Kon Tum: Nuôi hươu sao lấy nhung và bán giống, nhiều hộ dân thu trăm triệu mỗi năm
Kon Tum: Nuôi loài thú có cặp sừng non lại là dược liệu quý, bán mỗi cặp sừng anh nông dân thu tiền triệu
Hoàng Lộc
Thứ bảy, ngày 29/01/2022 11:15 AM (GMT+7)
Với đặc tính dễ nuôi, ít bệnh, số tiền đầu tư không quá lớn, nghề nuôi hươu sao đã giúp cho nhiều hộ dân tại xã Ia Dom (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) có thu nhập ổn định, hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi hươu sao của hộ gia đình Nguyễn Xuân Tiến (trú tại thôn 4, xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai) – làm một trong những hộ đầu tiên nuôi hươu sao trên địa bàn huyện.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự quy củ của chuồng trại thoáng mát và sạch sẽ. Chia sẻ về cơ duyên đến việc nuôi hươu, anh Tiến cho biết, bản thân vốn làm công nhân cao su. Tuy nhiên, thu nhập khá bấp bênh, không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, anh luôn đắn đo tìm hiểu thêm các mô hình chăn nuôi khác để tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Trong một lần tìm hiểu trên mạng, tình cờ anh biết được việc nuôi hươu sao đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Ia H'Drai.
Sau khi tìm hiểu thực tế về mô hình nuôi hươu sao ở các địa phương, đến năm 2016, anh lặn lội sang huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) để mua 2 cặp hươu sao giống với số tiền 50 triệu đồng và đầu tư thêm 7 triệu đồng để xây chuồng trại.
Nói về công việc nuôi hươu, anh Tiến cho biết, nuôi hươu rất nhàn, chỉ nhốt ở trong chuồng chứ không phải chăn thả hay dắt đi ăn hàng ngày như nuôi trâu, bò, dê. Hơn nữa, nguồn thức ăn cho hươu rất đơn giản, ở ngoài tự nhiên như cỏ voi, lá mít, lá sung, bắp, chuối…
"Mỗi ngày tôi cho ăn 3 bữa, sáng cho ăn cỏ voi trộn với lá cây rừng để hươu có sức tiêu hóa tốt, trưa cho ăn ngô trộn với chuối, tối ăn tiếp cỏ voi với lá cây rừng nhưng lượng thức ăn nhiều hơn trong ngày. Khi hươu sao lớn và cho nhung, sinh sản thì phải nhốt riêng để thuận tiện chăm sóc, đồng thời tránh cho hươu đực húc làm tổn hại nhung, cũng như ảnh hưởng đến hươu cái mang thai", anh Tiến chia sẻ về kỹ thuật nuôi hươu.
Sau khoảng 6 năm nuôi, đến nay đàn hươu của gia đình anh phát triển thành 20 con, trong đó có 10 con đực cho lấy nhung, 6 con cái sinh sản cho lấy giống, còn lại là 4 hươu con. Trung bình mỗi năm, một con hươu đực sẽ cho 1 cặp nhung với trọng lượng từ 5-6 lạng, mỗi cặp nhung có giá từ 7-8 triệu đồng.
Với 6 con hươu cái, mỗi năm đẻ 1 con, với giá bán từ 10 triệu đồng đối với con cái và 15 triệu đồng đối với con đực, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình anh Tiến thu nhập gần 180 triệu đồng mỗi năm từ việc bán nhung hươu và bán con giống.
Nhân rộng mô hình nuôi hươu sao
Từ hiệu quả mô hình nuôi hươu sao của gia đình anh Tiến, nhiều người dân địa phương cũng đã đến học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và mua hươu giống về nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Anh Vi Thanh Hà (cùng trú thôn 4, xã Ia Dom) cho biết, vào năm 2018, anh cũng mua 2 cặp hươu giống ở huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk).
Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, đến nay đàn hươu của gia đình anh đã đạt được 10 con, trong đó có 6 con đực cho lấy nhung và 4 con cái. Trừ chi phí, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh gần 130 triệu đồng.
"Qua gần 4 năm nuôi hươu, tôi thấy hươu là loài động vật ưa sống trong môi trường tự nhiên, dễ hoảng loạn nên chuồng nuôi phải làm chắc chắn, tránh hươu phá chuồng bỏ chạy. Hươu cũng có sức đề kháng tốt và ít bị bệnh hơn so với các loài động vật khác. Để có được điều này, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử khuẩn sạch sẽ, thức ăn cũng phải sạch và ráo nước. Tóm lại, hươu là loài dễ nuôi lại cho thu nhập ổn định", anh Hà nói.
Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum), toàn huyện có khoảng 25 hộ dân nuôi hươu với gần 120 con.
Ông Huỳnh Tấn Vũ, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Ia H'Drai cho biết, việc nuôi hươu lấy nhung và bán con giống đã giúp cho nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
"Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển quy mô đàn hươu để người dân thực hiện từ đó phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, huyện đang có phát triển, chế biến sản phẩm từ nhung hươu để tạo thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm, qua đó xây dựng sản phẩm hươu sao trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện", ông Vũ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.