Có những kỷ niệm nhiều màu, có ký ức chỉ loang loáng và ướt như chuột lột, ấy là những cơn mưa vội tràn lên đường đông đúc. Tôi nhớ mãi những trận mưa xối xả nơi gầm cầu ấy. Cái gầm cầu gần nhà tôi, đi qua con đường mới được trùng tu khang trang, sạch đẹp. Cũng con đường mới ấy lại hình thành một nơi trú tạm cho người đi đường mỗi khi mưa đến.
Mưa vài giọt rồi bất ngờ trút xuống dòng xe máy chưa kịp trở tay. Ôi chao, ước gì có con bốn bánh che mưa che nắng. Ai đó thốt lên như thế dưới gầm cầu. Cũng là mơ đấy mà chưa biết bao giờ có tiền thực hiện. Một tay nào đó đứng trú mưa bên cạnh nhao lên: dào ôi, ước thế thì ai cũng ước được nhé.
Người hô to. Người im lặng. Người thì tranh thủ vài cuộc điện thoại công việc trong lúc không thể di chuyển. Ai muốn mắc mưa đâu. Cũng không thể cố chịu ướt rồi bị ốm. Chẳng đáng đánh đổi đúng không.
Một tốp học sinh lích chích nhí nhảnh, tếu táo đùa vui coi như chuyện trú mưa là vui hết sảy. Người đàn ông già lo lắng bọn trẻ ở nhà không biết lấy đồ phơi ngoài trời vào hay chưa. Đúng lúc điện thoại hết pin. Thôi kệ, có lo thì cũng đã rồi. Nắng mưa là việc của trời phải không.
Đó là gầm cầu, nơi trú mưa tuyệt vời ở Hà Nội. Thà cứ chạy tọt vào đó đứng còn hơn là cố đi một đoạn rồi ướt hết cả người. Nhất là mấy chị hàng rong. Cố mà chạy cho thật nhanh vào nhá. Ôi thôi! Gầm cầu đúng là thiên đường trú mưa của cánh bán rong gần đó.
Cứ thấy gầm cầu là vui vì đỡ ướt. Ở đây họ nói về ướt hàng chứ không phải ướt người. Người ướt thì không sao chứ hàng mà hỏng thì coi như đi tong hết. Hôm đó sẽ buồn lắm. Miếng ăn của cả gia đình trông chờ vào đấy.
Dưới gầm cầu trú mưa. Hàng trăm cảnh người, hàng chục số phận cứ phơi bày da diết. Hầu hết họ đều không mang áo mưa nên buộc phải dừng lại dưới gầm cầu. Cũng bởi Hà Nội ngày nay phát triển hơn, nhiều cầu được xây hơn nên mới có chỗ cho người ta đứng.
Đấy, ai bảo hiện đại là khổ, là chán. Đúng là lượng xe cộ nhiều thì khói bụi nhiều, ô nhiễm hơn nhưng cũng nhờ thế mà có những người lỡ làng có chỗ để che mưa che nắng.
Cái gầm cầu ấy, bình thường cũng là chỗ để mấy chị đẩy xe hàng có chỗ tránh nắng tạm. Hà Nội mà. Đông thì lạnh mà hè thì nóng như thiêu. Mấy người bảo nó bị hấp hơi nên mới thế. Hơi đường, hơi khói xe bụi bặm. Hơi đồ ăn dọn không sạch từ dãy quán nhậu gần đó bay ra. Nhưng vẫn là chỗ che nắng trú mưa lý tưởng.
Đời là thế mà. Có những người phải bám vào gầm cầu mà sống. Lại có người vì chủ quan, cứ nghĩ mình sẽ chạy đua được với cơn mưa trong sấm chớp đì đùng, lại phải chen đầu xe vào trú tạm nơi gầm cầu xôn xao cười nói.
Thỉnh thoảng, tôi lại bị dính trời mưa rồi phải trú ở đây. Dần thành quen trong suốt bao nhiêu năm sống đất này. Trước chưa có cầu thì tôi trú tạm ở mái hiên nhà dân. Đến khi cầu xây lên, một ngã tư sầm uất thành hình, lại có thêm cái gầm cầu khá rộng. Thường thì chẳng ai chú ý đến cái gầm cầu ấy mà chỉ lặng lẽ vút qua, trừ chị công nhân vệ sinh. Chẳng là phải dọn sạch chỗ này vì nếu không sạch thì mùi bốc lên khó chịu lắm. Chị đang nói đến mấy người buồn tình, mang rượu bia với mồi nhậu ngồi chén chú chén anh. Tối nào "đen" thì sáng ra có cả đống rác, làm chị lao công phải dọn.
Nhớ lại, trước kia gầm cầu này cũng um tùm cỏ dại. Gầm cầu gần hồ Tây nên dù có bị chắn bởi dãy nhà cao tầng thì thi thoảng vẫn có cơn gió đi qua ve vuốt nhè nhẹ. Gió hút qua, nghe mùi đặc biệt, mùi vừa hiện đại vừa thôn quê. Bởi quanh đây cây cối nhiều, có cả đền chùa, có cây cối trồng xung quanh, lại cả gió hồ Tây lồng lộng. Người đã ướt vì mưa, gió lại mạnh làm ai đó kêu lạnh. Người mẹ mặc quần áo công nhân đèo con trên chiếc xe đạp. Lạnh đâu con, mát chứ. Thôi cố đợi tí ngớt mưa rồi về mẹ tắm cho, ăn cơm vào ấm ngay.
Cô bé con dạ ngoan ngoãn. Tự nhiên có cái gì âm ấm. Ra là củ khoai lang của chị hàng rong dúi cho. Đằng nào cũng hết buổi bán rồi. Cô cho cháu này ăn đi cho đỡ đói.
Cảnh tượng đó thật tuyệt vời giữa Hà Nội này!
Bài Nhớ những cơn mưa rào ở Thủ đô dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.