Nhiều điểm sáng
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ước đạt 8,98%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 38 triệu đồng/năm. Sản lượng lúa ước đạt 25 triệu tấn, tăng khoảng 500.000 tấn so với cùng kỳ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tổng sản lượng thủy sản đạt gần 3,2 triệu tấn, riêng sản lượng nuôi trồng ước trên 2,1 triệu tấn. Toàn vùng có khoảng 1.195 hợp tác xã. Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 11,9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt trên 37.963 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội ước đạt trên 232.000 tỷ đồng. Đến nay toàn vùng có 181 cơ sở dạy nghề, trong năm vùng đã tạo cơ hội việc làm mới cho hơn 330.000 lao động.
Ông Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: Thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, năm 2014 ngân sách T.Ư đã hỗ trợ cho vùng 302,5 tỷ đồng. Ước năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 5,6 – 5,8% (năm 2013 là 7,41%). Chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi ước đạt 22.150 tỷ đồng, với hơn 1,6 triệu người được vay vốn. Trong năm 2014, số đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội khoảng trên 437.000 (tăng 35% so với năm 2013). Các chính sách dân tộc được sự quan tâm, hướng dẫn kịp thời. Nông thôn giữ vững bản sắc.
“Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội và thực hiện chính sách xã hội được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ quan tâm, vận động. Tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2014, thông qua diễn đàn đã tập hợp được nhiều sáng kiến, giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, vận động quỹ an sinh xã hội vùng ĐBSCL với số tiền hơn 480 tỷ đồng…” - ông Quang thông tin.
Hỗ trợ liên kết nông dân với các đối tác khác
Quan điểm
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
Các tỉnh phải quan tâm hơn tới xây dựng nông thôn mới, cần xem xét hướng dẫn điều chỉnh về bộ tiêu chí quốc gia, không hạ tiêu chuẩn nhưng sẽ phân ra nhóm tiêu chí, phù hợp với từng vùng, giữ được bản sắc nông thôn của từng vùng, yêu cầu các bộ hướng dẫn chi tiết”.
Tại hội nghị, bên cạnh tổng kết, đánh giá những mặt làm được nhiều đại biểu của các bộ ngành và địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp cho ngành nông nghiệp, nhất là vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp. “Tiến độ triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm và ở từng lĩnh vực thể hiện chưa rõ, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ của nhiều ngành. Cần có một tư lệnh vùng để theo dõi hàng năm và có kiến nghị nên có quy chế điều phối các sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL vì đề án tái cơ cấu nông nghiệp có quy mô quá lớn” - ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ: “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp dựa trên 3 tiêu chí: Hợp tác, liên kết và định vị thị trường. Các hợp tác xã nghiêng về lợi nhuận nhưng phải tính toán lợi ích của các xã viên, liên kết giúp đỡ họ để sinh lợi nhuận. Thực hiện đề án tái cơ cấu của Đồng Tháp hướng tới giảm giá thành sản xuất để tăng lợi nhuận. Rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia chuỗi liên kết, tiến tới đầu tư vật tư đầu vào hoặc kinh phí sản xuất cho nông dân”.
“Việc liên kết phải làm sao tạo được cơ hội lớn nhất trong lồng ghép các chương trình tam nông. Đầu tiên là phải tiếp cận được thị trường và phân chia các dòng sản phẩm chủ lực. Để giải quyết các vấn đề hiện có của vùng ĐBSCL thì cần sự đơn giản hóa liên kết vùng, mình nên làm từ đơn giản đến nhu cầu lớn dần” - PGS-TS Nguyễn Văn Sánh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL góp ý.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Doanh nghiệp chúng ta còn nhiều khó khăn, sản xuất thì chưa thực sự bền vững. Mô hình liên kết sản xuất còn chưa được nhân rộng; hạ tầng kinh tế xã hội của vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; cản trở sự phát triển kinh tế và khai thác tiềm năng của vùng. Năm 2015 phải tiếp tục phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những yếu kém. Các tỉnh trong vùng cần phối kết hợp chặt chẽ với các bộ ngành để thực hiện thắng lợi kế hoạch, nhiệm vụ đề ra”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý: “Làm thế nào tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp; triển khai liên kết nông dân – nông dân; nông dân – hợp tác xã; nông dân – doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng phải gắn với thích ứng biến đổi khí hậu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.