Vụ thảm sát trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Hang Keng Riềng soi rõ những kí ức đau thương!

Lương Kết- Tiến Nam Thứ tư, ngày 17/03/2021 10:18 AM (GMT+7)
Một ngày đầu tháng 3/2021, khi trời chạng vạng tối, nhìn ánh sáng từ điện năng lượng mặt trời phát ra nơi nhà tưởng niệm đang được gấp rút hoàn tất, cựu chiến binh Hồ Tuấn nghẹn ngào: Đài hương ở hang Keng Riềng – nơi ký ức đau thương về vụ thảm sát của quân Trung Quốc cách đây 42 năm, nay đã có ánh sáng.
Bình luận 0

Ấm áp nghĩa tình đồng đội

Những ngày này, ông Hồ Tuấn, cựu chiến binh và một số thành viên của Ban liên lạc Trung đoàn 567 ở Cao Bằng (Trung đoàn 567 là đơn vị đã chiến đấu anh dũng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 với 12 ngày đêm cầm chân địch tại đèo Khau Chỉa, Quảng Hòa, Cao Bằng) luôn tất tả. Ông Tuấn liên tục lái xe từ TP. Cao Bằng chạy hơn 30 km đường đồi núi quanh co để vào khu vực hang Keng Riềng (còn gọi hang Ngườm Hẩu) thuộc thị trấn Quảng Uyên, Quảng Hòa, Cao Bằng để cùng các cựu chiến binh kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng nhà bia tưởng niệm.

Nơi ký ức về vụ thảm sát trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 từ nay đã có ánh sáng - Ảnh 1.

Hang Keng Riềng (Ngườm Hẩu) ở thị trấn Quảng Uyên, Quảng Hòa, Cao Bằng, nơi ghi ký ức đau thương về vụ thảm sát của quân Trung Quốc cách đây 42 năm (ảnh Hồ Tuấn).

Tại hang Keng Riềng cách đây 42 năm, vào ngày 2/3/1979 (tức ngày 5/2 âm lịch), quân Trung Quốc đã dùng súng phun lửa để tấn công sát hại 26 người, trong đó có 20 thương binh nặng thuộc Trung đoàn 567 đang chờ chuyển tuyến trên, số còn lại là y tá, có cả học sinh cấp III lên giúp thương binh.

Sau khi quân Trung Quốc rút những người hy sinh ở hang Keng Riềng đã được đưa đi an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Năm tháng trôi qua, câu chuyện về vụ thảm sát của quân xâm lược dần dần trở thành ký ức, khu vực hang cỏ cây, lau lách mọc um tùm.

"Nơi đây gần như bị lãng quên suốt 42 năm qua, dù nhà dân ở cách hang không xa nhưng chẳng ai đặt chân tới nơi u ám này. Ngay cả bà Tống Thị Thanh, người duy nhất sống sót trong vụ thảm sát năm đó dù nhà chỉ cách khoảng 1km nhưng bao năm qua bà cũng không dám quay trở lại. Thỉnh thoảng có cánh báo chí đi tìm hiểu, những người biết chuyện mới đưa đến đây", cựu chiến binh Hồ Tuấn cho biết.

Từ suy nghĩ tri ân, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, đáp ứng mong mỏi của gia đình thân nhân các liệt sĩ, cũng là để cho chứng tích về sự đau thương không bị lãng quên, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 567 ở Cao Bằng đã có ý tưởng kêu gọi xã hội hóa để xây dựng một nhà bia tưởng niệm.

Nơi ký ức về vụ thảm sát trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 từ nay đã có ánh sáng - Ảnh 2.

Nhà bia tưởng niệm được xây dựng phía dưới hang Keng Riềng (ảnh Hồ Tuấn).

Cựu chiến binh Trung đoàn 567 có ở 24 tỉnh thành, hiện 19 tỉnh, thành đã có Ban liên lạc. "Sau khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương về việc xây dựng nhà bia ở hang Keng Riềng, thông qua Ban liên lạc, chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ của các cựu chiến binh, các nhà hảo tâm. Quá trình đi kêu gọi chúng tôi gặp nhiều câu chuyện xúc động, có những cựu chiến binh dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng vẫn phát tâm ủng hộ, có những đồng chí thương binh đã trích phần tiền thương tật ra để giúp đỡ", ông Hồ Tuấn kể.

Nơi ký ức về vụ thảm sát trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 từ nay đã có ánh sáng - Ảnh 3.

Các cựu chiến binh thăm công trình nhà bia tưởng niệm ở hang Keng Riềng (ảnh Hồ Tuấn).

Dù kinh phí kêu gọi được còn hạn hẹp nhưng vào đầu năm 2021, công trình xây dựng nhà bia ở hang Keng Riềng được khởi công. Nhà bia nằm phía dưới cửa hang. Ban liên lạc cũng cho xây các bậc từ khu nhà bia lên trên hang. Sau 40 ngày thi công công trình đã hoàn tất.

"Quá trình làm chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ của anh em cựu chiến binh, các nhà hảo tâm. Đến nay công trình đã hoàn tất, sẽ cắt băng khánh thành vào ngày 18/3, trùng với dịp 42 năm ngày giỗ của những người đã ngã xuống nơi đây", cựu chiến binh Hồ Tuấn cho biết.

Chuyện của nữ nhân chứng may mắn sống sót

Dù đã 42 năm trôi qua nhưng bà Tống Thị Thanh (quê Quảng Uyên, Quảng Hòa) vẫn nhớ như in những gì đã xảy ra ở hang Keng Riềng. Bà được chứng kiến 2 nữ y tá chiến đấu anh dũng để bảo vệ các thương binh, tiếp đến là cảnh tượng kinh hoàng khi quân xâm lược dùng súng phun lửa bắn lên hang.

Nơi ký ức về vụ thảm sát trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 từ nay đã có ánh sáng - Ảnh 4.

Bà Tống Thị Thanh - nhân chứng trong vụ thảm sát ở hang Keng Riềng cách đây 42 năm (ảnh T.N).

Năm 1979, khi cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra, bà Tống Thị Thanh lúc đó là cô học sinh lớp 10 ở thị trấn Quảng Uyên. Một ngày tháng 2/1979, sau khi cùng gia đình dọn đồ sơ tán lên núi đá, bà cùng các thanh niên quay xuống thị trấn lấy thêm đồ đạc. Được tổ trưởng dân phố vận động ra giúp bộ đội chuyển đạn lên xe, bà và nhóm thanh niên đã không ngần ngại.

Xong việc, bà Thanh và mấy bạn học quay lên trạm quân y của Trung đoàn 567 đóng ngay thị trấn. Thấy nhiều thương binh quá, trong khi y tá lại ít, bà cùng 2 bạn học là Phương Thị Sáu, Nguyễn Thị Thủy tình nguyện ở lại phụ giúp các y tá chăm sóc thương binh. Nhóm bà Thanh hằng ngày giặt giũ, nấu ăn, bón cháo, thay băng cho các thương binh.

Đầu tháng 3/1979, quân xâm lược bao vây thị trấn Quảng Uyên. Trạm quân y của Trung đoàn 567 được lệnh chuyển thương binh lên hang Keng Riềng, cách thị trấn khoảng 1 km.

Nơi ký ức về vụ thảm sát trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 từ nay đã có ánh sáng - Ảnh 5.

Bà Tống Thị Thanh thắp nhang cho các bạn đã hy sinh (ảnh T.N).

Suốt một ngày, bà Thanh cùng mọi người chuyển gần 100 thương binh lên hang, chờ đội vận tải chuyển đi tiếp. Trong hang, ngoài 3 học sinh nhóm bà Thanh chỉ có 2 y tá là Đinh Thị Tuyến (quê Trùng Khánh, Cao Bằng) và Nguyễn Thị Huệ (quê Quảng Hòa, Cao Bằng) chăm sóc các thương binh.

Rạng sáng ngày 2/3/1979, khi trong hang còn 20 thương binh, đang tiếp tục được chuyển đi, quân Trung Quốc phát hiện, bao vây, tập kích hang.

"Lúc đó mờ sáng, chưa rõ mặt người. Một số thương binh vừa ra khỏi hang dừng lại bắn trả, hai chị y tá nấp ở ngay cửa hang bắn, tôi cùng hai bạn nấp phía sau." - bà Thanh nhớ lại.

Hai y tá bắn trả quân địch được một lúc thì bỗng thấy lửa tràn vào, cùng lúc là tiếng nổ lớn. "Tôi ngất đi không biết bao lâu, đến khi tỉnh dậy không còn ai trong hang sống sót, thi thể mọi người đều cháy đen. Nhờ hai bạn Thủy và Sáu nằm đè lên tôi mới may mắn thoát chết", bà Thanh hồi tưởng. 

Nằm im nghe ngóng tình hình hồi lâu, bà Thanh lần xuống khe nước gần đó rửa mặt thì bị quân địch bắt. Bà cùng nhiều người bị nhốt ở thị trấn Quảng Uyên, sau đó đưa sang bên kia biên giới.

Bà Thanh cho biết, nhiều ngày sau mọi người làm công tác tử sĩ xác định có 20 thương binh, cả y tá, học sinh đã hy sinh. Trong 4 thi thể nữ thì chỉ nhận dạng được 3, thi thể còn lại bị cháy đen, không nhận dạng được, mọi người tưởng đó là bà Thanh nên khi mai tang đã ghi tên bà. Sau này, mọi người mới xác định đó là Phương Thị Sáu.

Về phía bà Thanh, đến tháng 5/1979, bà được phía Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), sau đó được đưa về Bệnh viện Quân y 91 (Phổ Yên, Thái Nguyên) chữa trị. Khi về địa phương, bà Thanh được xác định thương tật 41%, xếp hạng thương binh 3/4.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem