Kỳ lạ nước không trồng mía vẫn xuất khẩu đường sang Việt Nam

Thanh Phong Thứ tư, ngày 16/12/2020 06:30 AM (GMT+7)
Thời gian qua, lượng đường nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng đột biến, trong đó, Malaysia là quốc gia không trồng mía vẫn xuất khẩu đường sang Việt Nam.
Bình luận 0

Số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 10/2020, sau khi có quyết định điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, số lượng nhập khẩu đường vào thị trường Việt Nam gia tăng đột biến.

Cụ thể, tổng lượng đường nhập khẩu trong tháng 10 là 277.632 tấn, lớn hơn gấp 2 lần lượng đường nhập khẩu bình quân hàng tháng trong 9 tháng trước đó là 116.353 tấn.

Đáng lưu ý, theo nhận định của VSSA, hiện tượng đặc biệt khác lạ khi khối lượng đường nhập khẩu không chỉ phá kỷ lục với đường nhập từ Thái lan mà cả từ các quốc gia Campuchia, Malaysia và Indonesia vào Việt Nam đều đạt mức phá kỷ lục.

Kỳ lạ nước không trồng mía vẫn xuất khẩu đường sang Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều nước không trồng mía, sản xuất không đủ vẫn xuất khẩu đường số lượng kỷ lục sang Việt Nam

"Malaysia là quốc gia không trồng mía còn Indonesia và Campuchia là các quốc gia sản xuất không đủ và phải nhập khẩu đường (net sugar importer). Như vậy, trong tháng 10/2020, đã ngay lập tức xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của lẩn tránh phòng vệ thương mại dù mới chỉ trong giai đoạn điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường.

Trong tháng 11/2020 chúng tôi chưa có số liệu của Tổng cục Hải quan, nhưng thông tin từ các nhà buôn đường quốc tế cho thấy một khối lượng đường lớn vẫn tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam, kể cả trong hoàn cảnh nguồn cung đường Thái Lan đã cạn dần và giá tăng theo giá thế giới", ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký VSSA cho hay.

Trước đó, ngày 21/09/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Với động thái trên giá đường trong nước đã cải thiện được một phần, mang đến hy vọng cho nông dân trồng mía và nhà máy trong công tác chuẩn bị vào vụ 2020 - 2021.

"Tuy nhiên giá đường vừa mới được cải thiện đôi chút đã lập tức bị khối đường khổng lồ từ nhập chính ngạch và nhập lậu dìm giá xuống, khiến ý định của các nhà máy muốn nâng thêm giá mía đến mức kỳ vọng để khuyến khích nông dân chăm sóc và phát triển trở lại diện tích mía gặp trở ngại lớn và hầu như không thể thực hiện được.

Một số nhà máy đã công bố chính sách thu mua và giá mía cho vụ 2020/21 có cải thiện so với vụ trước 2019/20 nhưng vẫn còn khoảng cách so với giá mua mía kỳ vọng của nông dân các vùng miền trong nước. Giá mua mía của Việt Nam vẫn là giá mía thấp nhất trong khu vực", đại diện VSSA thông tin.

Kỳ lạ nước không trồng mía vẫn xuất khẩu đường sang Việt Nam - Ảnh 2.

Đang có những hình thức gian lận thương mại mới với ngành mía đường?

Ngoài vấn đề gian lận thương mại kiểu mới, một số nhà máy đường có dự án điện sinh khối còn đối mặt với khó khăn trong việc bán điện. Cụ thể, theo Thông tư 16/2020/TT-BCT ngày 07/07/2020 của Bộ Công Thương đã quy định các dự án điện sinh khối đã vận hành phát điện trước ngày 25/04/2020 được ký lại hợp đồng.

Qua đó, áp dụng giá mua bán điện quy định tại khoản 9 điều 1 quyết định số 08/2020/QĐ-TTg kể từ ngày 25/04/2020 đến hết thời hạn còn lại của hợp đồng mua bán điện đã ký.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ phía VSSA, hơn 3 tháng đã trôi qua vẫn chưa có công ty nào trong ngành đường ký được hợp đồng mua bán điện với giá mới. Các nhà máy này còn phải đối mặt với khó khăn ngay trong việc triển khai một chủ trương lớn của nhà nước để hỗ trợ ngành đường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem