Nuôi cá rô phi quá dễ

Thứ năm, ngày 06/12/2012 20:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cá rô phi quá quen thuộc với dân ta. Ở đâu cũng nuôi rô phi. Nó được nuôi trong ao, trong hồ, trong lồng bè và cả trong ruộng lúa nữa. Cá rất dễ nuôi, dễ sống, dễ thích nghi.
Bình luận 0

Rô phi có nguồn gốc từ châu Phi. Nó được đưa vào Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước. Rô phi có tới gần 100 loài. Ở ta, trước đây chỉ có phổ biến giống rô phi đen (còn gọi là rô phi cỏ). Ta đâu biết, ở rô phi có hiện tượng cá mẹ ngậm trứng và ngậm cả cá con trong miệng. Nó đớp trứng vào miệng và ngậm cho tới khi trứng nở.

Nhiều khi, nó còn ngậm cả cá con cho tới khi lũ cá tiêu hết noãn hoàng mới nhả ra để cá con đi kiếm ăn. Chính nhờ hiện tượng này mà đàn cá được bảo vệ chắc chắn và tỷ lệ sống rất cao. Tốc độ tăng đàn của cá rô phi so với các loài khác là vô địch. Mặt khác, rô phi lại trưởng thành sớm, chỉ 3 tháng tuổi là đã phát dục.

Thời chiến tranh, ở các trại lợn của hợp tác xã, người ta thường đào một hào rộng xung quanh trại để nuôi cá rô phi. Cá ăn nước phân từ trại lợn đổ xuống. Chúng lớn rất nhanh và đẻ dày đặc. Nhưng vì cơ thể chúng nhỏ và xương rất cứng nên người ta ít ăn. Họ bắt lên và làm mắm chượp cho lợn ăn.

Nhưng từ những năm 70 trở lại đây, Việt Nam đã nhập vào nhiều giống rô phi mới rất có triển vọng, đặc biệt là giống rô phi đỏ (mà ta gọi là cá điêu hồng) và loài rô phi vằn của Đài Loan. Hai loại này nuôi khoảng 4-5 tháng là đã có thể đạt được 300-400g/con. Gần đây ta lại nhập dòng rô phi Gift. Giống này nuôi 5-6 tháng là có thể đạt từ 600-700g/con. Trọng lượng tối đa của chúng có thể đạt từ 1,2-1,4kg/con. Cá càng lớn bán càng dễ. Loại này xuất khẩu rất tốt…

Rô phi có thể nuôi trong môi trường nước ngọt, nước lợ và cả trong vùng có độ mặn tới 32%o. Nhiều nơi nuôi tôm sú ở ven biển đã xen một vụ cá rô phi để nó làm thêm nhiệm vụ dọn ao cho tôm. Rô phi chịu được môi trường nước có nồng độ NH3 lên tới 2,4mg/lít, nhiệt độ nước lên tới 42 độ C (nhưng nếu nhiệt độ xuống dưới 11 độ C là nó không chịu nổi). Nó hoạt động ở tầng đáy và chịu được hàm lượng oxy thấp tới ngưỡng 0,1-0,3mg/lít.

Ở rô phi, cá đực bao giờ cũng lớn hơn cá cái, có khi lớn gấp rưỡi. Do đó, người ta đã nghĩ cách để tạo ra toàn cá đực. Họ dùng hooc môn để chuyển giới tính và tạo ra đàn cá toàn đực (và gọi là cá đơn tính). Lũ này lớn rất nhanh.

Rô phi ăn tạp nhưng thiên về thức ăn thực vật. Nó ăn rau, bèo, mùn bã, phân hữu cơ, thức ăn phối trộn, thức ăn chế biến, thức ăn viên công nghiệp… Nhu cầu đạm trong thức ăn nên từ 25-35%...

Có thể nuôi thuần rô phi hoặc nuôi lẫn với các loài khác. Nuôi rô phi quá dễ! Mọi nhà nên nghĩ tới việc nuôi rô phi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem