Kỳ lạ: Lãnh đạo IMF, WB bay vé phổ thông, thứ trưởng Việt ngồi thương gia

Phương Linh Thứ ba, ngày 30/10/2018 14:37 PM (GMT+7)
Lãnh đạo các nước cho Việt Nam vay tiền thì bay vé phổ thông trong khi Việt Nam, nước đi vay thì ngồi hạng thương gia.
Bình luận 0

Đó là câu chuyên bi hài được chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói lên tại tọa đàm "Góc nhìn chuyên gia về dự thảo dự toán ngân sách nhà nước 2019" tổ chức ngày 29/10.

img

Lãnh đạo các nước cho Việt Nam vay tiền thì bay vé phổ thông trong khi Việt Nam, nước đi vay thì ngồi hạng thương gia.

Ông Lê Đăng Doanh tỏ ra lo ngại vì chi thường xuyên của ngân sách Việt Nam. Mức chi thường xuyên theo dự toán năm 2019 theo ông đang dưới 64% tổng chi ngân sách, giảm so với một vài năm trước. 

Tuy nhiên, ông chỉ ra lo lắng, nhiều khoản chi trùng lặp, không cần thiết và quá sức chịu đựng nền kinh tế.

Ông lấy ví dụ, nhiều nước quy định khắt khe, lãnh đạo đi công tác bằng máy bay, thời gian bay quá 8 tiếng thì mới được ngồi hạng thương gia để đảm bảo người đó có thời gian nghỉ ngơi, làm việc. Hoặc với Ngân hàng Thế giới, theo ông, lãnh đạo cũng chỉ được ngồi hạng thương gia với chuyến bay dài từ 5-7 tiếng.

Tuy nhiên, với Việt Nam, quy định hiện tại cho phép các thứ trưởng được ngồi hạng thương gia ngay cả với chuyến bay ngắn từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chưa tới 2 tiếng.

“Giám đốc IMF, WB, đại sứ các nước cho ta vay, họ đi hạng phổ thông, ngồi với nhau. Thứ trưởng của ta thì ngồi thương gia” ông nói.

Ông cho rằng, cần xem xét lại nghiêm túc các tiêu chuẩn để làm sao đảm bảo thông lệ quốc tế và không quá sức chịu đựng nền kinh tế.

Theo ông Doanh, mức độ công khai minh bạch của ngân sách Việt Nam còn kém xa chuẩn quốc tế. Ví dụ là quyết toán ngân sách ở các nước như Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc có thể hàng nghìn trang thì Việt Nam chỉ khoảng chục trang. 

Nhìn vào quyết toán, theo ông, ngay cả chuyên gia muốn truy cũng không thể làm gì vì không biết ai chi cái gì, hiệu quả ra sao.

Chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường đồng tình với cái nhìn này. Theo ông, điều này thể hiện ngay cả trong dự toán. Cụ thể, dự toán ngân sách năm 2019, tổng chi vẫn chỉ là con số chung chung trong khi theo quy định cần ghi rõ chi từng lĩnh vực ra sao.

“Ví dụ như chi đầu tư phát triển phải được nêu rõ chi tiết từng lĩnh vực nhưng dự thảo chỉ nói con số chung” vị này  lên tiếng.

Vị này cũng cảnh báo, ngân sách vẫn phải trả khoản nợ gốc không nhỏ và để chi trả, Việt Nam vẫn phải đảo nợ, nghĩa là đi vay để trả. 

Ông cảnh báo, mức bội chi hiện 3,6%GDP, thấp hơn nhiều so với những năm trước nhưng đây không phải là điều thần kỳ mà do cách tính khác nhau.

“Luật cũ ta tính cả nợ gốc trong bội chi nhưng luật mới ta không tính trả nợ gốc vào. Ta không thần kỳ quá khi hạ bội chi nhanh” vị này lên tiếng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem