Bánh ngải là đặc sản nổi tiếng của người dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn. Trước đây khi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn thì bánh Ngải thường chỉ được dùng trong các lễ hội mừng lúa mới, ngày lễ Tết hay những ngày lễ quan trọng của dân tộc Tày, Nùng. Ngày nay khi mà đời sống của các dân tộc ở các vùng núi được nâng cao hơn thì người dân tộc nơi đây lại dùng bánh ngải như một món bánh thực phẩm hàng ngày, vừa để làm thương phẩm lại vừa làm bánh ăn trong những ngày nông nhàn.
Nhắc tới đặc sản với cái tên độc lạ phải nghĩ ngay tới món bánh ngải thơm ngon của người dân nơi đây
Để làm ra được những mẻ bánh ngải xanh rì, dẻo thơm thật sự rất kỳ công. Gạo làm bánh phải là gạo nếp nương (nếp mới) không được lẫn gạo tẻ, đường chấm bánh phải là đường phên, có màu vàng, ngọt, không có sạn và lá ngải phải là những lá ngải tươi, non, có màu xanh thẫm, được “tuyển chọn” kỹ càng.
Những lá ngỏn non và xanh nhất được hái từ ngoài vườn hoặc trong tự nhiên, bờ ruộng, bờ vườn là những nơi hay mọc loại cây này.
Nguyên liệu nghe nói thì có vẻ đơn giản nhưng để làm được một chiếc bánh ngải thơm ngon ngoài cần sức lực thì còn cần có sự khéo léo, tỉ mỉ và cả tình cảm của người làm bánh. Nghe có vẻ là khó tin, nhưng người dân tộc Tày Nùng nơi đây luôn đem hết tình cảm, những mong muốn của mình vào bánh ngải – món bánh được người Tày, Nùng dùng trong các ngày Tết và ngày lễ quan trọng như ngày Tết Thanh minh...
Lá ngải được nấu nhừ sẽ được kẹp thật khô nước có màu xanh đẹp mắt.
Lá ngải sau khi được hái sẽ được rửa thật sạch, đem nấu trên bếp. Nhiều người làm bánh lúc nấu lá ngải còn bỏ thêm nước tro (đã chắt lọc) để lá nhanh nhừ. Sau đó lá sẽ được rửa sạch lại qua nhiều lần nước, nhặt bỏ thật sạch gân lá còn xót lại. Tiếp nữa lá ngải sẽ được kẹp thật chặt cho thật khô nước rồi xé nhỏ ra đợi gạo nếp hấp chín bỏ vào cối đá dùng chày gỗ nghiến giã thật mạnh cho nhuyển dẻo. Hiện nay nhiều nhà không có cối đá đã sáng tạo giã bánh bằng cách cho vào túi dựng hoặc bao thật dày rồi dùng chày giã đến khi nào gạo nếp với lá ngải hòa nhuyễn thành một hỗn hợp thật dẻo.
Người dân dùng chày bằng gỗ nghiến giã bánh sao cho thật dẻo, công việc này khá mất sức và kỳ công.
Sau đó người thợ làm bánh sẽ nhấc hỗn hợp này ra và nặn thành chiếc bánh hình tròn sao cho đẹp mắt và vừa ăn. Bánh có 2 kiểu nặn, một là bánh không bỏ nhân khi ăn chấm kèm với vừng đen rang giã nhỏ cùng đường phên thơm ngọt; 2 là bỏ nhân vừng đen đường phên vào trong bánh.
Hỗn hợp nhuyễn dẻo được những người phụ nữ khéo léo nặn thành những chiếc bánh nhỏ hình tròn. Trung bình 1kg gạo nếp tương ứng với 1 kg lá ngải, nếu bỏ nhiều lá ngải, bánh sẽ đắng và mất vị ngon.
Bánh ngải sau khi hoàn thành sẽ thơm thoảng mùi gạo nếp và mùi lá ngải, bánh rất dẻo, ăn vào có vị ngọt của đường, vị đắng nhẹ của lá ngải và cả mùi vị thơm lừng của vừng được rang vàng.
Sang xuân khi cay cối đâm chồi này lộc cũng là lúc lá ngải mọc xanh non mơn mởi. Lúc này người dân sẽ tranh thủ những ngày nông nhàn hay 1 dịp lễ đặc biệt nào đó cùng nhau làm món bánh ngải dẻo thơm để cả gia đình thưởng thức. Bánh cũng được nhiều người dân tranh thủ nông nhàn làm mang ra chợ bán. Ngay từ sáng sớm tinh mơ những chiếc bánh ngải thơm dẻo được bọc trong lớp lá chuối xanh rì đã được người làm chở ra chợ bán hoặc đi rong ruổi qua từng con ngõ nhỏ của thành phố. Trung bình người dân bán với giá 30-40 nghìn/10 cái bánh, giá cũng có thể lên xuống tùy vào từng thời điểm. Ai đến xứ Lạng thời điểm tháng 3, tháng 4 nếu chưa thưởng thức món bánh ngải thì đó là một sự thiếu xót lớn trong hành trình ngắm cảnh đẹp và thưởng thức những món đặc sản Lạng Sơn.
Ở ngoài phố thì bánh được người dân làm mang ra chợ phố bán. Còn ở quê thì thông thường người dân chỉ làm vào các dịp lễ Tết như Tết Thanh minh... hoặc những lúc nông nhàn.
Bánh ngải là một loại bánh truyền thống của người dân tộc Tày, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chính vì lẽ đó mà nó trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ Tết của người Tày, Nùng xứ Lạng. Người con gái dân tộc không ai là không biết làm bánh ngải. Người xưa vẫn hay quan niệm rằng những người con gái không biết làm bánh ngải thì không được coi là con gái Tày, Nùng vì qua cách làm bánh người lớn có thể đánh giá được sự tỉ mỉ, khéo léo của các cô gái.
Ngải cứu còn được gọi là thuốc cứu, ngải diệp, là cây thân thảo, có thể sinh tồn trong nhiều năm, lá mọc so le nhau, giống hình lông chim, phiến lá men theo cuống đến tận gốc, đầu lá nhọn giống răng cưa, hai mặt lá có màu khác nhau, trên thì xanh thẫm, dưới thì màu hơi xanh trắng do có một lớp lông nhung bọc phía ngoài. Lá ngải cứu có tác dụng cầm máu, trị nhức đầu, đau bụng, nôn mửa, sát trùng, kháng khuẩn,...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.