Kiểm tra, giám sát kê khai tài sản vẫn còn yếu

Lương Kết Thứ năm, ngày 22/10/2015 09:10 AM (GMT+7)
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 (PCTN) của Chính phủ.
Bình luận 0

img

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thái Học

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21.10, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thái Học (ảnh, Phú Yên) cho rằng, mục tiêu của công tác PCTN là ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này. Thế nhưng đánh giá về công tác này từ T.Ư đến Quốc hội và ngay trong báo cáo của Chính phủ đã nhìn nhận chưa ngăn chặn đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng. "Giữa phát hiện, xử lý và thực trạng tham nhũng còn một khoảng cách rất lớn. Hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng nhiều nhưng việc phát hiện xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu" - ĐB Học bày tỏ.

Theo ĐB Học, khâu quan trong nhất là phát hiện được hành vi tham nhũng. Đảng cũng đã nhìn nhận đánh giá, tham nhũng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng nhưng các vụ việc phát hiện, xem xét, xử lý thì rất ít.

Đề cập đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, ĐB Học cho rằng, muốn thu hồi được tài sản tham nhũng, khắc phục được thiệt hại cho nhà nước thì phải phát hiện ra vụ việc tham nhũng. Đồng thời, với phát hiện các hành vi tham nhũng thì cơ quan chức năng phải thực hiện các biện pháp như kê biên tài sản một cách đồng loạt để tránh việc tẩu tán tài sản tham nhũng. "Phải công khai, minh bạch việc kê khai tài sản. Tuy nhiên, khâu kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản lâu nay là khâu yếu của chúng ta. Chúng ta vẫn quy định công khai, minh bạch nhưng việc kiểm tra, giám sát xem việc kê khai tài sản đó đúng hay không đúng và nếu không đúng là phải xử lý thì vẫn là khâu yếu" - ĐB Học nói.

Về hệ thống pháp luật của phục vụ cho công tác PCTN, theo ĐB Học, với các quy định hiện hành vẫn còn có kẻ hở cho nhiều trường hợp lách luật, hoặc cố tình thực hiện hành vi vi phạm để thu vén cho cá nhân. "Cho nên, phải có sự rà soát, bổ sung những quy định, trong đó có cả Luật PCTN để làm sao hệ thống pháp luật ban hành một cách đồng bộ và khi tổ chức triển khai thực hiện phải quyết liệt" - ĐB Học nhấn mạnh.

Đánh giá về việc Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN chỉ đạo đưa 8 vụ án tham nhũng, kinh tế ra xét xử trước Đại hội XII của Đảng, ĐH Học cho rằng đó là sự quyết tâm  của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh PCNT. Điều này, cũng thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, khi những vụ việc đã phát hiện có tham nhũng thì dứt khoát chỉ đạo xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem