Đặng Thùy Tiên (Lai Châu)
Thứ ba, ngày 06/09/2022 09:44 AM (GMT+7)
Hà Nội với tôi không chỉ là một vùng đất thiêng liêng, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm đẹp về tình người trong suốt gần mười năm tôi gắn bó với nơi đây.
Nhớ những ngày đầu tôi đặt chân tới Hà Nội, lơ ngơ lớ ngớ em trai họ tôi nhà bên mạn Triều Khúc, Thanh Xuân ra tận ga Hà Nội đón tôi. Nó hỏi thăm tường tận về trường tôi theo học rồi tính khoảng cách và chở tôi đi dọc con đường Phạm Hùng để tìm phòng trọ đảm bảo tiêu chí vừa an toàn, vừa sạch lại phải hợp với túi tiền.
Đi cả một buổi chiều cũng tìm được một nhà trọ nằm giữa đoạn đường K3, cạnh Cầu Diễn. Em họ đưa tôi đi mua chăn; mua một cái ruột gà để đun nước; một cái bàn học; hai cái chậu nhựa, một cái nhỏ để rửa mặt kiêm rửa rau và một cái to để tắm.
Khỏi phải nói những ngày đầu với tôi thấy hoang mang và hụt hẫng thế nào. Một con chim nhỏ mới ra ràng, đã quen được bao bọc, ủ ê trong sự ấm áp của vòng tay bố mẹ giờ đây phải tự lập tất cả. Sự cô đơn khiến ta phải trở nên dũng cảm, va chạm, vấp ngã, đứng dậy. Sau một tuần thì các phòng trọ trong khu xóm tôi đã được thuê kín.
Căn nhà mang dáng dấp xưa cũ và cao hơn hẳn giáp với căn phòng tôi trọ chia làm hai phòng có năm bạn nam thuê. Phía trước căn nhà là một dãy ba phòng trọ mới xây lợp ngói pờ rô xi măng. Ba phòng này trong đó có tôi, đều là nữ, có tất cả sáu người, hai bạn ở chung một phòng.
Phía cuối cùng của mảnh đất là một dãy hai nhà tắm và vệ sinh. Góc trong cùng cũng là khoảng xanh duy nhất còn sót lại khỏi sự "bê tông hóa", một cây roi tán xòe rộng, trùm cả xuống mái ngói. Cây roi ra quả màu hồng, ăn nhạt thếch lại hay có dòi, nửa đêm roi rụng trên mái lộp độp khiến giấc mộng dang dở giật mình đánh thót.
Chiều hôm sau, cả xóm tụm lại, đội con trai trèo lên cây bứt quả vào xô múc nước, thòng xuống cho đám con gái ở dưới đỡ. Anh Hoan nghịch ngợm ném quả trúng người chị Trang, thế là cả bọn được thể người té nước, người đáp hạt roi ầm ào cả xóm trọ, vui không kể xiết, bao nỗi lo toan ngày thường tiêu biến đi đâu cả.
Vào cuối tháng 10 năm 2008, một trận mưa lớn lịch sử đã khiến cho Hà Nội ngập chìm trong biển nước, sinh viên chúng tôi được nghỉ học đến hơn một tuần lễ. Những ngày tháng ấy chúng tôi sống dựa vào nhau, điện không có thì mua nến thắp, mì tôm lên giá, mớ rau muống cũng trở lên đắt đỏ. Cả xóm chia nhau từng hạt lạc rang muối, từng quả trứng dưới quê gửi lên từ trước đó. Mấy anh sinh viên ở phòng trên cầm rổ rá, đạp xe ra khu Mỹ Đình bắt cá để về cải thiện bữa ăn. Rồi cơn lụt lịch sử nhanh chóng qua mau, đọng lại trong mỗi chúng tôi là những kỉ niệm đẹp của tinh thần tương thân tương ái.
Mỗi cuối tuần chúng tôi thường rủ nhau đạp xe đi chợ Nhà Xanh, chợ đêm Dịch Vọng, đi chơi chợ, xem hàng là chủ yếu chứ tiền ăn còn không đủ, tiền đâu mua quần áo. Có dịp nghỉ lễ mà nhà ở xa, không có tiền xe trở về quê được, cả xóm rủ nhau đạp xe lên bờ hồ Hoàn Kiếm chơi, đi xem cụ rùa nổi, đi xếp hàng chờ mua kem, thế là vui quên nỗi buồn nhớ quê nhà.
Cuối tháng 12 năm 2008, Việt Nam đá trận chung kết với Thái Lan tranh giải AFF Suzuki Cup - Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á, cả xóm tôi có một chiếc ti vi của anh phòng trên đã đi làm nên xem chung, hồi hộp theo đường bóng lăn và vỡ òa khi Việt Nam vô địch với tỉ số 3 - 2. Cả xóm đi xe đạp hòa vào dòng người đi bão ở sân vận động Mỹ Đình. Đường xá đêm hôm ấy vẫn tắc mà mặt ai cũng tươi vui rộn rã trong sắc thắm của cờ đỏ sao vàng tung bay lộng lẫy phố phường.
Sau năm học đầu tiên trọ dưới Cầu Diễn, năm sau tôi chuyển sang trọ ở Trung Văn, ở Phùng Khoang cũng có nhiều kỉ niệm vui buồn cùng xóm trọ, cùng sự che chở và yêu thương của những người xa lạ. Dẫu chỉ là cùng xóm trọ với nhau nhưng ấm áp tình yêu thương như người thân ruột thịt. Những tình cảm đó tôi trân trọng và ghi nhớ suốt đời.
Cảm ơn Hà Nội! Cảm ơn những người anh chị cùng xóm trọ đã cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời!
Bài Xóm trọ ấm tình người dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.