Nấm ô tán trắng phiến xanh cũng là một loại nấm độc, nhiều người dễ hái ăn nhầm.
Ngày 9/2, tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai diễn ra buổi chia sẻ thông tin về phòng chống ngộ độc nấm độc.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, đây là thời điểm bắt đầu ấm lên, và xuất hiện những cơn mưa, vì thế các loại nấm rừng phát triển rất mạnh. Đó chính là nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc nấm nếu người dân đi rừng, hái những loại nấm này về ăn.
Bác sĩ Dũng cho biết, tỷ lệ tử vong do nấm độc thường rất cao (khoảng trên 50% ca nhập viện), thường hay xảy ra với đồng bào dân tộc miền núi như: Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
“Tôi còn nhớ mãi một ca ngộ độc nấm ở Cao Bằng xảy ra cách đây vài năm về trước. Cả gia đình có 9 người bị ngộ độc nấm thì có đến 8 người tử vong. Hay ca ngộ độc nấm ở Thái Nguyên hồi năm 2014 cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều người dân khi sử dụng các loại nấm hoang, nấm dại ở trong rừng”, TS Nguyên chia sẻ.
Đối với những trường hợp bị ngộ độc nấm, TS Dũng cho biết, họ thường có những dấu hiệu về đường tiêu hóa, sau khi ăn bị nôn, ỉa chảy. Những loại nấm độc có những dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa sớm thường không gây nguy hại cho sức khỏe bằng nấm có biểu hiện muộn.
Bệnh nhân ngộ độc nấm nhập viện.
Theo tiến sĩ Dũng, nhiều người sai lầm trong cách nhận diện nấm độc. Ví dụ như gà, chó… ăn nấm trước, nếu sau 1- 2 giờ không chết hoặc không bị ngộ độc thì kết luận là nấm không độc. Thật ra cách này chỉ đúng với một số loại nấm có tác dụng nhanh. Nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau 12-24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên, động vật chỉ chết sau 4-5 ngày.
Một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền… bạc, nếu bạc đổi màu xám đen thì nấm độc. Cách này hoàn toàn sai bởi các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.
Việc phân biệt nấm độc với nấm lành không phải dễ, kể cả với nhà chuyên môn. Tại Cao Bằng, các chuyên gia đã tìm thấy 13 loại nấm độc.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả… Chú ý không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng.
Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi hay dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu.
Khi có biểu hiện ngộ độc, nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì uống ngay với liều 1g/1kg cân nặng. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế, mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến để xác định sơ bộ loại nấm.
Triệu chứng của ngộ độc nấm mới đầu có thể rất mơ hồ như đau bụng, đi ngoài sau đó tự cầm, nhiều người không đến bệnh viện; khi các triệu chứng xuất hiện trở lại thì đã hôn mê, tổn thương gan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.