Kiểm soát thu nhập để phát hiện “quan tham”

Thứ bảy, ngày 03/11/2012 06:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vấn đề kiểm soát thu nhập, công khai tài sản... được các đại biểu Quốc hội lật đi lật lại ở cả phiên thảo luận tại hội trường và thảo luận tổ ngày 2.11.
Bình luận 0

Nhiều ý kiến cho rằng, kiểm soát chặt thu nhập thì sẽ phát hiện được “quan tham”.

Không thể phòng chống bằng kê khai chiếu lệ

Sáng 2.11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, kê khai tài sản là biện pháp để phòng chống tham nhũng nhưng thực tế chỉ mang tính hình thức. “Kê khai tài sản chỉ hoàn thành như một nhiệm vụ bắt buộc. Kê khai xong rồi để đó, không công khai thì làm sao người dân có thể giám sát” - ĐB Tâm nói.

img
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội): Luật phải kiểm soát được các loại thu nhập của cán bộ, công chức nhà nước.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng có 7 năm nay, nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập mà mới chỉ kê khai. “Thu nhập có thể là thu nhập chính đáng, có thể do nhận hối lộ, tham ô, có thể là rửa tiền; đủ các loại thu nhập, phải kiểm soát được cái đó”. ĐB Quyền đề nghị, để tránh tình trạng chuyển tài sản giữa những thành viên trong gia đình “quan tham”, cần phải thực hiện việc kiểm soát thu nhập toàn xã hội như các nước đang làm bằng việc thanh toán qua tài khoản. ĐB Quyền đề nghị nên sớm xây dựng đề án này.

ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội):

“Công khai tài sản cán bộ ở thành phố lớn, ở khu dân cư thì không có ý nghĩa mấy. Nhưng ở nông thôn thì rất tuyệt vời, vì ở nông thôn ông nào làm cán bộ có cái nhà ở đâu, phát sinh nhà, xe ở đâu là người ta biết. Nước ta 70-80% sống ở nông thôn, nếu biết họ có thể giám sát và rất có ích trong phòng chống tham nhũng”.

Một đề xuất đáng chú ý nữa của ĐB Quyền là cần xây dựng một bộ luật riêng mang tên Luật Công vụ để quy định trách nhiệm của công chức các cấp khi để thất thoát tiền của Nhà nước, tránh tình trạng quy “trách nhiệm tập thể” như hiện nay. “Chúng ta mới có Luật Công chức, Luật Viên chức và Luật Tổ chức của Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Nhưng trong luật đó lại không xác định vị trí trách nhiệm của từng vị trí công tác” - ĐB Quyền nói.

Về vấn đề này, thảo luận tổ Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cũng cho rằng: “Muốn phòng chống tham nhũng được thì phải thực hiện được kê khai tài sản để kiểm soát thu nhập bất chính. Tuy nhiên, trong một vụ án dân sự xác minh tài sản đó của ai đã rất khó, giờ để người ta tự kê khai thì họ có giấu cũng chịu, không phát hiện được nguồn gốc. Như vậy, công khai rồi thì phải thẩm tra xem việc khai tài sản có đúng không.

Ông Thảo cũng tán thành việc đưa thông tin kê khai tài sản và thẩm định tài sản lên mạng, nhưng chỉ những người có trách nhiệm mới có thể truy cập. Ông nêu dẫn chứng: “Các nước như Na Uy, Đan Mạch chỉ công khai tài sản những người thuộc diện phải kê khai và lưu trong máy tính Quốc hội - không niêm yết và không để ở cơ quan khác. ĐBQH sẽ đại diện cho dân kiểm soát cái đó”.

Cần có cơ quan độc lập kiểm soát tham nhũng

Vấn đề nương nhẹ trong xét xử tội phạm tham nhũng cũng được các ĐB đề nghị sớm khắc phục. ĐB Trần Thị Dung phản ánh: “Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo có biểu hiện chưa nghiêm minh, có nơi xử dưới khung hình phạt chiếm đến 80%, cho hưởng án treo cải tạo không giam giữ chiếm tới 50%”. Chính vì vậy khó có thể răn đe loại tội phạm này.

Tỷ lệ thu hồi tài sản nhà nước đạt thấp

“Tỷ lệ thu hồi tài sản và tiền của Nhà nước sau thanh tra rất thấp. Từ năm 2008 đến năm 2011 thì tỷ lệ thực hiện kết luận sau thanh tra là chưa được 30%. Từ cuối năm 2011, với các biện pháp quyết liệt hơn, tỷ lệ thu hồi cũng không quá 50%”.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cũng nêu thực tế, phòng chống tham nhũng đã có viện kiểm sát, thanh tra, kiểm toán nhưng khâu quan trọng, mũi nhọn là điều tra thì chỉ lực lượng của công an mới làm toàn diện. Lực lượng này về mọi mặt đều tốt nhất nhưng vẫn nằm trong lực lượng hành pháp, liệu có thể tránh động chạm? Để khắc phục, nhiều ĐB đồng tình với đề xuất thành lập một cơ quan điều tra độc lập về tội phạm tham nhũng nằm ngoài Bộ Công an.

Tuy nhiên, cơ quan này hoạt động như thế nào cũng là điều cần phải bàn luận. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng: “Ủy ban chống tham nhũng phải độc lập, không bị lệ thuộc vào cơ quan hành pháp thì mới phòng chống tham nhũng hiệu quả. Những người thực hiện nhiệm vụ không phải lo cơm áo gạo tiền”. ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) thì thận trọng hơn: “Nên có cơ quan chống tham nhũng tương đối độc lập. Hình thức thế nào thì phải từ thực tiễn và mô hình các quốc gia để xây dựng cho phù hợp”.

ĐB Ksor Phước (Gia Lai) thì đưa ra tới 3 phương án, nếu cơ quan này thuộc Chính phủ thì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thuộc Quốc hội cũng không ổn vì Quốc hội làm luật chứ không điều hành; thuộc thiết chế Chủ tịch nước cũng không ổn vì sẽ phải sửa đổi một loạt điều khoản trong Hiến pháp… Bởi vậy, ông hiến kế nên thành lập riêng một thiết chế do Quốc hội bầu…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem