Ký ức Hà Nội: Nhớ về chuyến tầu du học tháng 8 nửa thế kỷ trước

Nguyễn Văn Ất Chủ nhật, ngày 20/08/2023 14:35 PM (GMT+7)
Chúng tôi nhớ lại 50 năm trước, tháng 8/1973, khi tầu hỏa đưa đi du học, chúng tôi còn chưa biết cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới Việt-Trung hình thù ra sao...
Bình luận 0

Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi tốt nghiệp phổ thông. Trong những năm tháng còn chiến tranh bom đạn ác liệt ấy, rất nhiều bạn bè chúng tôi rời ghế nhà trường là phải cầm súng ra trận…

Chúng tôi, một số rất nhỏ, có may mắn là được đi du học. Người đi Liên Xô, người sang Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungari, Ban Lan, Rumania…

Ngày ấy đi du học sang châu Âu toàn đi tầu hoả (trừ một lần vào năm 1969 do chiến tranh biên giới Xô - Trung, anh em đi bằng tầu biển của Liên Xô sang đón ở cảng Hải Phòng đi Vlađivostok, Liên Xô, rồi từ đấy lại đi tiếp tầu hoả vào nội địa Liên Xô hoặc đi tiếp các nước Đông Âu). Chuyến tầu hỏa đưa chúng tôi đi du học khởi hành vào tháng 8/1973, đúng nửa thế kỷ trước.

Trước khi để được lên tầu đi du học chúng tôi có một năm học dự bị tại khoa Lưu học sinh của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Ngày ấy khoa Lưu học sinh này sơ tán về các làng Vô Ngại, Phúc Miếu, Nho Lâm… của huyện Mỹ Hào, Hải Hưng. 

Ký ức Hà Nội: Tháng 8 năm nay nhớ về tháng 8 nửa thế kỷ trước - Ảnh 1.

Một lớp của khoa dự bị Lưu học sinh chúng tôi năm 1973, trước ngày lên tầu hỏa đi du học. Ảnh Tác giả cung cấp.

Qua con kênh đào Bắc Hưng Hải bên kia là thị trấn Kẻ Sặt, nơi có Nhà thờ Công giáo rất lớn. Tháng 12/1972 từ đây, đêm đêm chúng tôi vẫn hướng về Hà Nội nhìn cảnh bom B-52 của Mỹ dội xuống và tên lửa, đạn phòng không đỏ rực trời Hà Nội mà lòng quặn đau, lo cho gia đình và người thân vẫn còn ở đó…

Tháng 1/1973, ký hiệp định Pari. Hoà bình trên miền bắc. Anh em học viên chúng tôi chờ từng ngày để được quay về Thủ đô. Thế mà cũng mãi đến tháng 5/1973 anh chị em mới được rời nơi sơ tán về Thanh Xuân, Hà Nội. 

Tưởng về cơ sở chính của trường thì sinh hoạt sẽ đỡ vất vả! Ai ngờ thiếu thốn đủ thứ, từ những cái tối thiểu nhỏ nhất cũng không có: Cả lớp hơn 20 người sống chung một phòng, không giường chiếu, nằm sàn xi măng, điện lúc có lúc không, nước tắm giặt thiếu, ghẻ, hắc lào đầy da... Thêm vào đó là tư tưởng của một số người có trách nhiệm cho rằng "bọn chúng nó sắp đi nước ngoài, sắp sướng rồi, chịu khổ thế chứ khổ nữa chúng nó cũng không dám kêu đâu! Kệ chúng nó!..."

Những ngày chờ đợi ấy sao mà nó lê thẻ, dài thế... dù chỉ mấy chục ngày! Rồi đến một ngày anh em được lệnh: Kể cả các anh chị nào nhà gần thì tối cũng phải có mặt, sinh hoạt tại ký túc xá. Không được phép vắng mặt! Chúng tôi linh cảm sắp đến giờ "G" rồi đây!

Cuối cùng ngày ấy rồi cũng đến: Cuối tháng 7 năm 1973 chúng tôi được phát va ly và quần áo để chuẩn bị lên đường sang Liên Xô và các nước Đông Âu du học. Mỗi người được phát một cái va ly bằng bìa cát tông ép, bọc vải màu cỏ úa, bộ vét, hai cái áo sơ mi trắng, cái áo len cộc tay, một đôi giày da, một đôi bít tất. Sau khi được phát va ly và quần áo, ai ở gần thì được phép mang đồ về nhà, ai xa thì vẫn phải ở lại.

Tối ngày 02/8/1973 lên tàu ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Ga Hàng Cỏ khi ấy sau các trận bom B-52 cuối tháng 12/1972 mới chỉ được dọn dẹp các phần bị bom đổ vỡ, chưa được tu sửa lại.

Ký ức Hà Nội: Tháng 8 năm nay nhớ về tháng 8 nửa thế kỷ trước - Ảnh 3.

Đoàn cựu du học sinh sau 50 năm gặp lại trên chuyến tầu hỏa "trải nghiệm lịch sử" chụp ảnh tại ga Đồng Đăng và cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, tháng 8/2023. Ảnh Tác giả cung cấp.

Ai nhà gần thì có người thân đưa tiễn. Ai quê xa thì chỉ có một mình. Giờ chia tay bịn rịn, xao xuyến ấy thì người thân của một bạn trong lớp cũng trở thành người thân của các bạn khác khi không có người đi cùng… Thật cảm động…

Khoảng 8 giờ tối ngày 02/8/1973, tầu hoả lừ đừ chuyển bánh trong tiếng thở "phì phò" của đầu máy hơi nước. Tất cả chúng tôi ai cũng cố ngoái ra cửa sổ để như tạm biệt Thủ đô, tạm biệt quê hương… Hà Nội trong ánh đèn tù mù và cái nóng ngột ngạt tháng 6 âm lịch từ từ lùi lại phía sau…

Sáng sớm hôm sau đến ga Đồng Mỏ, Lạng Sơn phải xuống tàu vì một đoạn dài đường sắt bị phá do bom đạn chiến tranh chưa nối lại được. Tụt giày, xắn quần, xách va ly lội men bờ ruộng đi tiếp sang phía đầu kia của ga lại lên tầu.

Qua "ải" Nam Quan vẫn ngồi trên tàu Việt Nam. Đến Bằng Tường thì tầu hoả Việt Nam "thả" đoàn xuống và quay về. Anh chị em chuẩn bị lên tàu "nước bạn". Lúc ấy khoảng 9 giờ sáng, ngày 3 tháng 8 năm 1973.

Đúng 50 năm sau, sáng ngày mùng 5 tháng 8 năm 2023. Mặc cho trời mưa nặng hạt nhưng hơn 100 anh chị em chúng tôi là những người mà tháng 8/1973 đã lên đường du học, hôm nay lại có mặt ở ga Hà Nội lên chuyến tầu để trải nghiệm lại cảm giác lịch sử của nửa thế kỷ trước…

Vì tầu khách Hà Nội- Đồng Đăng- Hà Nội ngành đường sắt đã thôi chạy từ lâu do không cạnh tranh được với ô tô. Nên đoàn tầu hôm nay được lập riêng theo thuê bao trọn gói của đoàn cựu du học sinh. Đoàn tầu đặc biệt hôm nay chỉ có 2 toa và 1 đầu máy!

Các anh chị ngành đường sắt nói với chúng tôi: Đây của là lần tiên ngành đường sắt thấy có một đoàn cựu du học sinh tổ chức được một chuyến đi công phu như thế…

Cảm giác thật đặc biệt! Ai cũng như trẻ lại và hồi tưởng lại những ký ức từ 50 năm trước…

Sau hơn 4 tiếng khởi hành từ Hà Nội, tầu đến ga Đồng Đăng. Chúng tôi phải xuống tầu hỏa ở ga Đồng Đăng để đi tiếp bằng ô tô đến cửa khẩu quốc tế Hữu nghị.

Chúng tôi nhớ lại 50 năm trước, tháng 8/1973, khi tầu hỏa đưa đi du học, chúng tôi không biết cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới Việt-Trung hình thù ra sao. Vì khi đó chúng tôi vẫn ngồi trên tầu hỏa Việt Nam. Thời 1973 ấy, khi tầu Việt Nam tiến vào địa phận Trung Quốc thì chạy rất từ từ cho nhân viên biên phòng và hải quan Trung Quốc đu và trèo lên tầu để kiểm tra và làm thủ tục nhập cảnh cho đoàn du học sinh Việt Nam khi tầu vẫn đang chạy.

Hôm nay, một ngày tháng 8/2023, tròn 50 năm sau lần xuất cảnh du học ấy, đoàn cựu du học sinh Việt Nam chúng tôi phải xuống xe để làm thủ tục rất nghiêm ngặt ở cả hai cửa khẩu biên giới trên đất Việt Nam và Trung Quốc để xuất nhập cảnh.

Sau đó, thay vì bằng tầu hỏa như khi xưa, đoàn cựu du học sinh hơn 100 người chúng tôi lên xe ô tô của phía Trung Quốc để thẳng tiến đến ga Bằng Tường, Trung Quốc.

50 năm đã qua…

Vật đổi, sao dời…

Sắp hết một đời người…

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem