Ký ức Hà Nội: Quán nước đặc biệt trên phố cổ

Đinh Thành Trung (Hà Nội) Thứ hai, ngày 17/07/2023 06:17 AM (GMT+7)
Trong thời buổi cuồng quay tấp nập, quán nước nhỏ bé vẫn tồn tại như một phần của cuộc sống Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bình luận 0

Lúc nào mệt mỏi, tôi thường sà ngay vào một quán nước nào đó. Thói quen suốt bao nhiêu năm ở Hà Nội rồi. Chỉ ngồi ở quán nước cũng làm tôi thư thái hơn nhiều. Quán nước, thứ đặc trưng của người Hà Nội. Đi một hồi, kiểu gì cũng gặp một quán nước truyền thống, nép mình lặng lẽ cạnh con đường tấp nập.  

Tất cả mệt mỏi của con người, bất kể họ vứa trải qua những gì đều cần một nơi nghỉ tạm trước khi bước về căn nhà yêu dấu. Quán nước nằm lọt thỏm giữa vỉa hè ngã tư. Cái ngã tư vẫn thật đặc biệt vì giao cắt giữa cả hai đường ngược chiều.

Quán nước ở Hà Nội muôn hình muôn vẻ, từ những người chỉ quán kê bàn và mấy chiếc ghế gỗ, ghế nhựa, cũng có thể chỉ là một chiếc xe đạp chất đầy những lọ với chai. Đến nơi, họ lấy ra đám ghế kê vội để khách ngồi. Quán nước ngày nay cũng khác với hồi xưa, nhất là từ khi điện thoại thông minh ra đời. Quán nước cũng ship hàng như ai, nhưng tôi vẫn thích cái cảm giác lang thang rồi ngồi lại, mà mọi người vẫn hay gọi là lê la quán xá.

Một chiều mỏi mệt, lại ghé quán nước nơi ngã tư quen thuộc gần bốt Hàng Đậu, cái quán có một chiếc bàn và một cái xe. Quán bán đủ thứ phục vụ từ người già lẫn giới trẻ. Từ chè nóng, chè đá, kẹo lạc, hướng dương cho đến cả trà chanh và trà sữa. Hẳn mọi người sẽ không coi đó là một quán nước điển hình, nhưng thật lạ, nó tồn tại ở đó đã lâu lắm rồi, đủ lâu để hình thành kỷ niệm bâng khuâng, đủ dài để tôi lấy làm cái cớ cho phép mình được hưởng thụ một chút.

Ký ức Hà Nội: Quán nước đặc biệt trên phố cổ - Ảnh 2.

Quán trà đá trên phố Hà Nội. Ảnh Quang Thái.

Quán nước đầu đông. Nơi người với người chẳng biết chẳng quen mà nhìn mặt nhau rồi nở nụ cười khích lệ trong tiết trời lười biếng. Nhấc người dậy làm đi thôi. Không thể cứ oải người được. Tiếng bác xe ôm làm mọi người phấn chấn. Thôi thì một chén trà ấm nóng cũng là một cách để tiếp thêm năng lượng lao vào cuộc mưu sinh trên những con đường tấp nập của Thủ đô. Phồn hoa thật đấy mà cũng lắm phận người. Và tất cả tôi đều có thể tìm thấy ở quán nước.

Đúng vậy. Quán nước có thể coi là một cứ điểm nho nhỏ của bất kỳ ai. Từ cậu sinh viên vùi đầu trong những giờ học căng thẳng cho đến người xe ôm, xe thồ, bán hàng rong, ai ai cũng có thể vào uống chén chè rồi xin thêm cốc nữa mà nhiều khi lại được rót thêm không lấy tiền. Quán nước mà. Nơi dễ đến vài chục năm làm khách quen rồi coi như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. 

Rồi ai đến quán nước cũng có lý do của mình cả. Dù chỉ là nghỉ mệt hay còn vì mục đích nào khác. Mà mỗi người có hai ba mục đích chứ không phải một. Đến quán nước có khi lại được nghe thiên hạ kể chuyện cả ngày. Ai hứng thú thì cứ nghe cho đã chuyện trên trời góc bể bên chén chè và tiếng tí tách của hạt hướng dương hay rôm rốp của kẹo lạc. Chỉ cần thế là chuyện đời, chuyện nghề và cả chuyện tình yêu cứ thế mà tuôn ra tràng giang đại hải. 

Có khi lại nghe được lời tỏ tình ỡm ờ nửa đùa nửa thật của mấy anh chàng với cô chủ quán có hương có sắc. Cô nghỉ rồi con gái cô ra tiếp quản quán nước này. Và kẻ ngẩn ngơ lại là tôi, cậu sinh viên không còn ở cái tuổi ẩm ương nhưng cũng chưa thực sự quá trưởng thành. Tự nhiên có cái gì đó thôi thúc dậy sớm, tập thể dục và ghé quán nước mỗi ngày. Chỉ là dăm ba câu chuyện xã giao thông thường mà đến lúc em đi lấy chồng, chuyển chỗ ở thì cũng coi như mất đi một người bạn mà không phải là bạn.

Quán nước Hà Nội. Hoạt động cả hè lẫn đông, cả mưa lẫn nắng. Khép nép bên lề đường, bên lề cuộc sống. Nhiều người đến và đi. Nhiều người nhớ và quên. Chè chén, kẹo lạc, thuốc lào chào đón bất cứ ai, không phân sang hèn, không cần biết khách đến từ đâu. Cứ ngồi vào quán nước, bạn sẽ thấy có một cái gì đó khác với cuộc sống thường nhật, thấy một phần của xã hội như một quyển sách mở ra và có người đọc cho bạn nghe. Trong thời buổi cuồng quay tấp nập, quán nước nhỏ bé vẫn tồn tại như một phần của cuộc sống Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem