Ông Nguyễn Văn Út – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: Địa phương này có khoảng 630 nghìn người trong độ tuổi lao động (có 43,8% lao động qua đào tạo); lao động nông thôn chiếm trên 72% tổng số người trong độ tuổi lao động và là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn. Với những thế mạnh này, tỉnh đã tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú cung cấp cho phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản trong và ngoài tỉnh.
Thông qua các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn từng bước cải thiện cuộc sống (trong ảnh nông dân huyện Hồng Dân, Bạc Liêu thu hoạch tôm sú). Ảnh: CHÍ THANH
“Sau khi “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bạc Liêu xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người dân Bạc Liêu tăng thêm thu nhập; góp phần xóa đói, giảm nghèo và từng bước thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh” – ông Út khẳng định.
Anh Nguyễn Văn Thắng (24 tuổi, ngụ huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Trước đây chủ yếu mình làm những công việc nặng nhọc, cần sức lực, nhưng khi được chính quyền địa phương cho đi học lớp sửa xe, giờ mình đã có cơ sở riêng, nguồn thu ổn định”.
Mặc dù kết quả đạt được bước đầu hết sức khả quan, tuy nhiên theo ông Út, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn gặp nhiều khó khăn, do số lượng các lớp nghề nông nghiệp được mở chưa tương xứng với nhu cầu đào tạo của lao động nông tại các ấp, xã, thị trấn có vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh; việc liên kết tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung tại các địa điểm đào tạo chưa được chặt chẽ, còn thiếu doanh nghiệp tham gia đầu tư và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu – Lương Ngọc Lân phấn khởi: “Thời gian qua, sở đã phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh mở nhiều lớp đào tạo nghề cho học viên là lao động nông thôn như: Kỹ thuật nuôi tôm sú; kỹ thuật nuôi cá sặc rằn; kỹ thuật nhân giống lúa... Thông qua các lớp nghề đào tạo đã giúp cho lao động nông thôn nắm được các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp và từng bước mạnh dạn đầu tư, áp dụng vào sản xuất thực tế tại hộ gia đình”.
“Mục tiêu đề ra đến năm 2020 có 55% lao động nông thôn qua đào tạo, trong đó có 42.000 người học nghề nông nghiệp” – ông Lân nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.