Một buổi thực hành chế biến món ăn cho lao động nông thôn (ảnh chụp tại Trường CĐ Nghề Trần Hưng Đạo). Ảnh: Minh Nguyệt
Nguyễn Phương Thùy (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một trong nhiều nông dân mất đất may mắn được tham gia lớp học nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho lao động nông thôn bị mất đất do xã phối hợp Trường Cao đẳng Nghề Trần Hưng Đạo giảng dạy. Về cơ bản, sau 3 tháng học chị Thùy đã nắm hết kỹ thuật chế biến món ăn, an toàn trong lao động, kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm… Nhưng do kinh phí eo hẹp nên chị và các học viên khác rất ít được thực hành.
Thầy Đặng Danh Trung – giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Trần Hưng Đạo cho biết, đây là khó khăn chung của nhiều đơn vị khi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo thầy Trung, mỗi học viên chỉ được cấp khoảng 650.000 đồng để thực hành cho 1 khóa học 3 tháng. Trong đó, số giờ thực hành chiếm 2/3 thời lượng. Do kinh phí ít nên tiền thực hành cho 1 học viên chỉ được chưa đầy 6.000 đồng/buổi.
Thừa nhận định mức kinh phí cho hoạt động dạy nghề còn thấp, ông Nguyễn Duy Hưng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Trần Hưng Đạo cho rằng: “Giữa thời buổi “bão giá” mà định mức dạy nghề ở một thành phố lớn như Hà Nội đã ban hành 4-5 năm nay vẫn không hề thay đổi. Cứ như vậy, về lâu dài sẽ gây khó khăn cho hoạt động đào tạo, ảnh hưởng chất lượng dạy nghề”.
Trường Cao đẳng Nghề hiện dạy 3 nghề chính là: Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống và Kỹ thuật hàn. Định mức phân bổ kinh phí cho cả 3 ngành này đều không còn phù hợp với thực tế. Trước khó khăn đó, thầy Trung cho biết, các lớp học đã tự xoay xở, lấy tiền ở tiết thực hành nguyên liệu rẻ, bù cho hôm thực hành nguyên liệu đắt. “Thậm chí, chúng tôi còn phải kêu gọi “xã hội hóa” từ chính học viên. Tức là học viên tự đóng thêm quỹ lớp, khi cần thực hành món đắt tiền thì bỏ thêm ra mua nguyên vật liệu, sau đó dùng sản phẩm liên hoan luôn” – thầy Trung nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.