Nếu thông tin đó là đúng thì Bộ LĐTBXH cần làm rõ việc đưa người lao động sang thị trường Angola trong thời gian qua, có biện pháp kịp thời hỗ trợ, phối hợp với các bộ liên quan bảo hộ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài...
Chiều 20.5, trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã thông tin về tình hình lao động tại Angola và có những cảnh báo với người lao động đang muốn đi làm việc tại nước này.
“Cục không nắm được số liệu chính xác lao động hiện có tại Angola, vì hầu hết các lao động sang đây làm việc đều qua những con đường không chính thống. Cục cũng chưa cấp bất cứ một giấy phép nào để các doanh nghiệp đưa lao động sang đây cả. Chính vì đi không chính thống nên lao động có thể gặp rất nhiều rủi ro” - ông Quỳnh nói.
|
Nhiều lao động đang muốn đi làm việc chính thức tại Angola nhưng chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép (ảnh minh họa). |
Theo ông Quỳnh, có những tổ chức, cá nhân đã liên hệ với các doanh nghiệp ở Angola để kiếm được những giấy phép lao động mà Chính phủ Angola cấp cho các doanh nghiệp. Họ dùng giấy phép này để xin visa cho lao động Việt Nam sang làm việc.
Tuy nhiên, khi sang đây, người lao động lại không làm việc cho doanh nghiệp được Chính phủ Angola cấp giấy phép. Đương nhiên, theo luật pháp của Angola, những lao động Việt Nam trong diện này bị coi là lao động bất hợp pháp.
Ông Quỳnh cho biết thêm: Lao động đi làm việc tại Angola có mức thu nhập khá cao, từ 800 - 1.000 USD/người/tháng. Tuy nhiên, các chi phí cho ăn ở, dịch vụ y tế... khá đắt đỏ. Nếu không được bảo trợ về bảo hiểm y tế, an sinh thì lao động có thể gặp rất nhiều khó khăn khi ốm đau, thiếu đói (khoản chi phí điều trị bệnh có thể lên tới 8.000-9.000 USD).
Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm kiếm đối tác thực sự có nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam để đưa lao động sang làm việc tại thị trường này một cách hợp pháp. Hiện đã có một doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép đưa lao động sang làm việc tại Angola, Cục đang xin ý kiến và thẩm định. Đồng thời, Cục Quản lý lao động người nước đã có thăm dò, đàm phán với phía Angola. Nếu thị trường có nhu cầu đảm bảo đầy đủ yêu cầu chế độ lương, bảo hiểm, công việc…, Cục sẽ tiến hành cấp phép đưa lao động sang.
“Đối với một số doanh nghiệp tự ý đưa lao động sang Angola làm việc khi chưa được cấp phép, Cục đang tiến hành thanh tra, xử lý làm rõ. Nếu xác định được vi phạm, mức phạt có thể lên tới 200 triệu đồng đối với mỗi một hành vi vi phạm của tổ chức, đơn vị; 100 triệu đồng với mỗi hành vi vi phạm của cá nhân”- ông Quỳnh nói.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.