Khởi nguồn ý tưởng từ một bài báo
Chia sẻ với NTNN, Đức Huy cho biết: Ý tưởng thiết kế ngôi nhà xuất phát từ lần tình cờ em đọc được một bài báo viết về việc người dân ở khu vực bãi rác Khánh Sơn chặn xe chở rác vào bãi rác vì nơi đây ô nhiễm trầm trọng khiến người dân bức xúc. Lúc đó, em đã suy nghĩ nên làm điều gì đó giúp bà con ở khu vực này đỡ khổ. Đúng vào thời điểm trường phát động cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học” năm học 2015 - 2016, em liền chia sẻ ý tưởng với cô giáo chủ nhiệm và được cô khuyến khích thực hiện.
Hai bạn Huy và Duyên cùng mô hình nhà giảm thiểu ô nhiễm. Ảnh: K.O
Mô hình có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần giảm bớt những tác động xấu từ tình trạng ô nhiễm môi trường ở điểm nóng này. Mong rằng, mô hình sẽ ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng, góp phần tạo ra một môi trường xanh, sạch đẹp”.
Thầy Phạm Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú
|
Để thực hiện ý tưởng, Huy cùng Duyên và cô giáo chủ nhiệm đã đến tận bãi rác để quan sát và tìm hiểu về môi trường trong ngôi nhà của người dân và nhận ra đại đa số dân cư nơi đây khó khăn, thu nhập thấp, không có điều kiện để thay đổi chỗ ở. Cách tốt nhất là giúp người dân sống chung với ô nhiễm bằng việc cải tạo chính căn nhà của họ, giảm thiểu các tác động ô nhiễm của môi trường xung quanh.
“Người dân ở đây sinh sống rất khổ. Ngoài chịu đựng mùi hôi thối do bãi rác bốc mùi, họ còn bị nhiễm khí độc do các loại rác như nhựa, các đoạn dây điện, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Hầu hết nhà của bà con là cấp 4 đã cũ nên việc ngăn các luồng không khí ô nhiễm, bụi bẩn vào nhà là quá khó. Để có các thông số kỹ thuật đánh giá về mức độ ô nhiễm, chúng em phải nhờ đến sự giúp sức của cô chủ nhiệm, Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường của Đại học Đà Nẵng mới có thiết bị đo khí và phân tích” - Huy nói.
Mong ứng dụng vào thực tế
Trong khi đó, Mỹ Duyên cho biết: “Ngôi nhà thiết kế cho người dân sống quanh bãi rác Khánh Sơn được sử dụng sơn có chứa TiO2 (Titan dioxit) để sơn phủ lớp tôn lợp mái nhà và gạch lát sân nhằm ôxy hóa khí độc. Đây là loại sơn được nhiều nước trên thế giới sử dụng ở các công trình nhà ở cho người dân. Ngôi nhà sử dụng hệ thống cửa hình cánh buồm xoay linh hoạt để giảm bụi và khí độc theo chiều gió. Đồng thời, chúng em sử dụng hệ thống cửa lưới cho cửa chính và cửa sổ thiết kế bằng sợi thủy tinh bọc nhựa để ngăn bụi bẩn vào nhà và tạo không gian cho không khí đối lưu nhằm tránh nóng bức.
“Sơn Titan dioxit có tính chống ăn mòn cao, không thấm nước, có độ bền về hóa, nhiệt và bền cơ học; có khả năng phản ứng với ánh sáng để trung hòa các tác nhân gây ô nhiễm không khí, ngoài ra có thể ôxy hóa các chất gây ô nhiễm không khí độc hại thải ra do các nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy. Khi tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, TiO2 phá vỡ các ôxit nitơ trong không khí và biến chúng thành canxi nitrat vô hại. Chất này sẽ rửa sạch mái nhà và là một loại phân bón thông dụng cho cây trồng” - Huy giải thích.
Mô hình nhà chống ô nhiễm của Huy và Mỹ Duyên còn tận dụng cây xanh tự nhiên để vừa giảm ô nhiễm, vừa làm đẹp cảnh quan với các loại cây như bạc hà, hành tăm, lưỡi hổ, lô hội, dương xỉ… cùng một hệ thống cây xanh được thiết kế cả trong và ngoài nhà để làm trong sạch môi trường, xua muỗi. Mỹ Duyên cho biết thêm: Ưu điểm khác của mô hình là có thể cải tạo ngay trên chính ngôi nhà của người dân, với chi phí cải tạo thấp chỉ khoảng 10 triệu đồng/nhà diện tích 100m2.
Mô hình được đánh giá cao, nhưng Huy và Mỹ Duyên vẫn còn nhiều trăn trở “Chúng em vui vì mô hình được đánh giá cao nhưng mong muốn lớn nhất là làm sao có thể ứng dụng vào thực tế để giúp người dân sống trong môi trường trong sạch”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.