Kỷ luật 6 cán bộ tố tụng vì… bỏ lọt tội phạm

Thứ bảy, ngày 14/11/2015 08:23 AM (GMT+7)
Ngoài việc kỷ luật 6 cán bộ tố tụng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên cũng yêu cầu phục hồi điều tra vụ án do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Bình luận 0

Ngày 13.11, một nguồn tin cho biết Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành các quyết định kỷ luật 6 cán bộ tố tụng về mặt Đảng. Những cán bộ này có liên quan đến việc đình chỉ điều tra trái quy định vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Sông Hinh.

Đình chỉ điều tra trái pháp luật

Theo các quyết định trên, các ông Võ Minh Thụy (Huyện ủy viên, Viện trưởng VKSND huyện Sông Hinh), Đinh Văn Bình (Đảng ủy viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Sông Hinh) và Vũ Văn Huân (kiểm sát viên VKS huyện) bị kỷ luật khiển trách. Các ông Lê Thành Lũy (Đảng ủy viên, điều tra viên Công an huyện Sông Hinh), Huỳnh Xuân Quang (Đảng ủy viên, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Sở NN&PTNT - giám định viên tư pháp) và Nguyễn Văn Phương (Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng phòng Nông nghiệp Sở NN&PTNT - giám định viên tư pháp) bị kỷ luật cảnh cáo.

Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật về mặt chính quyền đối với sáu cán bộ trên.

Theo UBKT, các ông Huỳnh Xuân Quang, Nguyễn Văn Phương đã thiếu trách nhiệm khi giám định vụ án tham ô tài sản tại BQL rừng phòng hộ huyện. Cụ thể là giám định và kết luận sai bằng cách nâng khống gấp đôi chi phí nhân công để giảm số tiền sai phạm cho ông Võ Trọng Bình, Phó ban phụ trách BQL rừng phòng hộ. Quá trình chỉ đạo điều tra vụ án, ông Đinh Văn Bình đã thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, không phát hiện kết luận giám định sai, trực tiếp ký kết luận điều tra, quyết định đình chỉ điều tra vụ án trái quy định pháp luật.

Tương tự, ông Võ Minh Thụy cũng chưa làm hết trách nhiệm, thiếu kiểm tra, không phát hiện kết luận giám định tính sai giá trị, đã thống nhất với công an huyện xác định hành vi của ông Võ Trọng Bình không đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản, dẫn đến không cấu thành tội phạm; đồng ý với công an huyện đình chỉ điều tra vụ án trái quy định.

img

Người dân xã Ea Trol, huyện Sông Hinh (Phú Yên) tố cáo sai phạm của ông Võ Trọng Bình và BQL rừng phòng hộ trong buổi đối thoại với lãnh đạo huyện. Ảnh: Tấn Lộc

Yêu cầu phục hồi điều tra

Cùng thời điểm, UBKT Tỉnh ủy Phú Yên cũng có văn bản yêu cầu Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh chỉ đạo phục hồi điều tra vụ án tham ô tài sản trên để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Theo một lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, việc đình chỉ điều tra trái quy định trên được phát hiện sau khi UBKT phối hợp Ban Nội chính Tỉnh ủy tiến hành giám sát Đảng ủy Công an huyện Sông Hinh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo điều tra vụ án tham ô nói trên.

“Đây là vụ tham nhũng lớn với hành vi sai phạm rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, có hệ thống. Cán bộ bảo vệ rừng nhưng đã ngang nhiên, công khai trục lợi, coi thường pháp luật. Khi bị phát hiện thì có hành vi hợp thức hóa tài liệu, chứng từ. Tuy nhiên, khi được giao điều tra để xử lý, cơ quan điều tra đã có nhiều việc làm bất thường như kéo dài thời gian điều tra rồi đình chỉ khiến dư luận bức xúc, dễ cho rằng có việc “chạy án”. Việc đình chỉ điều tra này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm” - vị lãnh đạo trên nhận định.

Theo một lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy, vụ án tham ô trên do cơ quan này phát hiện khi tiến hành kiểm tra các sai phạm đối với ông Võ Trọng Bình. Cuối năm 2013, UBKT chuyển hồ sơ vụ này cho Công an huyện Sông Hinh để điều tra, xử lý. Tuy nhiên, mãi đến đầu tháng 6.2014, Công an huyện mới khởi tố vụ án nhưng không khởi tố bị can. Hơn nửa năm sau, đầu năm 2015, Công an huyện lại ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án với lý do hành vi của ông Bình không cấu thành tội phạm.

Trong khi đó, theo kết luận của UBKT, khi thực hiện giao khoán đất nông nghiệp, lâm nghiệp với thời hạn 50 năm, thay vì giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người dân tại chỗ theo quy định, ông Bình đã chia gần 230 ha đất rừng cho hầu hết cán bộ của BQL, trong đó riêng ông Bình chiếm 18ha. Tiếp đó, thay vì lập dự án, thuê người trồng, chăm sóc rừng theo quy định, ông Bình tự ký hợp đồng khoán 226ha cho cán bộ BQL đứng tên thuê nhân công, thực chất là chiếm luôn diện tích rừng này; trong đó ông Bình (do anh rể đứng tên) nhận hơn 100ha rừng. Ông Bình còn tự đặt ra quy định, thu gần 4,5 tỷ đồng tiền tái tạo rừng từ các hộ nhận khoán và phần lớn đều chi trái quy định.

Ngoài ra, ông Bình còn tự tổ chức khai thác mủ cao su trồng thí điểm, bán lấy tiền bỏ túi riêng. Chưa hết, ông Bình còn “phù phép” biến 1.250m2 đất của Nhà nước giao BQL xây dựng trụ sở làm việc, xưởng chế biến gỗ tại thị trấn Hai Riêng thành cơ sở kinh doanh của riêng gia đình ông. Mặt khác, ông Bình và BQL đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng khi được Nhà nước giao vốn để trồng mới hơn 420ha rừng.

Tấn Lộc (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem