30 triệu USD từ xuất khẩu cá rô phi
Được coi là một trong 4 vật nuôi chủ lực của ngành thuỷ sản, ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng của cá rô phi ở nước ta?
- Năm 2014, ghi nhận lần đầu tiên chúng ta thu được 30 triệu USD từ xuất khẩu cá rô phi. Nước ta có rất nhiều tiềm năng phát triển loài cá này, do có thể nuôi được cá ở cả nước ngọt như hồ, sông, ao và diện tích nước lợ ven biển. Hiện tại, sản lượng cá rô phi toàn quốc đã đạt khoảng 150.000 tấn/năm.
Gia đình ông Phạm Văn Đoàn, ở thôn Đoàn Khuê, xã Tiên Động (Tứ Kỳ, Hải Dương) mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cá rô phi. Ảnh: Thanh Xuân
Sau 10 năm phát triển vật nuôi này, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm nuôi, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) cũng có dây chuyền sản xuất phục vụ cá rô phi.
Bên cạnh đó, những nhà máy chế biến, nhất là nhà máy chế biến phi lê cho cá tra cũng hoàn toàn có thể chuyển sang chế biến cá rô phi phục vụ cho xuất khẩu... Với những lợi thế như trên, tôi tin chắc chắn diện tích nuôi cũng như sản lượng của cá rô phi sẽ tăng mạnh trong các năm tới.
Vậy theo ông tiềm năng xuất khẩu của mặt hàng này liệu có lớn?
- Cá rô phi có chất lượng thịt thơm ngon, ít xương, dễ chế biến nên đang được sử dụng làm thực phẩm phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người dân. Do đó, tiềm năng tiêu thụ ở trong nước đối với cá rô phi là rất lớn. Một gia đình có 3 người cũng có thể mua 1 còn cá rô phi 7 lạng tới 1kg để ăn trong một bữa với giá cả rất phù hợp. Tuy nhiên, ngoài cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa cũng phải hướng tới xuất khẩu mặt hàng này.
Hiện nay, tiềm năng xuất khẩu cá rô phi là rất lớn, do nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên thế giới ngày càng tăng. Trong 10 năm vừa qua, sản lượng cá rô phi của thế giới tăng từ 15-20%. Trong đó, Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ cá rô phi lớn nhất trên toàn cầu.
Như năm 2014, Mỹ nhập khẩu 1,1 tỷ USD cá rô phi từ các nước. Không chỉ nhu cầu tăng mà ngay cả giá xuất khẩu cá rô phi cũng tăng đều qua các năm, nếu như năm 2009, giá xuất khẩu 1kg cá rô phi phi lê chỉ 3,5USD thì đến năm 2014, 1kg cá rô phi phi lê đã là 4,5USD.
Mặc dù Trung Quốc có sản lượng cá rô phi cao gấp nhiều lần của chúng ta, nhưng phần lớn rô phi xuất khẩu từ Trung Quốc lại được đưa từ vùng nước ngọt, còn ở Việt Nam có thể phát triển được cá rô phi ở vùng nước ven biển và chúng ta cũng có lợi thế hơn về chất lượng.
Chưa tự chủ được giống
Bên cạnh những lợi thế trên, để phát triển cá rô phi bền vững theo ông còn có những khó khăn gì. Chúng ta cần có làm gì để phát triển bền vững?
- Do Việt Nam là nước đi sau, nên các thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn trên thế giới hiện đã có nhà cung cấp. Chúng ta sẽ gặp phải những đối thủ cạnh tranh rất mạnh. Khó khăn của chúng ta là đi sau, chất lượng giống cá rô phi còn chưa tốt. Ngoài ra, có thể nói vấn đề khó khăn nhất hiện nay để phát triển cá rô phi là chưa tự chủ được nguồn giống trong nước, phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bộ NNPTNT đang cho xây dựng quy hoạch phát triển cá rô phi đến năm 2020, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là chuẩn bị nhập một số giống tốt ở nước ngoài về để nghiên cứu, chọn tạo tiến tới tự sản xuất được giống tốt. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ có những định hướng để các địa phương phát triển vùng nuôi, gắn với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để có định lượng cho phù hợp. Dù xác định là mặt hàng có lợi thế nhưng không nên nóng vội, phát triển quá nhanh, không cân đối với thị trường sẽ ảnh hưởng xấu từ bài học cá tra.
Xin cảm ơn ông!
Hiện Bộ NNPTNT đang xây dựng đề án phát triển cá rô phi đến năm 2020 và đã phê duyệt dự án chọn tạo giống rô phi với kinh phí 5 tỷ đồng để cho doanh nghiệp và các viện nhập khẩu giống cá rô phi bố mẹ chất lượng cao. Từ đó, nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống cá rô phi F1 phục vụ cho nuôi thương phẩm tạo ra lượng sản phẩm rô phi hàng hoá lớn, chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.