"Kiếm thủ" Lệ Dung “cầu bại” ngay cả khi gác kiếm

Lê Đức Thứ năm, ngày 31/08/2017 07:10 AM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 7, “độc cô cầu bại” kiếm chém nữ SEA Games từ Singapore trở về Hà Nội sau ca phẫu thuật gối. Vẫn nụ cười lạc quan trên môi, Dung bảo: “Sắp tới, sau khi giã từ sự nghiệp, em muốn tiếp tục học lên cao học”…
Bình luận 0

Đường kiếm không tuổi

16 năm theo nghiệp đấu kiếm (từ 2001-2017) là khoảng thời gian Nguyễn Thị Lệ Dung nếm trải đủ mọi thăng-trầm, vị ngọt-trái đắng trong đời vận động viên (VĐV). Khi các đồng đội, những “đàn anh” cùng thời như Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Lê Bá Quang, Nguyễn Tiến Việt, Bùi Văn Thái… đã lần lượt chuyển sang nhiệm vụ quản lý, làm huấn luyện viên (HLV) đội tuyển thì Dung vẫn miệt mài trên thảm đấu. Có cảm giác như nội lực, niềm tin trong từng đường kiếm của Dung đã vượt qua những giới hạn về tuổi tác. Kể từ SEA Games 2003 đến SEA Games 2015, ngoại trừ 2 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á nước chủ nhà không tổ chức môn đấu kiếm (SEA Games 2009, SEA Games 2013), Dung luôn chứng tỏ được vị thế “độc tôn” trên đường đấu kiếm chém nữ.

img

 Kiếm thủ Lệ Dung từng nhiều lần mang vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường SEA Games. ảnh: T.L

Nếu như cách đây 14 năm, cô gái 18 tuổi quê Sóc Sơn (Hà Nội) sẵn sàng từ bỏ công việc trở thành một nữ tiếp viên hàng không mà gia đình đã “gửi gắm” để trở thành một hiện tượng, mang đến cho làng đấu kiếm khu vực một làn gió mới trong lành, đầy sinh khí; thì đến SEA Games 2015 – Singapore, Dung vẫn là một... hiện tượng. Ở tuổi 30, vật lộn với chấn thương gối dai dẳng nhiều năm… Dung vẫn giành được 2 HCV cá nhân và đồng đội trong ánh mắt ngỡ ngàng, trầm trồ thán phục của các VĐV nước bạn.

“Niềm đam mê đấu kiếm chưa bao giờ nguội lạnh trong tôi. Có những thời điểm đấu kiếm Việt Nam mới phát triển, thiếu thốn đủ bề, VĐV phải mặc chung giáp, mũ, tự nối lại những thanh kiếm gãy để tập luyện… nhưng anh chị em đều rất “máu”. Cứ SEA Games đến là trong tôi lại sôi sục lắm. Cũng buồn vì năm nay không thể sát cánh cùng các đồng đội” - Lệ Dung tâm sự.

Viết tiếp giấc mơ…

Đã nhiều lần người viết hỏi Dung về chuyện gia đình và lần nào cô cũng nhoẻn miệng cười vui vẻ, tếu táo lại đại ý: “Anh có bạn nào thì giới thiệu cho em đi”. Nhưng qua câu chuyện với mẹ Dung thì mới biết lúc này Dung vẫn chưa nghĩ tới chuyện đó: “Trong lứa VĐV cùng thời, chỉ còn tôi là chưa lập gia đình thôi đấy. Nhưng thế cũng “độc” mà” - Dung cười.

Không phải ngẫu nhiên cho tới lúc này, ở tuổi 32, vừa phẫu thuật xong, Dung vẫn nhận được lời động viên của chuyên gia, hy vọng cô sẽ trở lại thi đấu thêm vài năm nữa, dìu dắt lứa đàn em như Bùi Thu Hà, Lê Bích Ngọc – những VĐV kiếm chém lần đầu sự SEA Games 2017.

“Tôi biết, con mình vẫn chưa sẵn sàng rời xa đường đấu đâu. Nhưng tôi đã khuyên cháu nên dừng lại. Có thể vẫn gắn bó với đấu kiếm nhưng trong một vai trò khác, như làm HLV chẳng hạn. Hơn nữa, Dung vẫn chưa lập gia đình” - cô Khiêm, mẹ Lệ Dung chia sẻ khi chăm Dung trong Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Bà Khiêm là người đã luôn ở bên động viên 2 cô con gái (chị sinh đôi với Lệ Dung là Hoài Thu vẫn thi đấu kiếm liễu tại SEA Games 2017 – PV) ngay từ những ngày đầu theo đuổi niềm đam mê môn thể thao này. Thực tế, ý chí, nghị lực của Dung thì khỏi phải bàn và cô luôn là tấm gương cho lứa đàn em noi theo. Tấm vé chính thức dự Olympic 2016 của Dung thực sự là một bất ngờ với giới chuyên môn. Để cạnh tranh vé dự Thế vận hội, có những trận đấu Dung đã phải nén cơn đau để bước vào so kiếm. Cô cũng gần như “chấp” đối thủ cú đâm xoạc sở trường do cả 2 gối đều có vấn đề mà không thể thực hiện nổi động tác. “Những buổi tập ở Brazil chuẩn bị dự Olympic 2016, cứ tập xong là đầu gối của tôi lại sưng to đùng, phải chườm đá. Tối đến bác sĩ lại làm vật lý trị liệu, massage cho để có thể tiếp tục tập luyện ngày hôm sau” - Dung kể.

Kết thúc Olympic 2016, Dung trở về Việt Nam và được Tổng cục TDTT tạo điều kiện cho đi Singapore mổ gối với kinh phí gần 1 tỷ đồng: “Ca mổ nội soi ghép sụn gối của tôi đã rất thành công. Bác sĩ, y tá bên đó chăm sóc rất nhiệt tình, chu đáo. Tôi cũng có những người bạn là VĐV đấu kiếm Singapore, họ đến động viên, tặng hoa, quà trong những ngày tôi ở trên đất khách. Đó là niềm động viên rất lớn đối với tôi” - Lệ Dung chia sẻ.

Hỏi Dung thời gian tới có dự định gì cho tương lai, cô cho hay: “Tôi đã tốt nghiệp Đại học TDTT Bắc Ninh và thời gian tới sẽ học tiếp lên cao học. Ngay đầu tháng 9, tôi sẽ sang Hungary học lớp HLV trong vòng 3 tháng. Sau này, hy vọng có thể được về làm HLV của đấu kiếm Hà Nội - nơi xuất phát điểm của tôi. Trong một ngày không xa, tôi mong có thể nhìn thấy các học trò viết tiếp giấc mơ cho thế hệ chúng tôi với những tấm huy chương ở đấu trường ASIAD mà xa hơn là Olympic”.

Dự định, ước mơ sau khi “gác kiếm” của “độc cô cầu bại” SEA Games là thế! Và với người viết, Dung thực sự là một “của độc” của làng Thể thao Việt Nam. Dường như ngay lúc này, sau khi “cầu bại” trong sự nghiệp VĐV, Dung lại đang “cầu bại” trên con đường học vấn, trong vai trò người “mài ngọc” cho đấu kiếm Việt Nam! /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem