Kiếm 500.000 đồng/ngày nhờ vào rừng hái rau ngót rừng

Chang Liễu Thứ ba, ngày 03/04/2018 13:30 PM (GMT+7)
Ngót rừng là một loại rau đặc trưng chỉ có ở nơi núi đá có vị ngọt và lạ miệng nên được rất nhiều người ưu chuộng. Mùa rau ngót rừng rơi vào khoảng tháng 2, 3 âm lịch hàng năm. Dù có giá “hơi chát” nhưng vẫn được nhiều người thành thị săn mua, vì đó là đặc sản núi rừng, đảm bảo sạch và an toàn.
Bình luận 0

Cây rau ngót rừng (hay còn gọi là cây mì chính, cây rau sắng …), thuộc loại cây thân mộc, mọc tự nhiên trên những vách đá của những vùng núi có độ cao so với mặt nước biển từ 100m trở lên, là loại cây ưa ánh sáng thường mọc nhiều ở các vùng núi đá trên Lạng Sơn, Thái Nguyên…

img

Rau ngót rừng bao giờ cũng đươc khách hàng hỏi mua nhiều nên lúc nào các hàng bày bán cũng bán hết sạch trước.

Theo anh Nam (TP.Lạng Sơn)  rau ngót rừng “xịn” (không phải loại được bà con trồng) là loại rau quý. Nó ngọt hơn và mùi vị đặc trưng của rau rừng, cách chế biến cũng rất dễ dàng. Chỉ cần tuốt lấy những đọt lá non, rửa sạch, vò qua rồi thả vào nấu canh, thêm ít gia vị là có một món canh ngọt đậm đà tự nhiên. Muốn ngon hơn, khi nấu cho thêm ít thịt băm.

img

Rau ngót hái từ rừng về non, ngọn mập, rất tươi và lá luôn bóng mượt. Ngoài ngọn rau thì hoa rau ngót nấu con cũng rất ngon và lạ miệng.

Còn theo lời chị Thu (Tam Thanh – Lạng Sơn)  món canh rau ngót rừng có rất nhiều bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe từ người già đến trẻ nhỏ. Cả nhà chị ai cũng ghiền món này, nấu bao nhiêu cũng hết. Cứ từ tháng 3 dương lịch trở đi, rau ngót rừng bắt đầu vào mùa, chị lại nhờ bạn bè mua rồi để tủ lạnh ăn dần và gửi biếu người thân ở dưới Hà Nội.

img

Rau ngót được nhặt, rửa sạch và bảo quan trong tủ lạnh nấu canh dần.

Chị Hoàng Thị Tâm một lái buôn cho biết: Ngót rừng (còn gọi là rau sắng) không phải là loại cây nhỏ, thân bụi như rau ngót nhà. Cây này thuộc họ thân gỗ, mọc tự nhiên trên vùng núi đá, cao hơn đầu người, cành lá sum suê. Cuối mùa đông cây rụng hết lá già. Mùa xuân, khoảng tháng cuối tháng 1 âm lịch là ra những đợt lá non đầu tiên, đến tháng 2-3 cho thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa. “Tôi thu mua của dân trong bản hái mang ra bán. Giờ chỉ có rau ngót rừng, rau khẩu cài là đúng chuẩn hái trên rừng tự nhiên, còn rau bò khai trên rừng giờ rất hiếm, ngoài thị trường chủ yếu là rau bò khai trồng tại nhà”.

img

Hầu hết các thương lái đều thu mua lại của người dân trong bản, sau đó bó lại thành mớ bán tại các chợ Giếng Vuông, Bờ Sông,...của TP. Lạng Sơn.

Ông Vy Văn Chanh, người dân ở xã Song Giang, huyện Văn Quan cho biết: Do nhà gần rừng, vào mùa rau ngót rừng (tháng 2-3 âm lịch) tôi lại tranh thủ lên rừng hái rau ngót (tiếng dân tộc gọi là phắc van) và một loại rau nữa tiếng dân tộc gọi là phắc khảu cài mang ra chợ bán. Đến mùa, tôi lại lần theo những con đường cũ đến những cây mà mọi năm hay đi. Hái rau này một phần do ăn may vì nhiều lúc vất vả leo lên tới nơi nhưng cây lại chưa ra chồi non hoặc “ghé thăm” muộn nên chồi mọc đã già cũng có thể người khác phát hiện ra và đã hái hết. Nếu gặp cây to thì hái được một nải đầy, nếu cây bé thì chỉ vài nắm là hết”.

Ông Chanh cho biết thêm: “May rủi nên tùy vào từng hôm, có hôm đi rừng hái được 25-30 mớ rau ngót, hơn 200 mớ rau khảu cài, có hôm chỉ hái được có 5 bó. Thường rau khi hái từ rừng về sẽ được bó lại từng mớ bé và mang giao cho thương lái buôn với giá 5.000 đồng/mớ rau ngót, 2.500 đồng/ mớ khảu cài. Cũng vất vả lắm, vì cây này chỉ mọc trên rừng, nhiều cây mọc ở nơi vách núi đá, leo lên khá nguy hiểm. Tôi thường hay mang ra chợ Đồng Đăng giao cho thương lái buôn, hôm nào hái được nhiều mang giao thì cũng có 500.000 - 600.00 đồng. Rau này chỉ ra một thời gian ngắn, rau đúng mùa ăn ngon, ngọt và mềm còn khi đã hết mùa dù có còn hái được mang nấu canh cũng không ngon bằn".

Nhiều người dân địa phương vừa làm vụ mùa cũng tranh thủ lên rừng hái rau mang bán. May rủi, hôm được ít, hôm được nhiều nhưng có có thêm thu nhập cải thiện đời sống gia đình..

Ngoài là thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng thì rau ngót rừng còn là vị thuốc. Lá rau ngót có vị bùi ngọt, tính mát, rễ vị hơi ngăm đắng. Theo Đông y, lá và rễ rau ngót đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc.Khi bị nhiệt do bia, rượu, chỉ cần giã khoảng 40g rau ngót chắt lấy nước uống trong khoảng hai ngày sẽ giảm hẳn. Lá rau ngót còn chữa sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc,... Rễ rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống trong ngày có tác dụng lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp....

Ngoài ra, rau ngót rừng rất giàu đạm nên được khuyên dùng thay thế đạm động vật, nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa can-xi gây loãng xương và sỏi thận. Với những thành phần trên, rau ngót được khuyên dùng cho người muốn giảm cân và người bị tăng huyết áp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem