Ký ức Hà Nội: Hương phở ngọt ngào, vị kem thanh mát bên bờ Hoàn Kiếm

Vĩ Dạ (Đắk Lắk) Thứ tư, ngày 16/08/2023 08:05 AM (GMT+7)
Thời gian trôi đi, thấm thoát đã hai năm nhưng ký ức về món phở, những que kem xanh đỏ ở Hà Nội vẫn cứ hiện hữu trong tôi như mới ngày hôm qua...
Bình luận 0

Tôi là một cô bé sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Đắk Lắk xa xôi. Từ bé tôi đã từng ấp ủ ước mơ được đặt chân đến Thủ đô Hà Nội. Có lẽ ước mơ ấy sẽ mãi chỉ là mơ ước nếu tôi không may mắn lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Nét chữ nét người" toàn quốc do báo Tiền Phong và Nhi đồng tổ chức.

Không thể tả xiết tâm trạng vui sướng, pha lẫn hồi hộp của một cô bé từ vùng sâu lần đầu tiên được đến Thủ đô. Mặc dù đã tìm hiểu về Hà Nội thông qua đọc các bài viết giới thiệu về Hà Nội nhưng khi đặt chân đến nơi tôi vẫn có cảm giác ngỡ ngàng và lạ lẫm.

Sau hành trình dài hai ngày một đêm, xe đỗ bến khoảng năm giờ sáng, cả hai mẹ con đều đói lả. Mẹ bảo khi đói thì nên ăn cơm cho chắc bụng, nhưng tôi lại thích thưởng thức món phở Hà Nội. Tôi kể cho mẹ nghe cuốn sách "Hà Nội ba mươi sáu phố phường" của nhà văn Thạch Lam và món phở Hà Nội. 

Ký ức Hà Nội: Hương phở ngọt ngào, vị kem thanh mát bên bờ Hoàn Kiếm - Ảnh 1.

Nhiều du khách khi tới Hà Nội đều thích thú với món phở bò. Ảnh Dân Việt.

Mẹ nghe xong thì gật gù đồng ý. Vậy là hai mẹ con ghé ngay vào một quán phở bình dân gần đó. Mẹ tôi gọi hai bát phở Hà Nội cỡ đại. Trong khi chờ đợi chủ quán múc phở, tôi có dịp quan sát nồi phở to đùng đang bốc khói nghi ngút. Theo làn khói, một mùi thơm ngào ngạt xộc vào tận sâu trong cuống họng, kích thích chiếc bụng đói của tôi réo ùng ục liên hồi.

Một lúc sau chủ quán bưng phở đến. Chao ôi! Không thể cưỡng trước bát phở đầy ú, bánh phở trắng mềm, và nước phở thơm nức có vị ngọt của xương bò hầm hấp dẫn, tôi vội vàng ngắt vài tán lá rau quế bỏ vào bát rồi cứ thế tay trái cầm chiếc thìa múc nước húp xùm xụp, tay phải cầm đũa gạt sợi phở đưa vào miệng. Trong chốc lát bát phở hết sạch, kể cả nước. Mẹ trố mắt nhìn tôi rồi lại nhìn chằm chằm vào bát phở, tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Đó là lần đầu tiên tôi đã ngốn hết một bát phở "khủng". 

Đến tầm quá trưa, khi tôi thi xong, hai mẹ con lại tiếp tục ăn phở, phần vì đi tìm hàng cơm chẳng thấy, phần vì bị món phở thôi miên. Phải nói là tôi đã bị "nghiện nặng"món phở Hà Nội. Tôi có cảm giác thèm ăn phở và ăn một cách không biết chán. Từ lúc ấy, trong mắt tôi, Hà Nội đúng là thành phố của phở vì đi đâu cũng nhìn thấy toàn quán phở.

Chiều về, chúng tôi dạo bước tham quan khu phố cổ. Soi chiếu vào những điều đọc được trong cuốn "Hà Nội ba mươi sáu phố phường" của Thạch Lam, tôi nhận thấy phố phường Hà Nội hiện tại đã có nhiều thay đổi khác xưa. Hầu hết các tên phố đã được thay bằng tên khác và mặt hàng buôn bán ở nhiều con phố không theo tên gọi như khi xưa nữa. 

Như phố Hàng Khoai không bán khoai nữa mà thay bằng bán bát đĩa, phố Hàng Gà thì in thiệp cưới, phố Hàng Đường thì nổi tiếng với mặt hàng Ô Mai – món ăn đặc sản Hà Nội… Chỉ còn một số ít con phố nơi đây vẫn duy trì việc kinh doanh các mặt hàng như ngày trước. Chẳng hạn, phố Hàng Chiếu vẫn còn bán mặt hàng chiếu với sự đa dạng mẫu mã, Hàng Thiếc vẫn bán các mặt hàng liên quan đến thiếc,… 

Quả thật lúc đầu tôi hơi bị hụt hẫng nhưng được mẹ giải thích nguyên nhân nhiều con phố thay đổi mặt hàng là do thích ứng với thời đại (nhiều mặt hàng giờ được bán đại trà khắp nơi hoặc giờ đây đa phần người ta mua hàng online...) thì tôi lại chộn rộn, vui vẻ vì phố cổ ngày nay đã trở thành địa điểm du lịch, một nét đẹp, nét đặc trưng riêng biệt, là niềm tự hào không chỉ của riêng người thủ đô mà còn cho tất cả người dân nước Việt.

Ký ức Hà Nội: Hương phở ngọt ngào, vị kem thanh mát bên bờ Hoàn Kiếm - Ảnh 3.

Tác giả bài viết trong một lần ra Hà Nội. Ảnh Tác giả cung cấp.

Cũng có lần tôi đọc truyện "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam, đoạn Liên hồi tưởng về những ngày bé sống ở Hà Nội, hai chị em Liên được ăn món kem xanh đỏ ở bờ hồ Hoàn Kiếm, lúc đó tôi đã ước một ngày được ăn món kem ấy. Và ao ước của tôi cũng được thực hiện bởi trước khi rời Hà Nội, mẹ dẫn tôi dạo một vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm ăn kem xanh đỏ. Đúng là kem ở đây có vị thơm ngon đặc biệt khác hẳn các loại kem tôi mà đã được thưởng thức. Tôi vừa ngắm mặt hồ xanh thẳm, vừa nhấm nháp que kem mát lạnh, ngọt thanh đậm đà.

Thời gian trôi đi, thấm thoát đã hai năm nhưng ký ức về món phở, những que kem xanh đỏ vẫn cứ hiện hữu trong tôi như mới ngày hôm qua. Vì chuyến đi quá ngắn nên vẫn còn nhiều địa điểm nổi tiếng của thủ đô mà tôi chưa được đặt chân đến như Lăng Bác Hồ, chùa một cột, văn miếu Quốc Tử Giám... Hy vọng một ngày không xa tôi sẽ được quay trở lại Hà Nội để thỏa thích ngắm cảnh và tận hưởng hương vị của Phở Hà Nội và Kem bờ hồ Hoàn Kiếm.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem