Kỷ niệm 63 năm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam: Nơi cất giữ ấu thơ và hy vọng

Đan Anh Thứ bảy, ngày 20/11/2021 12:00 PM (GMT+7)
Mọi người vẫn coi hoa phượng là hoa học trò, vì nở mùa hè, mùa các kỳ thi nối tiếp, mùa nghỉ của học sinh, sinh viên. Nhưng tháng 11 khi đã sang đông, cúc họa mi đang rộ đón ngày Nhà giáo Việt Nam, chưa khi nào tôi nhớ thời đi học, nhớ bạn nhớ thầy cô nhiều đến thế....
Bình luận 0

Nhớ cho cả phần con gái tôi, khi con khóc vì quá mong được đến trường...

"Mờ chồng" ký ức chưa xa

Dùng thuật ngữ điện ảnh này, vì trong tư duy hình ảnh của tôi, thì ngôi nhà cũ, con đường cũ, ngôi trường cũ chưa bao giờ mất, dù hiện thực nó không còn tồn tại. Nó ẩn mờ sau mọi hiện diện hôm nay. Và bất cứ lúc nào, đều có thể hiện ra rõ mồn một, khi tôi tha thiết nhớ. Thật kỳ lạ, trong mọi giấc mơ, hễ tôi mơ nhà mình, trường, khu tập thể của tôi, là toàn hình ảnh thời thơ ấu.

Kỷ niệm 63 năm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam: Nơi cất giữ ấu thơ và hy vọng - Ảnh 1.

Cô giáo Nguyễn Huyền Châu (trái) và Nguyễn Thị Đào (phải) trao iPad Samsung Galaxy Tab A7 Lite cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, hưởng ứng chương trình "Máy tính cho em" tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Hải Trà

Thật tuyệt vời khi lịch sử lặp lại, dù ngôi trường và không gian đã khác. Hai mẹ con tôi được học cùng trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội), có thể tạm coi là "đồng môn", dù sát nghĩa thì phải học cùng thầy. Nhưng có cô giáo nào thời ấy còn đi dạy, khi con vào lớp 1 sau mẹ 35 mùa thu?

Bố tôi, trổ nghề chụp ảnh thạo từ thiếu niên (tay máy đắc lực giúp ông ngoại khi cụ mở hiệu ảnh đầu tiên tại thị trấn Bắc Sơn) chụp các cô giáo, hồi ấy danh quay phim trung ương "oách" lắm, mất công quyết xin cho tôi vào trường điểm khi đã đủ sĩ số, Mẫu giáo Bình Minh gần chợ Bưởi, vừa để tôi được học múa hát, nếp kỉ luật, cũng là tiện đường bố mẹ đi làm ở Hãng phim Tài liệu trên đường Hoàng Hoa Thám.

Cho con đi học cũng để bà nội đỡ vất vả trông 2 cháu trong khi bà nhiều bệnh lâu năm. Quanh khu tập thể không có trường tư. Sắm ca, chậu, khăn mặt cho con, mà sáng nào cũng hò nịnh mãi con mới chịu đi, và 1 tuần thì bỏ. Lý do bỏ tôi sẽ kể sau, đủ một chương dài. Tôi quyết ở nhà với bà, thích hơn, tự do hơn. Bố là người thầy đầu tiên khai tâm, dạy chữ, còn bà nội dạy tôi kỹ năng sống. Dạy cho biết o, a thôi. Chứ không như ngày nay, không học trước thì không theo nổi.

Kỷ niệm 63 năm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam: Nơi cất giữ ấu thơ và hy vọng - Ảnh 2.

Học sinh Thiên Đan vui mừng nhận được thiết bị học online do nhà trường & Ban PH đóng góp, chiều thứ Sáu, 29/10/2021. Ảnh: Hải Trà

Ở trường mầm non tư thục gần nhà tôi, các bé 2 tuổi đã được học chữ và tiếng Anh. Khi tôi đi học lớp 1, đúng nghĩa vỡ lòng. Học ở lớp sau sân kho hợp tác xã, ngay cạnh chùa Hà. Lớp 2 thì mới được sang học tại Trường Dịch Vọng B. Trường là hai dãy nhà cấp 4 mái ngói đỏ, mỗi dãy chỉ 4 phòng. Sân cỏ. Lối đi gạch xây ở giữa tỏa 4 nhánh sang đầu và cuối 2 dãy lớp. Thêm 1 lớp ở dãy nhà hiệu bộ giữa hai dãy lớp.

Trước dãy trung tâm là vườn hoa nhỏ, sân khấu xi măng có cột cờ. Các khối học chia ca sáng và chiều. Mỗi khối chỉ 4 lớp. Trường cấp 2 Dịch Vọng rộng gấp 3 lần, có nhiều cây to, vườn bạch đàn cao vút, quy mô lớn hơn vì hội tụ đông học sinh của Tiểu học Dịch Vọng A (chủ yếu là học sinh cuối làng Hậu, Đồng Xa) bên cạnh lực lượng chính là Tiểu học Dịch Vọng B (gồm thôn Tiền - nay là phố Dương Quảng Hàm - Nguyễn Khánh Toàn mở xây nhà làm đường chạy qua cánh đồng lúa; thôn Trung - nay là phố Dịch Vọng; thôn Hậu (làng cốm Vòng, phố Trần Thái Tông mở cắt ngang) và học giỏi, sáng sủa, hay là cây văn nghệ là các trẻ em của Tập thể Văn công Bộ Văn hóa.

BLV bóng đá Vũ Quang Huy, biên đạo múa Trần Ly Ly, các violinist Trần Vũ Thu Anh, Đào Mai Anh, Đào Hải Thành, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của khu nhà tôi đều có ấu thơ học trường Dịch Vọng. Ngày ấy, hầu hết học sinh đi bộ đến trường. Các bạn dân làng bên kia đường thì đi tắt qua cánh đồng, men mương nước. Ao gọi là "Ao cá Bác Hồ" thành tòa nhà Discovery 50 tầng, 5 hầm để xe. Cánh đồng gần nhà tôi thành chợ xe máy, xa một chút là khu chung cư tên phố Trần Quý Kiên. Con đường đất đỏ ngày ấy thay bằng đường bê tông ồn và bụi bên chợ xe máy. Lúc nhỏ, tôi thấy cái gì cũng to, xa. Nay thì đường mở càng nhiều, càng thiếu, chật. Chung cư, phố mở liên tiếp nuốt chửng những cánh đồng, khoảng trống, song không quy hoạch đồng bộ nên thiếu sân chơi, trường học. Chung cư mở làm gia tăng dân số Hà Nội vì người tỉnh khác tràn về.

Thế hệ tôi, chuyện mặc quần áo cũ, sửa từ đồ người lớn là bình thường, như học bộ sách cũ có lưu chiểu 5 năm vẫn "ngon guồng" vì cả nước chỉ có 1 NXB Giáo dục. Và vào lớp 1 mới bắt đầu cầm bút, cô nắn tay từng đứa tận tình. Cáu lên cô vụt thước kẻ vào lòng tay, mu bàn tay, các khớp ngón... rất đau. Việc vụt tay này kéo lên tận lớp 6. Ngày ấy, kém hay hư chịu ăn thước, úp mặt vào tường, đứng cuối lớp là bình thường.

Không phụ huynh nào kiện, không cô thầy nào bị định chế khung phạt, nhưng trò chăm, lành hơn. Giờ trẻ con khôn hơn, đầy đủ hơn, tiếp xúc thiết bị công nghệ sớm, song học vất vả hơn, tuổi thơ kém sinh động, phong phú. Thường lớp chỉ 40 học sinh. Khi tôi lên lớp 6, học lớp 6G đã là lớp chót, khối chỉ 6 lớp là nhiều nhất. Nay Dịch Vọng B khối 1 tới 9 lớp, mà sĩ số luôn trên 53. Trung tâm huyện Từ Liêm gồm huyện lỵ là thị trấn Cầu Giấy, xã Dịch Vọng, Yên Hòa lên quận Cầu Giấy năm 1997. Đường Nguyễn Khánh Toàn mở cắt một phần nghĩa trang Chùa Hà, mất trường Tiểu học cũ thành trụ sở Công an phường Dịch Vọng. Và trường Tiểu học Dịch Vọng B khang trang xây lên hơn 20 năm nay.

Ngôi nhà chung ấm áp

Nếu tính thời gian thức, thì các học sinh bán trú ngày nay ở trường nhiều hơn ở nhà. Việc giáo dục trẻ là sự kết hợp của gia đình và nhà trường. Quản lý vận hành và duy trì nề nếp của một ngôi trường hơn 2.500 học sinh với những hoàn cảnh đa dạng thật đầy áp lực. Nhưng từ Ban giám hiệu tới các cô giáo của trường Tiểu học Dịch Vọng B luôn tận tụy, ân cần.

Gốc là Trường Cấp 1 Dịch Vọng, năm 1974 tách ra thành Dịch Vọng A  và B, theo địa bàn cư trú mà phân bố  học sinh. Tiểu học Dịch Vọng B nổi bật với  nề nếp  dạy - học tốt, hoạt động toàn diện, bếp - nhà ăn tiêu chuẩn, học sinh và giáo viên đoạt nhiều giải của Thủ đô  và quốc gia. Trường thường xuyên được lên  truyền hình như một điển hình tiêu biểu của giáo dục Hà Nội. Chương trình dạy học cho học sinh trên VTV7 có giáo viên của trường.

3 cô trong Ban giám hiệu đều họ Nguyễn. Hai cô Hiệu phó, cô Nguyễn Thị Đào nghiên cứu lựa chọn thiết kế thực đơn từng tuần cho hơn 2.500 học sinh, cô Nguyễn Huyền Châu quản lý việc học, ký trên giấy khen cho học trò. Cô Nguyễn Thanh Huyền hơn 30 năm kinh nghiệm dạy và quản lý trên địa bàn quận Cầu Giấy, về nhậm chức tại đây đầu năm 2021, năm đầu ở ngôi trường lâu năm và có tiếng nhất quận lại là năm bão táp nhất của chính cô và đồng nghiệp khi phải đối diện, vượt qua mọi trở ngại để tiến hành dạy và học.

Thực đơn niêm yết công khai trên bảng tin gần cổng chính. Lịch sử chưa khi nào trường đông học trò như hôm nay. Dịch Vọng B đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất: hai thư viện trong nhà và ngoài khu nghỉ chung giữa hai dãy lớp, phòng học có điều hòa, sân bóng đá, sân chơi, sân trường có khu vực cho bóng chuyền, đá cầu, bóng rổ, bể bơi, vườn rau của cô trò chăm bón.

Con gái tôi học cô chủ nhiệm đầu đời là cô Quỳnh Anh, cô giáo cứng nghề nhất khối 1, mắt cận và da trắng muốt. Cô ở làng Đông Ngạc, tự lái ô tô đi làm. Con vào lớp 1 bằng khai giảng rút gọn và nghỉ Tết kéo dài. Nghỉ lễ 30/4 ngờ đâu là mốc chia tay năm học đầu đời không trọn vẹn. Không được học đủ, không thi học kỳ 2 mà bù vào tháng 8. Con gái tôi lên lớp 2 không có khai giảng truyền thống, vẫn được an ủi hơn các em lớp 1 liên khóa này.

Cô Hiệu phó Nguyễn Thị Đào, 30 năm trong nghề Sư phạm, chia sẻ: "Những lo toan, vất vả, thách thức chưa từng có tiền lệ". Không được tưng bừng ngày hội tựu trường, các cô vẫn mặc áo dài, trò đồng phục chỉnh tề chào cờ qua màn ảnh tivi trực tiếp Đài Truyền hình Hà Nội. Con gái tôi hát Quốc ca có em trai 4 tuổi phụ họa. Cô chủ nhiệm lớp 2 của con cũng tên Anh - Kim Anh. Anh là trí tuệ, là ánh sáng. Ngày ngày các con được nhận ánh sáng kiến thức từ cô, qua điện thoại, máy tính học trực tuyến.

Nhớ quá, khi con lớp 1, mới mùa xuân 2021, tuần 5 ngày được đưa - đón con đi học. Năm học 2021 - 2022 trôi qua 2 tháng rưỡi mà cô trò chưa gặp mặt nhau. 7 tháng nghỉ học chưa được đến trường, chưa biết ngày nào gặp lại. Cô thầy, các bạn, con nhiều lần khóc.

Lời chúc rưng rưng và những trái tim bồn chồn hy vọng

Tấm ảnh chụp sáng khai giảng 5/9/2021. Ba cô lãnh đạo trường áo dài vàng ngồi trên sân trường vắng, vẫn còn loáng nước mưa, khiến tôi nao lòng khôn xiết. Hàng ngày, BGH vẫn theo sát các lớp, trao đổi thường xuyên với các giáo viên. Thương các con, các cô cố gắng tối đa, dù không thể như khi đi học, triển khai các hoạt động. Vẽ tranh chủ đề phòng chống Covid. Làm clip phát trực tiếp đúng tối Trung thu, trường công phu dựng kịch, hoạt cảnh, có Chị Hằng, Chú Cuội. Khi xem đoạn cô Thanh Huyền tâm tình với các học trò, nhìn cô đứng một mình trên sân cỏ lặng như tờ, tôi rơi nước mắt. Con tôi và triệu cháu nhỏ năm 2021 đã không có Trung thu phá cỗ rước đèn. Bao giờ thì áo trắng quần xanh, áo cam đồng phục tíu tíu đông vui?

Kỷ niệm 63 năm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam: Nơi cất giữ ấu thơ và hy vọng - Ảnh 3.

Kỷ niệm 63 năm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam: Nơi cất giữ ấu thơ và hy vọng - Ảnh 4.

3 cô giáo BGH trên sân trường vắng lặng sáng 5/9/2021. Ảnh: Hải Trà

Năm nay, ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam lần thứ 63 đặc biệt hơn cả. Học trò không được hân hoan tỏ lòng yêu mến chúc mừng các cô thầy, cha mẹ học sinh cũng không được tỏ lòng biết ơn trực tiếp. Ngày tôn vinh nghề trồng người cao quý mà trường của con tôi chỉ có mít tinh online như bao ngôi trường khác chưa được hoạt động dạy - học tại trường. Thương nhớ các cô và xót xa cho các trò. Vì cuộc chiến 2 năm không rõ "quân số" loại virus quái đản chưa từng có.

Kẻ thù không lộ diện, khó khống chế và tiêu diệt hoàn toàn, dù cả thế giới căng thẳng hợp lực cùng chiến đấu suốt 2 năm.

Trên cung đường quen mỗi ngày, dù qua trường của con vắng lặng, con và mẹ vẫn đi chậm, hướng vào. Có lúc con xin phép bác bảo vệ cho vào sân chơi, vào lớp học cũ ở tầng 1, hai mẹ con rưng rưng. Hoa vẫn nở rợp khuôn viên. Các đồ chơi: thuyền, cầu trượt, dây leo mạng nhện... lấm bụi.

Lẽ ra con được học tầng 2 khối lớp 2, mà giờ chưa hề nhận lớp. Có bao nhiêu "lẽ ra" và muôn vàn đảo lộn ngặt nghèo vì Covid-19. Khổ nhất là trẻ thơ. Những em bé nhi đồng học online không phù hợp và vất vả nhất.

Trong xã hội, mọi thời đại, có hai nghề luôn được tôn kính - thầy giáo và thầy thuốc. Lúc này, trong tôi vang ngân câu hát trong ca khúc của bác sĩ, nhạc sĩ, Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn viết về màu áo blouse của "thiên thần áo trắng" ngành Y mà sao hợp với tâm tưởng tri ân của tôi khi nghĩ đến những thầy cô tận tụy và nhân ái mà mẹ con tôi được gặp trong đời: "Vòng tay ấy vòng tay ấm áp cùng sẻ chia/ Đôi vai Cô gánh nặng tình nhân gian". Nhà trường tặng con tôi gạo, bánh Trung thu, đồng phục mới, trang bị cho cháu có phương tiện học trực tuyến. Mùa thu qua, mùa đông đến mà mẹ con tôi không giá lạnh, chính nhờ cổ tích tình đời như thế!

Gửi lời chúc tới các thầy cô mọi cấp học chúng ta đã trải qua bằng nhắn tin qua Zalo, điện thoại sao chất chứa đủ lòng biết ơn, trân quý. Trên sân tòa nhà Discovery và Khách sạn Daewoo, cây thông Noel đã dựng lên. Không lẽ, phải đúng Giáng sinh thì các ngôi trường mới có sức sống đông vui, thầy cô - học trò hội tụ?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem