Kinh tế Việt Nam – điểm sáng trong nguy cơ lạm phát và biến động ở khu vực

V.N Thứ năm, ngày 01/09/2022 17:04 PM (GMT+7)
Các công ty xếp hạng tín dụng nước ngoài đều đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong khi khu vực đang có nhiều bất ổn. Họ chỉ ra những lĩnh vực mà Việt Nam có thể cải thiện mạnh mẽ để bứt phá trong thời gian tới: Đó là điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng
Bình luận 0

Cải thiện nhanh chóng

Nền kinh tế Việt Nam là một điểm sáng trong nguy cơ lạm phát và biến động ở khu vực - đó là nhận định của công ty xếp hạng tín dụng Moody's Analytics đưa ra mới đây.

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 7 không cao, song Moody's Analytics  vẫn đánh giá tích cực về triển vọng của đất nước vì Việt Nam vẫn thụ hưởng dòng vốn đầu tư được chuyển hướng từ những bất ổn chính sách ở Trung Quốc.

Việt Nam cũng là nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương duy nhất trải qua sự điều chỉnh tăng đáng kể so với dự báo  của Moody's Analytics về tăng trưởng GDP. Hãng này dự báo  GDP năm 2022 tăng ở mức 8,5% - cao nhất trong số các nước trong khu vực.

Kinh tế Việt Nam – điểm sáng trong nguy cơ lạm phát và biến động ở khu vực - Ảnh 1.

Việt Nam là điểm sáng kinh tế trong khu vực. Ảnh: Bloomberg.

"Sự mở cửa rất chậm của nền kinh tế Việt Nam vào đầu năm nay đã chuyển thành sự cải thiện nhanh chóng trong sản xuất công nghiệp và thương mại xuất khẩu, cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam" - các nhà kinh tế lưu ý trong báo cáo của Moody's Analytics.  "Sự không chắc chắn của chính sách ở Trung Quốc đang hướng đầu tư vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác".

Trong khi các cả 3 nền kinh tế liên quan đến xuất khẩu - Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều giảm tốc xuất khẩu, theo dữ liệu tháng 7, các nhà kinh tế tin rằng nhu cầu có thể ổn định từ Mỹ do thị trường lao động của nước này khá mạnh.

 "Nhưng sự suy yếu từ Trung Quốc và khả năng suy thoái ở Anh và châu Âu vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau tạo ra rủi ro giảm cho xuất khẩu từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương" - họ cảnh báo.

Nhu cầu đi lại và du lịch tiếp tục phục hồi dự kiến sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ và bán lẻ của khu vực, mặc dù tăng trưởng vào năm 2023 dự kiến sẽ giảm tốc do các nền kinh tế hấp thụ lãi suất cao hơn.

Bất ổn lớn nhất trong khu vực là lạm phát. Trong khi giá dầu toàn cầu nói riêng và giá hàng hóa nói chung đã bắt đầu giảm trong tháng qua, xu hướng này vẫn chưa được phản ánh trong lạm phát giá tiêu dùng trên toàn khu vực. Rủi ro lạm phát có thể làm chậm nhu cầu địa phương đối với hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả nhà ở – Moody's Analytics  cảnh báo.

Độ mở kinh tế

Một công ty xếp hạng tín dụng khác, Fitch Solution, trong Báo cáo rủi ro Đầu tư và Thương mại Việt Nam của họ, đã đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thứ năm trong số 37 nền kinh tế mà Fich đánh giá.

Độ mở kinh tế là đánh giá rủi ro đối với các nhà đầu tư và doanh nhân đang tìm cách đi vào thị trường, đánh giá  độ mở chung của nền kinh tế với đầu tư trực tiếp nước ngoài và sự hấp dẫn của nền kinh tế như là một địa điểm dầu tư so với các nơi khác trong khu vực và thế giới.

Nền kinh tế Việt Nam được ghi nhận ở mức 74,6 điểm trên 100, vượt qua cả mức trung bình của Châu Á là 49,5 và của thế giới là 46.

Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn về độ mở kinh tế so với Singapore, Hong Kong, Macau, Malaysia. Trên toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 20 trong số 201 thị trường theo xếp hạng của Fitch.

Còn hãng tin Bloomberg  cho rằng Việt Nam đang là nơi rất sôi động. Với tựa đề "Việt Nam đang tăng trưởng 7% và Hà Nội có thể làm tốt hơn nhiều", bài báo mới đây của hãng tin này viết: "Các công ty toàn cầu từ Công ty Điện tử Samsung đến Tập đoàn Lego đang mở các nhà máy lớn ở đó. Apple Inc. đang đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Đồng hồ Apple và MacBook ở Việt Nam trong khi các nhà cung cấp của Apple ở Trung Quốc và Đài Loan chật vật để tìm kiếm nhân tài tại địa phương". 

Điểm nghẽn

Song Bloomberg cho rằng Việt Nam có thể làm tốt hơn rất nhiều. Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2022 - ít ỏi so với mức mở rộng hai con số mà Trung Quốc đã đăng ký trong thời kỳ bùng nổ xuất khẩu vào đầu những năm 2000. Mặc dù đã có các cuộc đàm phán về chuyển dịch chuỗi cung ứng, nhưng tiến độ chuyển sản xuất hàng loạt các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn sang Việt Nam vẫn còn chậm.

Bloomberg chỉ ra điểm nghẽn của Việt Nam là cơ sở hạ tầng kém. Đường bộ được sử dụng cho 3/4 lượng hàng hóa và 90% lưu lượng hành khách thì dễ bị tắc nghẽn. Trong khi đó, không phải tất cả các cảng dọc bờ biển đều có thể sử dụng cho các tàu container lớn nhất. Để so sánh, ngay cả trong thời gian Thượng Hải bị phong tỏa do Covid, cảng Ningbo gần đó vẫn hoạt động và xuất khẩu.

Việc hiện đại hóa đường bộ dù được coi là  một ưu tiên của quốc gia, vẫn còn chậm. Đường cao tốc Bắc-Nam được lên kế hoạch nhưng bị trì hoãn kéo dài do chính phủ phải vật lộn với chi phí vượt mức.

Việc chậm trễ dự án kéo dài là điều thường thấy ngay cả ở trung tâm tài chính là Thành phố Hồ Chí Minh. Ví dụ, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố bắt đầu được xây dựng vào năm 2012, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2018, nhưng đã bị lùi sang 2023 vì phải chờ Quốc hội phê duyệt lại mức đội giá. Nhiều dự án khác trên địa bàn thành phố như các tuyến đường vành đai cũng đã được lên kế hoạch từ hơn chục năm trước và bị chậm tiến độ nhiều lần.

Bloomberg cho rằng, giữa nỗ lực chống tham nhũng, các quan chức trở nên thận trọng hơn với việc chi ngân sách. Trong bảy tháng đầu năm 2022, chính phủ chỉ giải ngân 34,5% so với kế hoạch cả năm. Hiện nay, khoảng 90% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đến từ các nguồn công cộng. Vì vậy, khi bộ máy hành chính chậm lại, các dự án xây dựng cũng dừng lại.

Bloomberg ghi nhận rằng chính phủ đang rất cố gắng. Luật hợp tác công tư được nhiều người mong đợi, có hiệu lực vào tháng 1/2021, là một bước tiến. Nhưng vẫn còn những bất đồng giữa nhà thầu với chính phủ khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng bị chậm lại.

Trong khi đó Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều đường xá, đường ray, sân bay và siêu thị. Thượng Hải, nơi mà Thành phố Hồ Chí Minh xem như một hình mẫu về tài chính hay bất động sản - đã hoàn thành các tuyến tàu điện ngầm đúng tiến độ.

Bloomberg cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế, từ địa chính trị đến sự tham gia của lực lượng lao động nữ. Song điều kìm hãm sự phát triển là việc cần nhanh chóng điều chỉnh một số chính sách và sự chậm chạp trong xây dựng cơ sở hạ tầng. 


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem