Kiện chống bán phá giá với thép cán nóng Trung Quốc: Nhập khẩu tăng kỷ lục, thép ngoại đe doạ thép nội!?

An Linh Thứ sáu, ngày 23/08/2024 08:01 AM (GMT+7)
Lượng thép cán nóng (HRC) Trung Quốc từ chỗ chỉ bổ sung số lượng còn thiếu hụt trong nước, năm 2023 loại thép nước này chiếm khoảng 80% tổng lượng thép HRC tại Việt Nam. Nhập khẩu thép vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng kỷ lục trong nửa đầu năm nay, hiện hữu nguy cơ mất thị trường nội địa.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép cán nóng HRC hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 12-13 triệu tấn/năm.

Trong đó, các doanh nghiệp trong nước đáp ứng được khoảng 9 triệu tấn (chủ yếu là Hòa Phát và Formosa), số còn lại được bổ sung qua kênh nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam.

Thép HRC Trung Quốc đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam

Thống kê của Hải quan cho hay, trong 3 năm trở lại đây, nhập khẩu HRC vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Phần lớn thép HRC nhập khẩu về Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số ít từ Nhật Bản, trong đó số lượng từ Trung Quốc chiếm từ 60-80%.

Kiện chống bán phá giá với thép cán nóng Trung Quốc: Thép ngoại đe dọa thép nội!?- Ảnh 1.

Thép cán nóng HRC nhập vào Việt Nam (Ảnh: TCHQ).

Đơn cử, năm 2023, tổng lượng nhập khẩu HRC là 9,64 triệu tấn, trong đó riêng nhập từ Trung Quốc là 6,3 triệu tấn. Năm 2022, số lượng nhập thép HRC về Việt Nam là 8,1 triệu tấn, trong đó Trung Quốc là 3,3 triệu tấn.

Trong quý I/2024, nhập khẩu thép HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với lượng sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75% tổng lượng nhập.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép HRC nhập về Việt Nam đã lên đến 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 173% lượng sản xuất trong nước.

Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Các mác thép nhập khẩu chủ yếu là Q195, Q235, những mác thép này có giá thấp hơn ASTM, SPHC và các mác khác từ 74 - 79 USD/tấn.

Đáng nói, giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45-108 USD/tấn.

Theo chuyên gia, thép cuộn cán nóng HRC hiện nay vẫn là sử dụng để cán thép ống và thép hộp. Ngoài ra, đây là loại thép được sử dụng phổ biến trong ngành sản xuất ô tô (khung và sàn xe ô tô đều được làm từ thép tấm cán nóng). Tuy nhiên, trước khi đưa vào sử dụng thép tấm này sẽ được trải qua nhiều quá trình để sơn chống gỉ và sơn màu cho sản phẩm.

Giá rẻ là một trong những lợi thế mà thép Trung Quốc có được trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần trong thời gian qua.

Theo cơ quan Hải quan, do đồng Nhân dân tệ giảm giá gần đây, nên giá chào bán thép HRC của Trung Quốc giảm mạnh.

Cụ thể, giá chào bán thép cuộn cán nóng HRC SAE 1006 dày 2-2,5mm của Trung Quốc đang phổ biến ở mức 890-895 USD/tấn, mức này đã giảm mạnh so với giá 910-915 USD/tấn trong tuần 15/4/2024.

Đối với mặt hàng SS400 HRC dày 3-12mm từ Trung Quốc, giá chào bán thấp hơn 20 USD/tấn, ở mức 840-845 USD/tấn.

Hiện nay, giá sản phẩm HRC dày 2-2,7mm SAE ở mức 890 USD / tấn, giảm 20 USD/tấn so với tuần trước.

Kiện chống bán phá giá với thép cán nóng Trung Quốc: Thép ngoại đe dọa thép nội!?- Ảnh 2.

Lượng sắt thép nhập về Việt Nam và các loại sắt thép nhập từ Trung Quốc (Biểu đồ: NT).

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thép nội địa của Trung Quốc suy yếu do các hoạt động liên quan đến bất động sản, khiến các nhà cung cấp thép của Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để đảm bảo doanh thu.

Việc chênh lệch giá bán thép cuộn cán nóng HRC trong nước với giá nhập khẩu Trung Quốc đã thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng thép HRC là nguyên liệu đầu vào chế biến các loại thép thành phẩm chuyển sang mua thép HRC nhập khẩu.

Tại thị trường trong nước, thép HRC chủ yếu do hai doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa tại Hà Tĩnh sản xuất, số lượng ban đầu ít song hiện nay hai doanh nghiệp này đã tăng sản lượng, đáp ứng và bù đắp được lượng thiếu hụt phải nhập khẩu.

Về giá thép HRC, trong tháng 6/2024, Formosa Hà Tĩnh có giá bán mặt hàng HRC SAE1006 lên mức giá 950 USD/tấn tại thị trường miền Bắc; tại miền Nam, mặt hàng này có giá là 955 USD/tấn vào ngày 15/4. Tương tự, thép Hòa Phát - Dung Quất có giá thép HRC tương đương 920 USD/tấn tại thị trường miền Bắc và tại miền Nam sẽ có giá 924 USD/tấn. Như vậy, mức giá này đã cao hơn so với giá thép nhập khẩu Trung Quốc.

Doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ mất thị phần

Việc giá thép cán nóng Trung Quốc vào Việt Nam với giá rẻ, khiến nhiều doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thép HRC trong nước gặp khó khăn, thậm chí mất đơn hàng do không thể cạnh tranh được với thép HRC nhập khẩu.

Theo dữ liệu của Hải quan, từ năm 2014 đến nay, lượng nhập sắt thép các loại về Việt Nam luôn đạt từ 11-15 triệu tấn/năm, kim ngạch từ 8 đến 12 tỷ USD. Trong đó, sắt thép thành phẩm của Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng từ 40-70% mặt hàng này nhập về Việt Nam.

Cụ thể, năm 2023, Việt Nam nhập 13,3 triệu tấn sắt thép, thì số lượng nhập từ Trung Quốc đã hơn 8,3 triệu tấn, chiếm 62%; Sắt thép thành phẩm của Trung Quốc cũng đạt kim ngạch hơn 3,4 tỷ USD, chiếm 64% giá trị sản phẩm sắt thép thành phẩm nhập của Việt Nam từ các nước.

Năm 2022, Việt Nam nhập 12,3 triệu tấn sắt thép các loại, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc cũng lên đến 5 triệu tấn. Kim ngạch sắt thép thành phẩm Trung Quốc là 3,3 tỷ USD, chiếm 62% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong năm 2022.

Kiện chống bán phá giá với thép cán nóng Trung Quốc: Thép ngoại đe dọa thép nội!?- Ảnh 3.

Sản lượng thép HRC nhập từ Trung Quốc về Việt Nam trong các năm 2022-2023 và 6 tháng năm 2024 (Biểu đồ: NT).

Với lợi thế quy mô và sản xuất dư thừa, các loại sắt thép nói chung và thép HRC của Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Điều này được cho là sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép HRC.

Một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam cho rằng, việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập khẩu có thời điểm gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép HRC của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu.

Dẫn chứng, thị phần bán hàng thép HRC của doanh nghiệp sản xuất trong nước như Hòa Phát và Formosa giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023. Ngược lại, thị phần của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn độ tăng từ 32% lên gần 46% trong năm 2023.

Chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu thép HRC không đồng tình với việc khởi kiện chống bán phá giá với HRC từ Trung Quốc, bởi họ cho rằng số lượng nhập HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam không quá lớn. Chưa kể, thép HRC là đầu vào cho nhiều công ty, doanh nghiệp thép hộp khác.

Theo cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, xuất khẩu thép các loại của Trung Quốc vượt 90 triệu tấn, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thép cán nóng, thép tấm tăng trưởng mạnh.

Xuất khẩu sản phẩm thép tấm/cuộn cán nóng tăng 84,09% lên 21,18 triệu tấn, thép tấm dày vừa tăng 43,59% lên 8,5789 triệu tấn, thép thanh/dây tăng 42,06% lên 10,8817 triệu tấn, thép tấm/cuộn cán nguội tăng 13,33% lên 6,2005 triệu tấn, thép đùn tăng nhẹ 1,66% lên 3,4417 triệu tấn và thép dải tăng 12,52% lên 803.500 tấn. Hàng ống giảm 53,15% xuống 8,6529 triệu tấn.

Xuất khẩu thép của Trung Quốc sang Đông Nam Á và Trung Âu năm 2023 tăng đáng kể. Theo đó, về khối lượng, Đông Nam Á, với dân số 670 triệu người, là nơi tiếp nhận thép Trung Quốc nhiều nhất vào năm 2023 với 26,9 triệu tấn, tiếp theo là Tây Á với 15,8717 triệu tấn.

Cụ thể, các nước Đông Nam Á như Việt Nam đã nhập hơn 9,2 triệu tấn thép các loại, Philippines nhập hơn 4,3 triệu tấn, Thái lan là 4,7 triệu tấn thé. Các nước như Việt Nam, Ấn Độ, UAE, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ có sự tăng trưởng hơn 50% về sản lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo cơ quan này, với mật độ dân số cao, 670 triệu người của Đông Nam Á có mức tiêu thụ thép bình quân đầu người thấp, điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn.

Ngược lại, xuất khẩu thép Trung Quốc sang Bắc Mỹ giảm 16,62%, xuống còn gần 1,5 triệu tấn; xuất khẩu thép các loại của Trung Quốc vào EU giảm 5,57% xuống còn 3,6703 triệu tấn. Xuất khẩu thép của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm 14,24%.

Sự sụt giảm này chủ yếu là do chu kỳ lạm phát đang diễn ra ở Châu Âu và Châu Mỹ, kết hợp với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. .

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem