Khu rừng cách trung tâm TP HCM 40km, trên chim trời, dưới cây xanh, nước 3 dòng sông nổi tiếng dồn về

Thứ sáu, ngày 08/12/2023 18:34 PM (GMT+7)
Nằm cách trung tâm TP HCM gần 40 km, Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam - có tổng diện tích khoảng 75.000 ha và là hệ sinh thái đất ngập nước ven biển được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của 3 con sông: Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ.
Bình luận 0

Huyện Cần Giờ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch xanh, đặc biệt là du lịch sinh thái và kinh tế biển. Cần Giờ xanh đặc biệt quan trọng giúp TP HCM và khu vực miền Đông Nam Bộ ứng phó biến đổi khí hậu.

Cần Giờ: Hệ sinh thái đa dạng sinh học cao

Nằm cách trung tâm TPHCM gần 40 km, Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam - có tổng diện tích khoảng 75.000 ha và là hệ sinh thái đất ngập nước ven biển được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của 03 con sông: Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ.

Khu rừng cách trung tâm TP HCM 40km, trên chim trời, dưới cây xanh, nước 3 dòng sông nổi tiếng dồn về - Ảnh 1.

Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ, “lá phổi xanh” với chức năng bảo vệ TP HCM và các đô thị xung quanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (VESDI), kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học, gần đây nhất là đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, mô hình hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn bền vững đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ” cho thấy, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ với diện tích tới 11,16% tổng diện tích rừng ngập mặn cả nước và 83,21% tổng diện tích rừng ngập mặn vùng Đông Nam bộ là môi trường tạo nên tính đa dạng sinh học cao.

Kết quả điều tra cho thấy tại Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ, về động vật đã phát hiện khoảng 700 hệ thủy sinh không xương sống, khoảng 89 loài côn trùng, 282 loài cá, hơn 36 loài lưỡng cư, 36 loài bò sát, trên 164 loài chim và 35 loài thú; trong đó có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam, như: tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, cá sấu hoa cà…

Về thực vật, hiện có khoảng 150 loài, trở thành nguồn thức ăn và nơi trú ngụ cho nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.- PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (VESDI).

TPHCM là một nơi hiếm hoi có một khu đất ngập nước (wetland) tự nhiên - Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ - nằm ngay trong thành phố, trở thành một mô hình hay một biểu tượng về sự phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước cho Việt Nam và thế giới.

Với những đặc điểm trên, rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ tạo mảng xanh đô thị, cảnh quan thiên nhiên, trở thành “lá phổi xanh” cho TPHCM và các đô thị xung quanh, mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng, phòng hộ chống xói lở bờ biển…

Cần Giờ: Một trong ba địa bàn trọng điểm du lịch của TP HCM

PGS.TS Phạm Trung Lương phân tích thêm, với tiềm năng tài nguyên du lịch đặc sắc, Cần Giờ đã được xác định là 1 trong 3 địa bàn trọng điểm du lịch của TPHCM là: trung tâm thành phố, Củ Chi và phụ cận và Cần Giờ.

Thời gian qua, thành phố đã có sự đầu tư cho phát triển du lịch Cần Giờ hướng đến mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia - điểm đến du lịch thiên nhiên với trọng tâm là du lịch sinh thái với nhiều sản phẩm du lịch như: tham quan Đầm Dơi, đi thuyền trên sông, thăm sân chim, ngắm đàn khỉ hoang dã, xem cá sấu săn mồi,... và trải nghiệm, tìm hiểu về các giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển cũng như các giá trị đa dạng sinh học hệ động vật, thực vật phong phú, đa dạng nơi đây.

Ngoài ra, du khách có thể tham gia Lễ Nghinh Ông Cần Giờ và tham quan khu Căn cứ Rừng Sác - Di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

Khu rừng cách trung tâm TP HCM 40km, trên chim trời, dưới cây xanh, nước 3 dòng sông nổi tiếng dồn về - Ảnh 3.

PGS.TS. Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (VESDI), Ảnh minh họa

Phát triển đô thị nhưng phải bảo tồn Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ

Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế của rừng ngập mặn mang lại, Cần Giờ đang đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị du lịch - thủy sản theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên với phát triển kinh tế biển, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Vào giữa tháng 7/2023, sau hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát, tiềm năng và thế mạnh của huyện Cần Giờ.

Ông nhấn mạnh phát triển hạ tầng Cần Giờ trước, cần phát triển thuận thiên, biến Cần Giờ thành “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố."

Theo Thủ tướng, Cần Giờ có tiềm năng rất lớn. Phát triển Cần Giờ phải lên tầm cao mới, góp phần vào sự phát triển của TPHCM và khu vực; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Căn cứ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 và Chiến lược phát triển hướng biển của TPHCM, Cần Giờ đã và đang được định hướng phát triển đến năm 2030 trở thành khu du lịch quốc gia và là thành phố biển với chức năng nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái.

Khu rừng cách trung tâm TP HCM 40km, trên chim trời, dưới cây xanh, nước 3 dòng sông nổi tiếng dồn về - Ảnh 4.

Du khách có thể tham gia Lễ Nghinh Ông huyện Cần Giờ. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh đó, ngày 16/8/2023, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phối hợp với UBND huyện Cần Giờ tổ chức hội thảo khoa học “Cần Giờ Xanh - Hướng tới đô thị sinh thái ven biển”.

TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch Chung, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho biết, tháng 6/2020, dự án Quy hoạch 2870ha ra hướng Biển được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với kinh phí đầu tư khoảng 217.054 tỷ đồng.

Bài toán phát triển đô thị nhưng phải bảo tồn hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển được đặt ra và rộng hơn là sự phát triển đồng bộ và toàn diện của vùng Cần Giờ, bao gồm yêu cầu bảo tồn sinh thái, chuyển đổi cơ cấu kinh tế toàn diện, bao gồm sinh kế người dân và xây dựng đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, Cần Giờ là một huyện ngoại thành ven biển duy nhất của TP.HCM, có diện tích tự nhiên 70.445 ha và dân số 76.060 người, với 06 xã và 01 thị trấn, có hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Khu rừng cách trung tâm TP HCM 40km, trên chim trời, dưới cây xanh, nước 3 dòng sông nổi tiếng dồn về - Ảnh 5.

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, tại hội thảo khoa học “Cần Giờ Xanh - Hướng tới đô thị sinh thái ven biển”.

“Với đường bờ biển dài 23km từ vịnh Đồng Tranh sang vịnh Gành Rái, việc quan trọng là cần phát huy lợi thế của rừng và biển để xây dựng Cần Giờ Xanh - hướng đến Đô thị sinh thái ven biển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Định hướng phát triển Cần Giờ nằm trong tổng thể định hướng phát triển TPHCM được xác định qua các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc Hội, trong đó nhấn mạnh cần triển khai nhanh hai siêu đề án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ và Khu Đô thị Lấn biển Cần Giờ làm đòn bẩy, đánh thức tiềm năng, phát triển toàn diện huyện Cần Giờ,” TS Huy Vũ nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Ngọc Vinh, Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, kinh tế biển là động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội huyện Cần Giờ, kết hợp với phát triển các khu đô thị lấn biển kết hợp với du lịch, dịch vụ và thương mại; bên cạnh đó là khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời cũng như thúc đẩy hoàn thành dự án cảng trung chuyển và kết nối giao thông phá vỡ thế ốc đảo của Cần Giờ.

Cần Giờ Xanh trước tác động môi trường và biến đổi khí hậu

Còn theo TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất Ngập nước, bài toán đặt ra là phát triển kinh tế biển Cần Giờ nhưng không tác động bất lợi với môi trường.

Bài viết “Định hướng xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ gắn với khu đô thị sinh thái ven biển Cần Giờ và thích ứng với biến đổi khí hậu” đã nêu lên những thành tựu và kỳ tích về rừng ngập mặn Cần Giờ, xem xét mô hình mẫu về bảo vệ rừng ven biển của nước ta khi khoán bảo vệ rừng ngập mặn ven biển gắn với sinh kế và thu nhập của hộ dân ở Cần Giờ, mối tương quan giữa rừng ngập mặn và thích ứng biến đổi khí hậu.

Khu rừng cách trung tâm TP HCM 40km, trên chim trời, dưới cây xanh, nước 3 dòng sông nổi tiếng dồn về - Ảnh 6.

TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất Ngập nước

Theo đó, diện tích đất rừng ngập mặn của Cần Giờ là hơn 34.700 ha (chiếm khoảng 50% tổng diện tích tự nhiên của huyện). Vì vậy, khi quy hoạch phát triển Cần Giờ cần đặt quy hoạch rừng phòng hộ làm nền tảng trong các quy hoạch khác nhằm tạo sự bền vững và duy trì định hướng Cần Giờ xanh.

Chính vì vậy, trong hội thảo, đi vào vấn đề cụ thể hơn, với tính chất là chủ thể sản xuất và kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, bài trình bày “Thúc đẩy công tác thu gom và chế biến rác thải nhựa” của Công ty nhựa tái chế Duy Tân đã đặt ra trách nhiệm trong sản xuất xanh, bền vững.

Doanh nghiệp đặt ra vai trò của một doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Doanh nghiệp đã xây dựng 100 trạm thu gom vệ tinh, cùng với 2.000 nhà cung cấp trong hệ thống thu gom, tạo ra những sản phẩm bao bì tái chế. 

Những chuyển đổi của doanh nghiệp đã thúc đẩy sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân là sử dụng bao bì tái chế, hạn chế rác thải.

Trong hội thảo, nhiều ý tưởng đã đưa ra về một Cần Giờ "5 xanh" bao gồm công nghiệp xanh, dịch vụ xanh, nông nghiệp xanh - sạch - hữu cơ, đô thị xanh và giao thông xanh. TS Trần Du Lịch đã đánh giá cao những ý tưởng xanh này. Ông nhấn mạnh, cả Cần Giờ là rừng và mọi đời sống ở đó cũng là rừng nếu nhìn trên tổng thể, như vậy mới giữ được rừng tự nhiên.

Khu rừng cách trung tâm TP HCM 40km, trên chim trời, dưới cây xanh, nước 3 dòng sông nổi tiếng dồn về - Ảnh 7.

Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ là hệ sinh thái đất ngập nước ven biển được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của 03 con sông: Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Ảnh minh họa

Trước những vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu diễn ra ngày một phức tạp, việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, trong đó có phát triển “Du lịch xanh” là rất quan trọng và có ý nghĩa đối với mục tiêu phát triển bền vững ở TPHCM nói chung và Cần Giờ nói riêng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của PGS.TS Phạm Trung Lương, hoạt động thu gom xử lý chất thải từ du lịch còn hạn chế; đặc biệt tái chế, tái sử dụng chất thải hầu như chưa được thực hiện nhiều trong hoạt động du lịch ở Cần Giờ.

Cùng với hoạt động phát triển kinh tế và du lịch, Cần Giờ hiện đã và đang phải đối diện với bài toán kiểm soát và xử lý lượng rác thải nhựa (túi nilon, chai nhựa...) ngày càng tăng từ hoạt động dân sinh và hoạt động của khách du lịch thải ra môi trường. Mỗi năm, huyện Cần Giờ phải “gánh” thêm 15.000 tấn rác thải nhựa trong khi năng lực xử lý chất thải rắn của địa phương còn rất hạn chế.

"Tình trạng rác thải nhựa đang gây áp lực không nhỏ lên Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ, đe dọa đến “lá phổi xanh” với chức năng bảo vệ thành phố trước những tác động của phát triển kinh tế xã hội cũng như tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Điều đó đồng nghĩa với việc phát triển du lịch xanh ở Cần Giờ còn rất hạn chế," PGS.TS Phạm Trung Lương chia sẻ.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, phát triển “du lịch xanh” đồng nghĩa với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch, ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường trong phát triển sản phẩm du lịch và ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, qua đó góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường, hạn chế chất thải nhà kính ở Việt Nam, trong đó có TPHCM và Cần Giờ.

Cả nước có 28 tỉnh và thành phố ven biển. Trong đó, chỉ TPHCM có một khu rừng ngập mặn phòng hộ ven biển nằm trong thành phố. Khu rừng này không chỉ có tác dụng tạo mảng xanh đô thị, tạo cảnh quan thiên nhiên, phòng hộ chống xói lở bờ biển, phòng hộ môi trường cho thành phố công nghiệp, mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng và nhiệt độ tăng.

"Kinh tế biển với trọng tâm là kinh tế du lịch xanh sẽ là hướng phát triển chiến lược của Cần Giờ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, góp phần để Cần Giờ thực sự trở thành “báu vật xanh” của TPHCM và là hình mẫu tiêu biểu cho nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng ven biển của Việt Nam," PGS.TS Phạm Trung Lương dự báo.

An Quý (Báo Khoa học phổ thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem