Không khí ô nhiễm, tập thể dục buổi sáng liệu có hại?

Diệu Linh – Bảo Yến Thứ năm, ngày 28/04/2016 05:57 AM (GMT+7)
Những ngày qua, sau thông tin cảnh báo về mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội, trên các diễn đàn mạng và một số trang tin đăng tải nhận định của một số chuyên gia về việc nồng độ ô nhiễm đặc biệt tăng cao vào buổi sáng sớm, từ đó khuyến cáo người dân không nên đi tập thể dục vào buổi sáng.
Bình luận 0

Để tìm hiểu độ chính xác của thông tin trên, Dân Việt đã trao đổi với một số chuyên gia và bác sĩ.

Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp: Không khí ở các thành phố ô nhiễm nhất là vào giờ cao điểm. Buổi sáng là từ 8-9h và buổi chiều là từ 17-18h. Độc hại phụ thuộc vào nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí trong đó mấy chất độc hại cơ bản bụi mịn có đường kính dưới 10 micromet, có khí CO, khí benzen (hơi xăng dầu)... Vào những giờ cao điểm thì nồng độ những chất này cao hơn bình thường khá nhiều. Vào giữa trưa thì tập quán của người Việt Nam là hay ngủ trưa nên xe cộ đi ra đường ít nên lượng khí thải ít hơn. Ban đêm từ sau 23h đến-5h sáng rất ít phương tiện giao thông đi lại nên không khí ít ô nhiễm nhất.

Xung quanh thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua, cho rằng: Người dân không nên đi tập thể dục vào buổi sáng sớm do vào thời điểm này, khói thải không thể bốc lên cao, dẫn tới mức độ ô nhiễm không khí tăng, ảnh hưởng xấu đến người hít phải, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết: “Đó là hiện tượng đảo nhiệt, phân tầng nhiệt. Điều này xảy ra khi nhiệt độ ở bên dưới mặt đất thấp hơn nhiệt độ trên cao thì không khí không bay đi được. Tuy nhiên, điều này rất ít khi xảy ra và chỉ xảy ra vào những ngày đặc biệt, phụ thuộc vào thời tiết. Chẳng hạn như có một luồng gió lạnh thổi qua thành phố Hà Nội thì nhiệt độ không bay lên cao được nên sẽ đọng lại ở tầng dưới thế thì nó sẽ ô nhiễm nặng hơn. Đấy là những ngày nghịch nhiệt chứ không phải là hiện tượng xảy ra vào buổi sáng, và không phải ngày nào cũng có”.

img

Một người đàn ông đeo khẩu trang tập thể dục buổi sáng do không khí ô nhiễm ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Intrernet

Cũng theo GS Đăng thì đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu, thống kê nào cụ thể về số lượng ngày xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt trong một năm ở nước ta.

“Đối với việc lo sợ rằng đi ra ngoài tập thể dục buổi sáng sẽ bị ô nhiễm do hiện tượng nghịch nhiệt trên là không đúng. Tôi khẳng định rằng hiện tượng nghịch nhiệt vào buổi sáng là không có” - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nói.

Cũng về vấn đề này, một bác sĩ chuyên về đường hô hấp cho rằng, không khí chỉ ô nhiễm khi có sự lưu thông của các phương tiện giao thông, thải ra khói bụi nhiều nên không thể cho rằng sáng sớm là thời điểm ô nhiễm nặng nhất. Vị bác sĩ này cũng khẳng định, người dân không nên bỏ tập thể dục sáng sớm, càng không nên đeo khẩu trang để tập thể dục, vì khi đó tác dụng lưu thông không khí trong phổi, tăng oxy trong máu... của việc tập thể dục sẽ không còn. 

"Người dân chỉ cần chọn nơi tập thể dục có nhiều cây xanh, ít xe cộ đi lại để tránh khói bụi, tiếng ồn là đủ. Chỉ khi thời tiết quá lạnh thì người già không nên tập thể dục sớm, tránh gặp hiện tượng co mạch, làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, huyết áp cao...", vị bác sĩ này khuyến cáo.

Nói về tác hại của khói bụi ô nhiễm, TS Chu Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không khí ô nhiễm có tác động mạnh tới hệ hô hấp và là tác nhân gây nên nhiều bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp, phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đặc biệt với trẻ nhỏ. Tuy nhiên ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến hệ hô hấp như thế nào phải có các nghiên cứu đánh giá cụ thể. Theo các chuyên gia, sự ô nhiễm không khí bao gồm cả trong nhà (do đốt than, củi để đun nấu, sưới ấm ở chỗ lưu thông kém) và môi trường (chủ yếu do sản xuất công nghiệp, ô nhiễm đô thị, giao thông đường bộ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – chuyên gia nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không khí ô nhiễm rất bất lợi cho các cơn hen phế quản cấp tính, đặc biệt cơn hen của trẻ nhỏ: “Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhi bị khó thở, hắt hơi dị ứng, viêm mũi dị ứng do yếu tố khói bụi, môi trường. Ngoài ra, khói bụi cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các bệnh viêm đường hô hấp cấp ở trẻ, viêm xoang, viêm mũi dị ứng kéo dài.. “ – PGS Dũng cho biết. PGS Dũng cũng khuyến cáo, người dân cần tự bảo vệ mình khỏi ô nhiễm không khí như vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giữ thoáng khí, không đốt than, đun bếp ở nơi không có sự lưu thông không khí. Khi ra đường cũng nên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nếu không có việc cần thiết thì không nên tới các nơi nhiều khói bụi. Đặc biệt hạn chế dẫn theo trẻ em đến các nơi đông đúc, môi trường ô nhiễm. Những người có tiền sử viêm mũi, dị ứng, viêm phế quản càng cần giữ cho “đường thở” của mình được sạch sẽ, không dính đến khói bụi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem