Kỳ lạ chuyện bác sĩ chở bệnh nhân bị đánh ghen đi trốn

Chủ nhật, ngày 09/03/2014 17:21 PM (GMT+7)
Đây là một câu chuyện có thật 100%. Câu chuyện cách đây cũng đã 20 năm tròn, bằng tuổi con gái đầu của tôi. Toàn bộ tên nhân vật của câu chuyện tất nhiên sẽ được thay đổi để đảm bảo tính riêng tư. Đương nhiên nhân vật chính là tôi thì không cần dấu.
Bình luận 0
Hồi đó tôi mới ra trường được 5 năm, xin việc còn khó lắm. Tôi về làm việc tại một trạm y tế phía nam của thành phố Đà Nẵng. Tôi vốn được đào tạo chính quy tại Đại học Y Huế, là sinh viên khá giỏi lại thích các hoạt động xã hội hướng tới cộng đồng.

Tự tay tôi vẽ tranh, viết áp-phích cùng với cán bộ địa phương tối đến lại lặn lội xuống các khu dân cư để tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân.

Vào các dịp tiêm chủng, tôi đi khắp địa bàn quản lý vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng, đặc biệt trong chiến dịch nhỏ vaccin thanh toán bệnh bại liệt. Nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với lòng yêu nghề đã giúp tôi làm tròn mọi việc một cách dễ dàng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi luôn thăm khám tỉ mỉ và thận trọng, làm đúng quy trình chuyên môn, tuyệt đối không có chút cẩu thả trong lúc điều trị nên được bà con rất tín nhiệm. Hồi ấy tôi đỡ đẻ thuộc loại “mát tay”. Nói chung tuần nào cũng được mời đi dự tiệc mừng đầy tháng hoặc thôi nôi các cháu bé do tôi đỡ đẻ. Được cái người dân địa phương cũng quý tôi. Mấy ông chồng có vợ sắp ở cữ lại đến gặp tôi đăng ký: “Ít bữa bác giúp cho vợ em nghe, có đêm hôm chi vợ em cần mà gọi là bác đi đó nghe!”. Nói chung nghe cũng phấn khởi, ai mà nỡ từ chối!

Cạnh trạm y tế có quán café của chị Lan mà tôi hay sang uống. Một hôm trong quán xuất hiện một em gái tóc dài chấm hông, dáng cao cáo. Đó là em dâu của cô chủ quán từ Đaklak mới xuống Đà Nẵng. Chị Lan chủ quán tâm sự cô Hà này đang mang bầu đứa đầu tiên, có thai được 5 tháng, ít bữa sinh con chắc lại phải nhờ bác rồi. Tất nhiên tôi không nỡ từ chối ! Chồng cô này có cái tên hơi ngồ ngộ: Châu Trường Rớt. Nghe đâu do bà mẹ đẻ rớt cậu này hồi chiến tranh.

Cô Hà là kế toán của một cơ quan cấp huyện nào đó ở Đaklak. Rồi đến ngày cô này chuyển dạ. Tôi nhớ đó là một buổi sáng chủ nhật. Trời nắng đẹp mà không gắt. Đứa bé trai tôi giúp sinh ra rất kháu khỉnh được 3.2kg. Nhưng sau khi sinh xong, tôi phát hiện ra đây là một trường hợp “nhau bám chặt”. Giải thích sơ qua để các bạn ngoài ngành y hiểu, nôm na là bánh nhau bám chặt vào tử cung của người mẹ rất khó bóc ra. Nếu xui hơn mà bị “nhau cài răng lược” thì phải giải phẩu cắt luôn tử cung của sản phụ mặc dù đứa bé đã được đỡ đẻ an toàn xong rồi. Nói chung đó là một ca đẻ khó.

Cuối cùng thì cũng mẹ tròn con vuông. Gia đình bà chủ quán café hôm đó có giỗ ông bà nội đứa nhỏ (nghe đâu cả hai ông bà đều bị chết cùng một ngày trong một trận càn trong chiến tranh chống Mỹ). Sau đó bên gia đình họ sang thăm cháu bé rất đông, ai cũng rất yêu quý thằng bé. Chỉ có điều lạ là không thấy bố đứa trẻ. Tôi có hỏi thăm thì họ bảo cậu ấy bận đi công tác xa.

Những ngày hậu sản sau đó bà chủ quán café xin cho mẹ con cô Hà nằm lại trạm xá 1 tháng luôn với lý do là bên đó buôn bán đông đúc chăm sóc không tiện. Gia đình họ cũng chu đáo thuê hẳn một người giúp việc lo chăm sóc cho mẹ con cô Hà . Trạm y tế bố trí hẳn cho mẹ con cô này một phòng riêng. Nhiều ngày đi khám cho cháu bé, tôi lại thấy cô Hà nằm quay mặt vào tường hai mắt đẫm lệ. Tôi cũng không tiện hỏi kỹ chỉ đoán là do sinh nở mà không có chồng, không có ba mẹ bên cạnh nên tủi thân mà thôi…

Mọi chuyện trôi qua êm ả cho đến ngày thứ 10 sau sinh. Sáng hôm ấy khoảng tầm 9 giờ, chị Lan chủ quán hớt hơ hớt hải chạy sang gặp tôi vừa thở hổn hển vừa nói: “Ui chao! Chết rồi bác Dũng ơi. Hôm nay tui nói thiệt không dấu bác nữa. Cô Hà này chỉ là bồ của thằng Rớt em chồng tui thôi. Vì vợ nó bị bệnh phải cắt cả cụm tử cung buồng trứng. Vợ chồng nó không có con nên cứ lục đục mâu thuẫn mãi.

Tụi nó chuẩn bị ly dị nhau mà chưa xong. Thằng Rớt léng phéng với con Hà này cùng một cơ quan lỡ có bầu nên gia đình cũng đành chấp nhận. Vì dòng họ nhà chồng tui cũng khó về đường con cháu quá. Hôm con Hà sinh vì con cháu về dự đám giỗ ông bà nội đông nên con Tám vợ thằng Rớt biết tin. Bây giờ tui nghe tin trong Đaklak báo ra là con Tám nổi cơn ghen đang dẫn một băng đánh ghen thuê của chợ Đaklak ra Đà Nẵng thề sẽ rạch mặt con Hà này. Làm sao chừ bác ơi, bác giúp tui với?

Đem về nhà tui trốn không được rồi, con Tám nó phát hiện ra ngay. Khoảng 1 giờ nữa là bọn nó tới nơi rồi. Mà con Hà bị hành hung rạch mặt thì chết, còn thằng cu nhỏ nữa làm răng hở trời!?”. Chà một câu hỏi khó cho bác sĩ rồi! Về chuyên môn thì tôi không ngán ngại gì. Ngặt nỗi đây là một tình huống không hề được dạy trong bất cứ giáo trình y khoa nào!!!

Trong cơn bối rối, chị Lan chủ quán café phân bua xong bỏ chạy về nhà để lo thu xếp. Tôi chạy sang bên quán thấy chị Lan đóng cửa đi đâu mất tiêu, chắc bà đi lánh mặt rồi đây. Tôi vội hội ý với mấy chị y tá và nữ hộ sinh trong trạm y tế xem ai có thể giúp đưa cô Hà này tạm lánh đi đâu được không. Ai cũng có lý do để không giúp được cả! Mà đi báo công an sao? Lý do báo là đề nghị công an đến ngăn chặn một vụ đánh ghen mà thậm chí bản thân tôi chưa biết đầu cua tai nheo ra sao à?! Với lại không khéo cô Hà này “chờ được vạ thì má đã sưng” thì khốn!

Tôi chỉ lo trong cơn giận ghen tuông khủng khiếp của cô Tám, cô Hà này đặc biệt là cháu bé bị làm sao thì nguy lắm. Mà nhìn cô Hà mới tội nghiệp làm sao, Hà ôm chặt thằng nhỏ trên tay, mặt mày xám ngoét run cầm cập, nước mắt chảy dài nức nở : “Bác Dũng cứu em với, em sợ quá…huhu…”

Chao ôi đến nước này là không xong rồi! Thấy người gặp nguy mà không cứu à? Tôi vội tức tốc chạy về nhà. Nhà tôi cách trạm y tế khoảng hơn một cây số mà thôi. Lúc này vợ tôi (cũng là bác sĩ) mới sinh con đầu lòng được 2 tháng.

Tôi kể nhanh tình hình và hỏi xem có thể đem mẹ con cô Hà về nhà mình tạm lánh một vài bữa được không. Bây giờ kể lại chuyện này mới thấy nể và thương vợ mình. Vợ tôi đồng ý cái rụp, nói anh chạy nhanh lên chở mẹ con cô Hà về nhà mình tạm lánh một vài ngày rồi tính. Rứa là tôi phóng xe như bay quay lại trạm y tế. Cô Hà quấn thằng con trong một chiếc khăn lớn, lấy một cái nón lá che nắng thằng bé, ngồi lên xe của tôi.

Thế là có một vụ bác sĩ chở sản phụ đi trốn đánh ghen vô tiền khoán hậu! Tôi phải chạy đường tắt vào các ngõ nhỏ hẹp để tránh đụng phải băng đánh ghen thuê đang bừng bừng nổi giận đó.

Về đến nhà mẹ tôi tròn mắt ngạc nhiên quá đỗi khi thấy bỗng dưng tôi chở về một cô gái lạ hoắc lại thêm một thằng cu kháu khỉnh nữa! Mẹ tôi lúc đầu chưa hiểu, sợ tôi lỡ dại đâu bây giờ đem hậu quả về mới chết chứ. Vợ tôi thu xếp một nửa cái giường cho mẹ con cô Hà này nằm chung luôn. Nhà tôi hồi đó còn vất vả lắm, nhà chật chội chỉ có hai cái gường, một cái để mẹ tôi nằm, một cái vợ tôi và bé mới sinh nằm mà thôi…

Bố trí xong tôi dặn mẹ đóng cửa lại ai gọi cũng không mở cả. Tôi quay lại trạm y tế. Vừa lúc cô Tám từ Đaklak đến nơi vào xin gặp bác sĩ trưởng trạm. Nhìn sang bên kia đường, tôi thấy lố nhố 2-3 bà mặt mũi dữ tợn, son phấn lòe loẹt. Tôi nhận thấy cô Tám này là một phụ nữ nhỏ nhắn, mặt mũi trông cũng không đến nỗi nào. Chao ôi cũng phận đàn bà với nhau thôi mà. Nhưng nhìn thần sắc tôi đoán cô này đang nổi máu Hoạn Thư, lúc này đang giống quả bom nổ chậm vậy! Nhiệm vụ tôi phải gỡ bom cái đã!

Tôi mời cô Tám ngồi và nhã nhặn hỏi tìm tôi có việc gì không. Cô Tám hỏi tôi cách đây 10 ngày có ai tên Hà đến trạm y tế sinh con không . Tôi thản nhiên hỏi họ tên và lật sổ ghi chép tên bệnh nhân ra dò tìm một cách chăm chú và trả lời: không có ai tên Hà như chị hỏi đến đây sinh đẻ cả!

Nói dối để cứu người là không có tội các bạn nghe. Với lại tôi hoàn toàn có quyền bảo vệ bí mật riêng tư về tình trạng sức khỏe cũng như bệnh tật của bệnh nhân, đây là điều được pháp luật cho phép đàng hoàng.

Cô Tám khăng khăng là có nghe bà con nói rằng cô Hà này sinh con xong và đang nằm ở trạm y tế này nữa kia. Chết tôi rồi! Hết sức trấn tỉnh, tôi thản nhiên đáp : “Làm chi có! Tôi cho phép chị đến khu hậu sản tìm thử nhé, xem có gặp được không.”

Cô Tám tức tốc lao đến phòng hậu sản tìm ngay, vào luôn cả phòng vệ sinh để tìm xem tình địch có trốn không . Mà làm gì có! Bác sĩ là thằng tôi đã chở đi trốn mất rồi. Sau một hồi tìm kiếm không kết quả, cô Tám kéo băng mặt rô đánh ghen thuê bỏ đi. Hết giờ làm tôi vội ra về. Kể lại chuyện mà em Hà xám ngoét mặt mày, run như cầy sấy…

Thiệt tình tôi thấy thương cảm cho cô Tám nọ. Cô cũng là nạn nhân theo nghĩa nào đó. Chao ôi chỉ vì tình yêu không chia sẻ được mà thôi! Nói chung con người cũng vẫn còn mang bản năng của sinh vật là chiếm hữu chứ không thể chia sẻ bạn tình! Tôi hoàn toàn hiểu được tâm trạng của người vợ là cô Tám. Trách là trách cậu Rớt kia đã xử sự không vẹn toàn…

Mấy ngày sau đó tôi phải đi chợ và lo ăn uống cho vợ tôi mới sinh và thêm mẹ con của cô Hà nữa. Đến bữa ăn, cô Hà lại tủi thân nước mắt chảy dài, mẹ và vợ tôi lại phải dỗ dành Hà cố gắng ăn uống để có sữa cho thằng bé bú. Cửa nhà tôi thì phải luôn đóng im ỉm, có người tới hỏi thăm hay bệnh nhân đến nhờ bác sĩ khám bệnh cũng sợ giật thót.

Ai ở trong tình huống đó mới thấy thiệt trớ trêu! Đúng là bác sĩ chở bệnh nhân đi trốn một trận đánh ghen là hơi bị hiếm. Mà đúng là cô Tám đã đi dò hỏi xem những người bà con của cô Lan chủ quán thử có chứa chấp mẹ con em Hà nhưng hoàn toàn bặt vô âm tín. Cô Tám hoàn toàn không ngờ là ông bác sĩ mặt mũi trông cũng hiền từ mà mình hỏi hôm trước lại chính là kẻ che dấu tình địch của mình!

Khoảng 3 ngày sau khi tôi dẫn em Hà đi trốn, lúc này nghe đâu cô Tám do không tìm ra tình địch đã trở về Đaklak. Vợ chồng chị Lan chủ quán café thuê một căn phòng để đưa mẹ con em Hà về tá túc, chứ ở lâu tại nhà tôi cũng không tiện lắm. Một buổi sáng sớm, em Hà lại quấn con trong một bọc khăn lớn, nước mắt vòng quanh bịn rịn chào và cảm ơn gia đình tôi rồi lên xe đi tiếp...

Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt. Vài tuần sau tôi phải tiếp một chị đại diện Hội Phụ nữ phường đến hỏi xem có cô Hà sinh đẻ tại trạm y tế hay không do yêu cầu của Hội Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đề nghị xác minh thông tin. Té ra cô Tám khi về Đaklak đã phát đơn kiện cậu Rớt vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng đến các cấp chính quyền trong ấy. Tôi vẫn trả lời với Hội Phụ nữ là không có cô Hà nào như thế đến trạm y tế sinh…

Tuy nhiên ba tháng sau có một anh đại diện của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đến tìm tôi làm việc. Tôi xem giấy giới thiệu của tòa án, hỏi mới biết là tòa án Đaklak đang thụ lý vụ kiện của cô Tám mà bị đơn là cậu Rớt! Đến đây thì tôi không từ chối được nữa.

Theo đúng quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp thì bí mật liên quan đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chỉ được bác sĩ cung cấp khi các cơ quan bảo vệ pháp luật có trưng cầu. Chứ thật ra đối với các hội đoàn thể và các cá nhân nhân khác tôi hoàn toàn có quyền từ chối và giữ bí mật cho cô Hà.

Anh đại diện tòa án sau khi xong việc đứng dậy vui vẻ bắt tay chào và đồng tình với cách xử lý thông tin của tôi khi bảo vệ bí mật cho bệnh nhân. Các bạn thấy đó, lúc ấy tôi là một bác sĩ trẻ mới ra trường mà có cách xử lý phù hợp là không dễ tí nào, chứ bây giờ thì kinh nghiệm đầy mình rồi.

Hơn một năm sau vụ bác sĩ chở bệnh nhân đi trốn đánh ghen, vào một buổi chiều chị Lan chủ quán dẫn người em chồng là cậu Rớt mà tôi chỉ nghe tên chứ chưa gặp mặt bao giờ đến trạm y tế. Anh Rớt này vừa khóc vừa cám ơn tôi đã cưu mang cho vợ con anh ta trong lúc nguy khốn. Hỏi chuyện tôi mới biết, tòa án Đaklak đã xử cậu Rớt này 9 tháng tù cho hưởng án treo vì vi phạm luật hôn nhân một vợ một chồng.

Sau đó anh Rớt đã tiến hành xong thủ tục ly dị với cô Tám và đã tổ chức đám cưới với cô Hà rồi. Và một điều khá thú vị là họ lấy tên của tôi để đặt tên cho thằng bé, như là một sự tri ân đối với tôi và là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của họ. Năm nay (2014) thằng bé Dũng đúng 20 tuổi đây.

Cũng lâu lắm rồi, do tôi chuyển cơ quan công tác không có dịp gặp lại chị Lan chủ quán café. Quán cũng đã nghỉ bán do được giải tỏa chỉnh trang đô thị. Tôi cũng không biết vợ chồng cậu Rớt và Hà ra sao sau biến động đó. Hy vọng là họ sống yên ổn hạnh phúc. Tôi cũng mong cô Tám tìm lại được sự bình yên sau những sóng gió ngày ấy.

Trong cuộc đời đôi lúc ta không có cơ hội được chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái sai và cái đúng. Nhiều lúc ta chỉ được phép chọn lựa giữa cái sai ít và sai nhiều mà thôi. Lúc chở cô Hà đi trốn tôi cũng suy nghĩ nhiều. Tôi hoàn toàn không tán thành câu chuyện quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân, càng không phải là kẻ đồng lõa của cô Hà và cậu Rớt.

Nhưng tôi thông cảm thật sự với sự thua thiệt của cô Hà trong giây phút đó. Nếu không chở Hà đi trốn không biết hậu quả gì sẽ xảy ra. Biết đâu trong cơn nóng giận, cô Tám lại gây nên tội, nhẹ nhất là phạm tội hành hung làm nhục người khác, rồi lại phải chịu sự phán xét của pháp luật mà mẹ con cô Hà chưa chắc đã được an toàn.

Sau này có một chị đứng tuổi tình cờ biết câu chuyện này, chị trầm ngâm bảo với tôi rằng “Vợ chồng em thật ra đã giúp cho cô Tám nhiều hơn, đó là đã giúp cô này tránh làm một điều ác”. Tôi ngẫm rằng, thôi thì ngăn cản không để một điều ác xảy ra thì chẳng phải ta đã làm một việc thiện đó sao?

Hai mươi năm qua, chắc có nhiều thay đổi trong số phận của các nhân vật trong câu chuyện mà tôi vừa kể trên. Trong hoàn cảnh như vậy, đúng sai thì các bạn chia sẻ nhé. Riêng đối với tôi thì quả là một trãi nghiệm khó quên trong nghề nghiệp của mình. Tôi đoan chắc cũng sẽ có nhiều người sẵn lòng giúp đỡ cô Hà trong tình huống ấy, nhưng đặt trong địa vị là một bác sĩ tại một cơ sở y tế công lập thì cũng hơi bị lạ.

Đâu phải bác sĩ chỉ có khám chữa bệnh phải không các bạn? Tôi nghĩ rằng trau dồi kiến thức và học tập để hoàn thiện nghề nghiệp là việc làm của cả đời người. Nhưng điều mà người thầy thuốc không thể thiếu đó là tình yêu thương và lòng trắc ẩn đối với mọi người. Hãy cố gắng làm một việc thiện dù đó chỉ là một việc rất nhỏ.

(*)Toàn bộ tên của nhân vật đã được thay đổi.
Sức khỏe & đời sống (Theo Sức khỏe & đời sống)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem