"Không nên coi bản kê khai tài sản là bí mật cá nhân"

Vinh Hải (thực hiện) Thứ sáu, ngày 07/08/2015 06:44 AM (GMT+7)
Để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đề nghị không nên coi bản kê khai tài sản là bí mật cá nhân.
Bình luận 0

Kết quả khảo sát liêm chính trong thanh niên năm 2014 cho thấy tỷ lệ thanh niên có xu hướng thỏa hiệp với cái xấu cao hơn so với kết quả khảo sát 2011. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

img

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Ảnh: I.T

- Theo tôi, thứ nhất là do kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng còn kém nên thanh niên nhiều khi nới lỏng các giá trị liêm chính, thỏa hiệp với tham nhũng, để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân hay gia đình. Ví dụ như đưa người nhà vào bệnh viện, nhân viên bệnh viện có ý vòi vĩnh thì chắc người ta cũng phải thỏa hiệp thôi. Hoặc trường hợp xin việc làm, không thiếu trường hợp người ta phải thỏa hiệp mới mong có một chỗ.

Thứ hai đây có thể là biểu hiện của thói quen nói một đằng, làm một nẻo trong xã hội. Không biết từ bao giờ, ở nước ta rất thịnh hành lối nói theo đám đông, nói theo những điều người khác muốn nghe, chứ không theo suy nghĩ của mình. Trong một cộng đồng như vậy, người ta dần dần sẽ không nói những điều người ta nghĩ và không làm đúng những điều người ta nói nữa.

Kết quả khảo sát này sẽ giúp thay đổi thế nào trong công tác phòng chống tham nhũng, thưa ông?

- Khảo sát này rất cần thiết vì giúp cho xã hội, cơ quan chức năng thấy được tình hình thực tế như thế nào, cũng là góp thêm một tiếng chuông báo động để xã hội đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nếu không có những khảo sát này có thể một số người nghĩ tình hình rất tốt.

Từ kết quả khảo sát của mình, các tổ chức, cá nhân thực hiện cuộc khảo sát này đã đưa ra một số kiến nghị nhưng  những kiến nghị đó có thực hiện được hay không thì phụ thuộc vào các cơ quan và tổ chức hữu quan, vào chính sách chung. Chính sách chung là phải quyết tâm chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo vệ thể chế, phát triển đất nước. Chứ đã coi tham nhũng là giặc nội xâm rồi mà cứ chung sống hòa bình với nó thì có ngày hỏng hết cơ đồ.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng thanh niên ở khu vực nông thôn, học vấn thấp có niềm tin hơn vào việc phòng chống tham nhũng. Đây có phải là tín hiệu tích cực không?

 "Biện pháp có rồi thì quan trọng nhất là quyết tâm từ lãnh đạo. Có quyết tâm thì biện pháp mới được áp dụng triệt để, không hình thức, nửa vời”.

Ông Nguyễn Minh Thuyết

- Theo kết quả khảo sát, những thanh niên có học vấn thấp có nhiều niềm tin hơn trong phòng chống tham nhũng đó có thể là do họ không có đủ thông tin về những chuyện tham nhũng. Nhưng cũng vì không đủ thông tin và vì phải lo đánh vật với cuộc sống hằng ngày mà họ cũng dễ nới lỏng liêm chính hơn.

Người dân chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ có phần do hoàn cảnh sống của mình. Nhưng để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nhà nước, vì Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Ông có kiến nghị gì để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn?

- Theo tôi, biện pháp thì có hết rồi. Nếu thiếu, ta có thể học hỏi biện pháp của nước ngoài, từ nước có chế độ xã hội giống ta đến nước có chế độ xã hội khác ta. Bởi vì đối với bất cứ chế độ nào, đất nước nào, tham nhũng cũng là tội phạm nguy hiểm, đều phải tìm những biện pháp hữu hiệu để chống nó.

Biện pháp có rồi thì quan trọng nhất là quyết tâm từ lãnh đạo. Có quyết tâm thì biện pháp mới được áp dụng triệt để, không hình thức, nửa vời. Như việc kê khai tài sản, nếu quyết tâm thì sẽ không làm chiếu lệ, qua loa. Tôi đề nghị không nên coi bản kê khai tài sản là bí mật cá nhân.

Hay việc phát hiện, xử lý tham nhũng, có quyết tâm thì sẽ thấy ngay vấn đề. Ví dụ, không khó để kiểm tra dư luận nhân dân về những khối tài sản siêu khổng lồ của ông A, ông B. Lương của ông thế, lấy đâu ra khối tài sản to như vậy? Nhưng có quyết tâm rồi, còn phải có sức mạnh. Có đủ sức mạnh thì mới thắng được giặc. Sức mạnh ấy ở đâu ra?

Từ xưa đến nay, Việt Nam mình đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế, quân sự đều không mạnh nhưng vẫn thắng các thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất. Đó là nhờ biết phát huy sức mạnh của nhân dân. Nếu lãnh đạo khơi được nguồn sức mạnh từ nhân dân thì chắc chắn sẽ thắng được giặc tham nhũng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem