hà Nội nơi xa". Đại tướng hỏi cặn kẽ, cậu viết "Lưỡi mác xung kích" trong hoàn cảnh nào, lấy ai làm hình tượng… rồi Đại tướng lại đặc biệt khen về "Thư nhà", về sự sắc sảo nhưng lại đậm tình người trong tác phẩm đó. Tôi vui lắm, hạnh phúc lắm.

Thế đấy, ông là một vị Đại tướng cao nhất trong quân đội, vậy mà tâm tư tình cảm của chiến sĩ đều nắm rất rõ, ông không bỏ qua bất cứ một sáng tác nào của cánh lính chúng tôi.

Điều đó cho thấy phần đời sống tinh thần và tâm hồn của ông luôn được ông để tâm săn sóc không một phút lơi là. Nghe tin ông đi xa, tôi khóc thương ông như một người anh cả vô cùng đáng kính. Sẽ không có một người thứ hai như thế trên đời.

Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương (Thanh Hà ghi) (Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương (Thanh Hà ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem