Ký ức của những cựu chiến binh Sơn La về ngày Giải phóng miền Nam

Văn Ngọc - Quốc Hưng Thứ bảy, ngày 30/04/2022 06:30 AM (GMT+7)
Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, ký ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của những cựu chiến binh trên quê hương Yên Châu (Sơn La), dường như vẫn còn vẹn nguyên. Những câu chuyện của các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mãi là những minh chứng về lịch sử sống động và đầy hào hùng.
Bình luận 0

Clip: Ký ức của những Cựu chiến binh về ngày Giải phóng miền Nam

Về với mảnh đất Yên Châu (Sơn La) chúng tôi được gặp gỡ cựu chiến binh Quàng Văn Thiềng, tiểu khu 2, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu (Sơn La), được nghe ông kể về ký ức của những ngày tháng đầy hào hùng 47 năm về trước. Ông là một trong những thanh niên dân tộc Thái tình nguyện tham gia nhập ngũ. Năm 1972, được biên chế tại Sư đoàn 316 bộ binh.

Tháng 10/1974, đơn vị ông tiến vào miền Nam, chuẩn bị giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP. Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk). Sau khi chiến dịch giành thắng lợi, tình hình an ninh trật tự tại Buôn Ma Thuột ổn định, đơn vị của ông được nhận nhiệm vụ hành quân xuống Tây Ninh, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhớ lại những ngày tháng lịch sử ấy cựu chiến binh Quàng Văn Thiềng không khỏi xúc động.

Ký ức của những Cựu chiến binh về ngày Giải phóng miền Nam - Ảnh 2.

Cựu chiến binh Quàng Văn Thiềng, tiểu khu 2, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (giữa). Ảnh: Gia Hưng

"Bắt đầu chuyển xuống Tây Ninh, chúng tôi nhận lệnh cấp trên là chiến dịch Giải phóng Sài Gòn, mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh. Đơn vị chúng tôi chặn giữ không cho lính của Sư đoàn 25, Việt Nam Cộng hòa từ Tây Ninh xuống ứng cứu căn cứ Đồng Dù và ứng cứu Sài Gòn. 

Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, toàn bộ khu vực đó bị đánh bom, một số đồng đội chúng tôi hy sinh, bị thương. 3 ngày 26,27, 28/4 là ác liệt nhất. Đến ngày 30/4 sóng điện đài bị mất, đến gần 12 giờ đài lên sóng, và nghe giọng nói Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện…Riêng bản thân chúng tôi là những người chiến đấu trực tiếp chiến đấu rất vui sướng, mấy anh em ôm nhau khóc vì quá mừng, đồng bào miền Nam còn tặng bộ đội bánh tét…" Cựu chiến binh Quàng Văn Thiềng nói.

Ký ức của những Cựu chiến binh về ngày Giải phóng miền Nam - Ảnh 3.

Những kỷ vật của cựu chiến binh Quàng Văn Thiềng, tiểu khu 2, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Gia Hưng

Còn đối với cựu chiến binh Lường Văn Chựa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La), từng là chiến sĩ  ở binh chủng tên lửa,  ký ức về quá khứ đã trở thành niềm vinh dự, tự hào suốt 47 năm qua với ông và gia đình. Năm 20 tuổi, ông đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1967 ông và các đồng đội của Tiểu đoàn 52, Trung đoàn tên lửa 267 tham gia chiến dịch 41 ngày đêm tại thành phố cảng Hải Phòng. Đây là đầu mối quan trọng tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ cho quân và dân ta chống Mỹ. Những chiến thắng quan trọng tại đây đã góp phần rất lớn vào việc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ký ức của những Cựu chiến binh về ngày Giải phóng miền Nam - Ảnh 4.

Cựu chiến binh Lường Văn Chựa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (người thứ 2 bên phải sang). Ảnh: Gia Hưng

"Cuối năm 1967, Mỹ mở chiến dịch 41 ngày đêm đánh phá TP.Hải Phòng. Mỹ dồn các loại máy bay đánh phá liên tục 41 ngày đêm. Chúng ta đã chiến đấu anh dũng với quyết tâm bảo vệ cảng Hải Phòng và 2 ngày chúng tôi bắn rơi 3 chiếc máy bay. 

Chúng tôi bảo vệ thành công TP cảng Hải Phòng, được Bác Hồ gửi tặng hoa động viên. Sau đó, đến năm 1972, đơn vị chúng tôi vào Quảng Bình, chiến đấu tại Thụ Lộc, quyết tâm bảo vệ tuyến đường 21 dọc Trường Sơn" cựu chiến binh Lường Văn Chựa cho biết.

Ký ức của những Cựu chiến binh về ngày Giải phóng miền Nam - Ảnh 5.

Chân dung Cựu chiến binh Lường Văn Chựa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La lúc còn trẻ. Ảnh: Gia Hưng

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã có biết bao người con quê hương Yên Châu (Sơn La) tham gia chiến đấu. Có những chiến sĩ tuy không trực tiếp tham gia chiến dịch, nhưng luôn rèn luyện và sẵn sàng tinh thần khi được nhận lệnh 

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Minh, Tiểu khu 3, Thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, Sơn La chia sẻ: Tôi lúc bấy giờ là chiến sĩ kỹ thuật của Quân khu Tây Bắc. Việc chuẩn bị cho giải phóng miền Nam theo kế hoạch là năm 1975-1976. Chúng tôi được học tập để tăng cường lực lượng cho chiến trường miền Nam, lúc này chiến trường miền Nam bắt đầu chiến dịch lớn như chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuật, giải phóng Huế. 

"Ngày 26/4, chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công theo 5 hướng vào Sài Gòn. Chúng tôi là bộ đội kỹ thuật nên cũng thường xuyên được cung cấp thông tin về chiến trường, trong lúc chúng tôi đang miệt mài rèn luyện thì được tin miền Nam giải phóng. Chúng tôi vô cùng vui sướng", cựu chiến binh Nguyễn Đức Minh cho biết.

Ký ức của những Cựu chiến binh về ngày Giải phóng miền Nam - Ảnh 6.

Kỷ vật của cựu chiến binh. Ảnh: Gia Hưng

Những người lính năm xưa của quê hương Yên Châu (Sơn La) giờ đều đã bước sang tuổi 70, khi gặp lại những đồng đội cũ, giữa những ngày tháng 4 lịch sử, trang ký ức ấy cứ lần lượt hiện về như mới ngày hôm qua. Những người cựu chiến binh năm đó vẫn mãi không thể nào quên giờ khắc lịch sử quan trọng, ngày 30/4 ngày đất nước thống nhất hoàn toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem