Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, nhưng tham nhũng được đặt ra như một nguyên nhân chính. Đại biểu Lê Như Tiến phân tích, hàng chục tập đoàn, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước tham nhũng, đã gây lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước. Và ông khẳng định: "Quốc nạn tham nhũng đục khoét ngân khố quốc gia, tha hóa con người, giảm sút lòng tin, suy kiệt nhựa sống xã hội". Quan điểm của vị đại biểu này rất thuyết phục, hãy cứ lật lại hồ sơ các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước ắt sẽ rõ, số tiền tham nhũng, lãng phí ở các đơn vị này là con số khủng khiếp.
Xử lý nợ xấu, cứu doanh nghiệp, lấy lại niềm tin cho thị trường tín dụng và hệ thống ngân hàng là việc phải làm khẩn cấp. Nhưng điều quan trọng hơn là cần có biện pháp ngăn chặn để nợ xấu đừng phát sinh thêm nữa. Hãy cảnh giác rằng, các con sâu tham nhũng luôn chực chờ để đục khoét của công, không diệt được sâu thì kịch bản nợ xấu sẽ còn tái diễn.
Những món nợ xấu do các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước gây ra có sức phá hoại ghê gớm lên nền kinh tế cũng như lĩnh vực xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, có phương án kinh doanh hiệu quả nhưng không tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất phù hợp. Các doanh nghiệp này gặp khó khăn thì cả nền sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Nói một cách hình ảnh nhưng khá rõ ràng như đại biểu Trần Du Lịch - đó là: "Vòng kim cô nợ xấu đang giết chết doanh nghiệp".
Còn đối với lĩnh vực xã hội, số tiền tham nhũng, lãng phí lẩn quất trong xú danh "nợ xấu" tính ra có thể giải quyết được nhiều vấn đề an sinh xã hội mà người dân đang mơ ước. Các đại biểu đưa ra dẫn chứng rành rành, Vinashin thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng, và theo như tính toán của đại biểu Lê Như Tiến: "Nếu Vinashin không thất thoát nợ đọng thì chúng ta có thêm 214.000 phòng học hoặc 107 nhà văn hóa, 53.000 trạm xá xã… Và chúng ta không phải băn khoăn trăn trở việc lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được nguồn".
Nhiều vùng nông thôn, miền núi, trẻ em không có trường học, phải đi bộ vài cây số, phải băng rừng vượt suối đến trường. 22 triệu người làm công ăn lương nhà nước đang thấp thỏm chưa biết có được tăng lương hay không. Tất cả sẽ được giải quyết nếu như tiền của Nhà nước không bị phá.
Cho nên, bên cạnh việc tìm giải pháp xử lý nợ xấu, hãy tính đến các biện pháp ngăn chặn nợ xấu. Nói thẳng ra là phải chống tham nhũng hiệu quả, bởi vì một phần lớn nợ xấu được sinh ra bởi nạn tham nhũng.
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.