Kịch bản nào khiến NATO có thể tuyên bố đối đầu trực tiếp với Nga?
Kịch bản nào khiến NATO có thể tuyên bố đối đầu trực tiếp với Nga?
Lê Phương (Express)
Thứ tư, ngày 08/06/2022 09:03 AM (GMT+7)
Chiến sự ở Ukraine vẫn diễn ra dữ dội bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm cản trở chiến dịch đặc biệt của Nga. Vậy điều gì xảy ra có thể khiến NATO can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến?
Anh tuyên bố sẽ chuyển pháo tên lửa tầm xa tới Ukraine bất chấp lời cảnh báo từ Tổng thống Vladimir Putin rằng ông sẽ mở rộng cuộc chiến sang các mục tiêu mới.
Động thái này diễn ra sau việc Mỹ từ chối gửi vũ khí tầm xa cho Ukraine vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Nga, khiến cuộc chiến leo thang lên cấp độ mới và nguy hiểm hơn.
Tổng thống Putin tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tấn công vào những mục tiêu mà chúng tôi chưa đánh trúng". Ông không nói rõ những mục tiêu mới này sẽ là gì.
Moscow đã đạt được những thành tựu đáng kể ở phía đông Ukraine trong những ngày gần đây.
NATO, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị giúp đỡ Ukraine dưới các hình thức trừng phạt Nga và viện trợ vũ khí kể từ khi cuộc chiến nổ ra vào tháng 2/2022.
Tuy nhiên, NATO từ chối tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, với lý do Ukraine không phải là thành viên của liên minh.
Vậy trong hoàn cảnh nào NATO có thể đối đầu trực tiếp với Nga?
NATO vẫn kiên định với cam kết không tham gia trực tiếp vào một cuộc chiến với Nga.
Liên minh khẳng định: "Các hành động của NATO mang tính chất phòng thủ, được thực hiện không phải để kích động xung đột mà để ngăn chặn xung đột. Liên minh có trách nhiệm đảm bảo rằng cuộc chiến này không leo thang và lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine".
Nhưng có một số lưu ý đối với cam kết này, chẳng hạn như NATO sẽ đáp trả nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học, hoặc nếu xung đột tràn sang lãnh thổ liên minh.
Việc sử dụng vũ khí bất hợp pháp cũng có thể gây ra phản ứng quân sự từ NATO.
Vào tháng 3/2022, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey cảnh báo Nga nên suy nghĩ kỹ về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine, vì nó có thể gây ra "một phản ứng quốc tế".
Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, các quan chức phương Tây lo ngại rằng Điện Kremlin có thể cho phép sử dụng vũ khí hóa học và sinh học để đẩy nhanh chiến dịch.
Ông Heappey nói với chương trình Radio 4's Today của BBC: "Tổng thống Putin cần làm rõ về việc sẽ không sử dụng vũ khí hóa học. Chúng ta đã nhìn thấy trên TV hình ảnh về những cuộc pháo kích vào bệnh viện, nó chẳng là gì so với sự đau khổ và tàn phá mà vũ khí hóa học gây ra".
Khi được hỏi rằng liệu đó có phải là "lằn ranh đỏ" hay không, ông nói: "Điều đó không quan trọng. Vấn đề là Tổng thống Putin cần nhận thức được rõ ràng những phản ứng quốc tế mà ông ấy sẽ đối mặt nếu sử dụng vũ khí hóa học. Đã có những tấm gương trước đó, và ông Putin nên thận trọng".
Tuy nhiên cho đến nay không có các bằng chứng rằng Nga sẽ sử dụng các vũ khí nguy hiểm này trong cuộc chiến với Ukraine. Các cáo buộc nhằm vào Nga chỉ được tung ra sau khi phía Nga tuyên bố phát hiện các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học do Mỹ tài trợ trên lãnh thổ Ukraine, và phát biểu của các quan chức Mỹ cũng đã đề cập cho biết có sự tài trợ này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.