Kiến trúc đặc biệt bên trong ngôi chùa cổ ở Hà Nội

Khánh Ly Chủ nhật, ngày 29/01/2023 15:30 PM (GMT+7)
Làng Yên Thôn tuy nhỏ nhưng người dân trong làng luôn tự hào khi có đến 4 ngôi chùa cổ và Bảo Quang là một trong những ngôi chùa cổ nhất huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội.
Bình luận 0

Ngôi chùa lưu giữ giá trị lịch sử theo năm tháng

Chùa Bảo Quang thường được dân làng Yên Thôn gọi là "chùa làng" bởi do dân làng góp sức, vật chất  và cùng xây dựng. Cũng bởi vậy, ngôi chùa này gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa tâm linh của bà con dân làng. Đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu và bảo tồn tuy nhiên ngôi chùa gần như vẫn còn nguyên vẹn.

Theo văn bia cổ tại chùa, sư cụ Thích Thanh Tầm (người làng Phú Ô, huyện Thạch Thất) - trụ trì chùa cùng dân làng đã sắp xếp lại tượng Phật, tạc thêm tượng A Di Đà và tượng Kim Cương, đúc chuông "Bảo Quang Hồng Chung" vào năm Quý Sửu (1943), thời Hồng Đức (1460 – 1497). Ngoài ra, sư cụ còn cung tiến vào chùa một mẫu ruộng. Ngày nay, chùa vẫn gọi là ruộng Chí Nguyên – tên hiệu của cụ Thích Thanh Tầm.

Kiến trúc đặc biệt bên trong ngôi chùa cổ ở Hà Nội - Ảnh 1.

Ngoài giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, chùa Bảo Quang còn có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân làng Yên. Ảnh: Khánh Ly.

Chùa hiện không còn lưu giữ đạo sắc phong nào phong cho thiền sư Thích Thánh Tầm song có một số hoành phi câu đối và 3 tấm bia cổ còn nguyên vẹn ghi về quá trình xây dựng chùa của sư Thích Thánh Tầm.

Bà Nguyễn Hoa Vân (46 tuổi) cho biết, chùa không chỉ là nơi lưu giữ những công trình văn hóa kiến trúc mà còn hướng và dạy đạo đức cho dân làng đến những điều tốt đẹp hơn. Trong những ngày hội, tại sân chùa diễn ra hai môn thể thao truyền thống của làng là thi đấu vật, đánh gậy và nhiều trò chơi dân gian khác. Suốt nhiều năm nay, chùa gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa tâm linh, là niềm tự hào của bà con.

Kiến trúc đặc biệt bên trong ngôi chùa cổ ở Hà Nội - Ảnh 2.

Nét cổ kính của ngôi chùa Bảo Quang. Ảnh: Khánh Ly.

Kiến trúc cổ tại chùa Bảo Quang

Chùa Bảo Quang tọa lạc giữa làng Yên Thôn, hướng Nam, được làm trên khu đất rộng rãi, thoáng đãng. Kiến trúc của ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, gồm nhà bái đường, nhà thiêu hương, thượng đường, tam quan. Chùa gồm 2 nếp nhà nằm ngang, song song nối tiếp với nhau bằng nhà dọc uống muống gọi là nhà thiêu hương.

Nhà nằm ngang phía ngoài gọi là bái đường, nhà nằm ngang phía trong gọi là thượng đường. Qua khoảng sông rộng, phía ngoài là tam quan kiêm gác chuông, làm theo kiểu chồng riêm hai tầng tám mái, trên treo quả chuông đồng lớn.

Kiến trúc đặc biệt bên trong ngôi chùa cổ ở Hà Nội - Ảnh 3.

Tam quan kiêm gác chuông, làm theo kiểu chồng riêm 2 tầng 8 mái. Ảnh: Khánh Ly.

Đến nay, ngôi chùa cổ kính đã trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu. Trước năm 1945, chùa từng được tu sửa nhưng không có ghi chép cụ thể. Do ảnh hưởng nặng của chiến tranh, chùa bị xuống cấp nặng. Năm 1993, Hội Người cao tuổi cùng dân làng tiến hành sửa chữa lớn nhưng vẫn bảo tồn nét cổ xưa. Năm 2004, chùa được xây thêm nhà tổ. Năm 2011, chùa xây thêm tam quan ngoài.

Chùa Bảo Quang hiện nay đã có nhiều đổi thay với thời điểm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1996. Đơn nguyên trong chùa được xây lại, xây mới nhưng kết cấu của các đơn nguyên đều cố gắng mô phỏng theo lối trang trí, kiến trúc truyền thống.

Kiến trúc đặc biệt bên trong ngôi chùa cổ ở Hà Nội - Ảnh 4.

Dù trùng tu, xây dựng lại bằng những vật liệu mới nhưng kết cấu đều cố gắng mô phỏng theo kiến trúc truyền thống.

Tam quan có treo chuông "Bảo Quang hồng chung" với miệng rộng 52 cm, thân chuông cao 70,5 cm và gồm 4 múi. Ngoài ra, chùa có 52 pho tượng phật, phần lớn đắp bằng đất sét, luyện với trấu xay, phủ sơn. Các pho tượng được tạo tác theo phong cách tả thực sinh động. Trong số đó có 4 pho tượng Kim cương ngồi, tứ Kim Cương chứ không phải bát bộ Kim Cương. 

Điểm đặc biệt là tượng ngồi, ngồi gảy đàn chứ không phải đứng như ở nhiều ngôi chùa khác. Có người cho rằng, do được tạo tác từ thời vua Hồng Đức – thời thịnh trí nhất xã hội phong kiến Việt Nam nên người thợ tạc những vị thiên tướng bảo vệ phật pháp trong cảnh xã hội yên bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem