Kinh doanh thua lỗ, tài sản “bốc hơi” 75%, đại gia Lê Phước Vũ tính kế hoạch doanh thu đi lùi

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 04/01/2019 18:48 PM (GMT+7)
Đà hồi phục được tiếp nối trong phiên giao dịch chiều 4.1 giúp VnIndex tăng 2,68 điểm, lên 880,9 điểm. Diễn biến trái chiều, cổ phiếu HSG tiếp tục giảm giá còn 6.170 đồng/cổ phiếu, tài sản bốc hơi khi Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ trình ĐHĐCĐ về kế hoạch sản xuất kinh doanh niên độ 2018 - 2019, với chỉ tiêu doanh thu thuần thấp hơn niên độ 2017 – 2018.
Bình luận 0

VnIndex đảo chiều ngoạn mục

TTCK Việt Nam tiếp tục bước vào phiên giao dịch sáng 4.1 với những tín hiệu tiêu cực. Áp lực bán mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.

Sau nửa đầu phiên giao dịch sáng 4.1, VnIndex giảm tới 16 điểm về sát mốc 860 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã thu hẹp mức giảm của các chỉ số trên TTCK Việt Nam. Tới cuối phiên sáng, sắc xanh đã quay trở lại với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.

Đà hồi phục được tiếp nối trong phiên giao dịch chiều 4.1 giúp VnIndex và HNX-Index vượt ngưỡng tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VnIndex tăng 2,68 điểm (0,31%) lên 880,9 điểm. Còn HNX-Index tăng 0,32 diểm (0,32%) lên 100,85 điểm.

img

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4.1, VnIndex tăng 2,68 điểm (0,31%) lên 880,9 điểm. (Ảnh: TVSI)

Trong phiên giao dịch hôm nay, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt hồi phục đã giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Bộ ba “cổ phiếu họ Vin” là VIC, VHM và VNM đều tăng trưởng. Trong đó, VIC tăng nhẹ 0,3% lên 100.600 đồng; VHM tăng 1,1% lên 74.000 đồng; VNM tăng 1,7% lên 125.000 đồng. Ngoài ra, VNM cũng tăng 1,7% lên 125.000 đồng; PLX tăng 2,4% lên 54.900 đồng.

Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, VCB tăng 1,5% lên 54.400 đồng, CTG tăng 1,4% lên 18.350 đồng, MBB tăng 0,5% lên 18.600 đồng, HDB tăng 3% lên 29.000 đồng.

Tuy nhiên, BID, MSN, ROS, VCG, VJC… vẫn giảm khá sâu và là điểm trừ trên  TTCK Việt Nam phiên giao dịch hôm nay.

img

Tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trải qua phiên giảm thứ 3 liên tiếp sau khi cổ phiếu VJC giảm thêm 1,04% xuống 115.000 đồng/cổ phiếu. (Ảnh minh họa)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4.1, niềm vui đã trở lại với tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tỷ phú Trần Đình Long. Sau chuỗi ngày tài sản chứng khoán giảm sâu do giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG sụt giảm mạnh, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long đã tăng 76,31 tỷ đồng (0,68%) lên 11.332,25 tỷ đồng. Còn tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tăng 217,19 tỷ đồng (0,3%) sau khi giảm nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua.

Trái ngược với niềm vui của hai vị tỷ phú nêu trên, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trải qua phiên giảm thứ 3 liên tiếp sau khi cổ phiếu VJC giảm thêm 1,04% xuống 115.000 đồng/cổ phiếu.

Hoa Sen kinh doanh thua lỗ, đại gia Lê Phước Vũ tính kế hoạch đi lùi

Trong bản kế hoạch sản xuất kinh doanh niên độ 2018 - 2019 do HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đề xuất để ĐHĐCĐ thông qua trong cuộc họp thường niên sắp tới, Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đề ra kế hoạch tiêu thụ hơn 2 triệu tấn sản phẩm (thành phẩm và phụ phẩm), tăng 7% so với kết quả niên độ trước. Tuy vậy, chỉ tiêu doanh thu thuần theo kế hoạch của HSG lại chỉ là 31.500 tỷ đồng, giảm 9% so với kết quả thực hiện niên độ 2017 – 2018. Về phía lợi nhuận sau thuế, Tập đoàn đề ra kế hoạch lãi 500 tỷ đồng cho niên độ 2018 – 2019.

Hiện tại, trên thị trường, cổ phiếu HSG vẫn đang giao dịch ở mức đáy. Trong 3 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu HSG đều giao dịch quanh mức giá trên 6.000 đồng/cổ phiếu, giảm hnơ 75% so với mức đỉnh 28.650 đồng/cổ phiếu khiến tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Phước Vũ hiện chỉ còn 231,02 tỷ đồng.

img

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG). (Ảnh: I.T)

Trước đó, kết thúc niên độ 2017 – 2018, Hoa Sen đạt doanh thu 34.441 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch đề ra cho niên độ này. Tuy vậy, trước xu thế khó khăn chung của ngành thép, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty chỉ đạt 409 tỷ đồng, tức 30% so với chỉ tiêu đề ra cho niên độ 2017 – 2018.

Trong niên độ vừa qua, Hoa Sen vẫn duy trì được thị phần lớn nhất ngành tôn mạ với 34%; tôn và thép dày mạ cũng là nhóm sản phẩm đóng góp đến 73% cơ cấu sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn. Về phía mảng ống thép, Hoa Sen chiếm 18% thị phần Việt Nam, đứng thứ hai trên thị trường; nhóm sản phẩm ống thép đóng góp 24% trong doanh thu của Tập đoàn.

Riêng trong quý IV của niên độ 2017-2018, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đạt gần 8.565,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng gần 23,5% so với cùng kỳ niên độ trước.

Tuy nhiên, giá vốn tăng cao đã “ăn mất” phần lớn lợi nhuận gộp của HSG. Vì thế biên lãi gộp trong quý này suy giảm mạnh xuống mức 8,45%, trong khi con số này lên đến 16,3% vào quý IV niên độ 2016-2017. Hệ quả, dù doanh thu tăng trưởng tốt, cổ đông Hoa Sen có lẽ chẳng mấy mừng vui khi mà lãi gộp sụt giảm đến 36% so với cùng kỳ 2016-2017, xuống còn 723,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí tài chính trong quý này của Hoa Sen cao hơn đôi so với cùng kỳ 2016-2017, lên mức gần 351 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay là 234,6 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá là 116,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 53,9% và 595,9% so với cùng kỳ

Tuy nhiên, các chi phí tài chính kể trên cũng được bù đắp phần nào bởi HSG của ông Lê Phước Vũ cũng ghi nhận khoản thu lớn lên đến gần 134 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động đầu tư là 102 tỷ đồng và khoản lợi chênh lệch tỷ giá gần 31,3 tỷ đồng.

Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm gần 24,7% so với cùng kỳ niên độ trước, xuống còn 196,4 tỷ đồng.

Nhưng nguồn thu từ hoạt động tài chính và sự tiết giảm trong chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn không đủ để “cứu" HSG. Với khoản lỗ ròng 101,8 tỷ đồng, Công ty ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên kể từ quý IV của niên độ 2009-2010.

Kết quả, niên độ 2017-2018, Hoa Sen đạt 34.441,4 tỷ đồng doanh thu thuần, vượt 14,8% kế hoạch doanh thu. Tuy nhiên, với khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 410 tỷ đồng, Công ty chỉ mới thực 30,4% chỉ tiêu đề ra, cách quá xa con số kế hoạch.

Thêm vào đó, phải vay nợ ròng 2.495 tỷ đồng để hỗ trợ cho dòng tiền âm lớn 2.635,8 tỷ đồng chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và dài hạn.

Tại thời điểm 30.9.2018, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ vay nợ ngắn hạn là 10.879,9 tỷ và dài hạn là 3.417 tỷ đồng, lần lượt tăng 1.865 tỷ và 626,2 tỷ đồng so với đầu niên độ, tương ứng mức tăng 20,7% và 22%. Tổng lượng nợ vay của Hoa Sen là 14.341,8 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần vốn chủ sở hữu của Công ty.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem