Quảng Nam: Khủng khiếp “bão đôi”Cơn bão số 11 gây hãi hùng cho hàng vạn gia đình Quảng Nam trong nửa đêm về sáng 15.10. Nhiều người gọi đây là cơn bão “quái dị” vì nó dịu xuống trong nửa giờ (từ 3 giờ 30 đến 4 giờ), mọi người thở phào nghĩ là bão đã tan thì đùng đùng bão xuất hiện trở lại, lần này khủng khiếp hơn lần trước. Nhiều người già ở TP. Hội An hãi hung cho biết chưa bao giờ gặp trường hợp “bão đôi” khủng khiếp như thế.
Cơ sở kinh doanh du lịch của người dân ở TP. Hội An Quảng Nam, đổ sập (chụp sáng 15.10).
Hoành hành từ 2 giờ đến 7 giờ sáng qua, cơn bão này đã khiến cho 5 người chết và mất tích, hàng chục người bị thương. Theo báo cáo nhanh của cơ quan chức năng tỉnh này, trên 5.033 ngôi nhà bị hư hỏng nặng nề; 181 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 11 phòng học bị tốc mái; ngã đổ hơn 155m2 tường rào; sạt lở hơn 2.500m3 đất, đá; 57 trang trại bị thiệt hại; 79.240 cây ăn quả và hơn 2.974ha cây lâm nghiệp bị ngã đổ; sạt lở đường trên 2500m3…
3 người chết được xác định là ông Trương Chạy (84 tuổi, ở xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, vì bị sập nhà xưởng cưa); anh Phạm Văn Quy (33 tuổi ở xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, bị trượt té khi chằng chống nhà); cùng một bé gái (chưa xác định danh tính) bị đất vùi lấp do sạt lở đất ở huyện Nông Sơn. Có 2 người mất tích khi đang đánh lưới là ông Võ Văn Ba (68 tuổi, ở TP.Hội An); bà Trần Thị Xuân (62 tuổi, xã Bình Giang, Thăng Bình). Rất nhiều người bị thương do tai nạn trong khi chằng chống nhà cửa. Hàng ngàn cây xanh trên địa bàn ngã đổ, nhiều đoạn đường ngập chìm trong nước...
Tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, bão giật tung la phông tầng 2, khiến cho cán bộ, y bác sĩ và bệnh nhân ở đây nhốn nháo, chạy tán loạn.
Bão kèm theo mưa lớn làm cho mực nước các sông lên cao đến báo động I và II. Có 28 hồ/73 hồ chứa đã tích đầy nước. Các hồ thuỷ điện đồng loạt xả nước, như Thủy điện Đăk Mi 4 xả qua tràn 2.000m3/s, Thủy điện A Vương xả 1.124 m3/s…
Thừa Thiên-Huế: Gần 1.700 nhà dân ngập lũĐến chiều 15.10, tỉnh Thừa Thiên- Huế có 1 người (ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền) bị lũ cuốn mất tích; 11 người khác bị thương trong khi chằng chống nhà. Riêng huyện miền núi Nam Đông có 32 người dân đi rừng vẫn chưa trở về, hiện không thể liên lạc được. Có 17 nhà bị sập hoàn toàn và 669 nhà bị tốc mái.
Toàn tỉnh có gần 1.700 nhà bị ngập trong nước lũ, trong đó huyện Quảng Điền có 756 nhà bị ngập. Xã Phú Dương, huyện Phú Vang, bị ngập nặng. Nhà dân ngập sâu trong nước từ 1-2m. Từ 6 giờ sáng, hệ thống điện trong toàn tỉnh bị tê liệt (trừ khu vực trung tâm và phía Nam TP.Huế). Cuộc sống người dân tại các nơi bị ngập lụt đang bị đảo lộn và rất khó khăn.
Ông Trương Tuyến - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, khẳng định tâm bão số 11 là ở Hội An (Quảng Nam). Khi bão còn cách đất liền khoảng 20km, gặp không khí lạnh từ Bắc tràn xuống, nên bão đã chuyển hướng từ bắc Đà Nẵng tiến thẳng xuống Hội An.
|
Nhiều tuyến đường bị ngập nước, gây ách tắc giao thông như các tỉnh lộ 8A, 8B, 10A và Quốc lộ 49B qua Vân Trình - Phong Điền bị ngập gần 0,5m. Tỉnh lộ 4 đi huyện Quảng Điền ngập sâu gần 1m; đường ven đầm Lập An (huyện Phú Lộc) ngập nhiều đoạn 0,5m…
Do cây xanh gãy đổ nhiều, nên tàu SE1 và SE21 bị kẹt tại ga Huế đến chiều cùng ngày mới thông tuyến trở lại. Bờ biển bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 7km, sâu vào đất liền 5-10m. Riêng tại thôn Thai Dương Nam Hạ, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) do triều cường và sóng lớn tràn qua làm sạt lở vào 10m, rộng 4m, sâu 1,5m; nguy cơ mở ra cửa biển mới.
Quảng Ngãi: Hàng nghìn ha hoa màu hư hạiQuảng Ngãi đã có 4 người bị thương do cơn bão số 11. Trong đó có 1 người bị thương nặng. Huyện miền núi Ba Tơ có 92 nhà bị sập và tốc mái, 50ha keo, mía bị gãy đổ... Tại huyện đảo Lý Sơn, gió giật đến cấp 12 khiến cho hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có nhiều nhà bị sập đổ do cây cối ngã đè.?Hàng chục trụ điện cùng hàng trăm km đường dây điện cao thế, viễn thông cùng hệ thống dây truyền thanh bị đứt.
Tuyến kè Đông Nam đảo cũng bị sóng biển triều cường cao từ 7-10m liên tục uy hiếp. Còn tại vũng neo trú tàu thuyền An Hải, chỉ trong một đêm hàng trăm tàu cá neo đậu tại đây bị mưa gió xô tấp gây va đập hư hại, trong đó có nhiều tàu bị chìm. Nhiều khu dân cư ở miền núi Tây Trà, Trà Bồng... bị đất đá lở chia cắt và cô lập. Tại huyện Tư Nghĩa, bến Cổ Lũy giáp với cửa Đại bị bồi lấp hoàn toàn làm cho tàu thuyền không thể ra vào được. Bờ biển xã Nghĩa An bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền thêm 10m, uy hiếp nhà của nhiều hộ dân.
Cả tỉnh có hàng nghìn héc ta hoa màu bị hư hỏng nặng.
Trương Hồng – An Sơn – Công Xuân – Viên Nguyễn – Ngọc Vũ - hồng phong ( Trương Hồng – An Sơn – Công Xuân – Viên Nguyễn – Ngọc Vũ - hồng phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.