Ký ức Hà Nội: Vẻ đẹp của làng quê Sóc Sơn ngày ấy và bây giờ

Đinh Thành Trung (Hà Nội) Thứ bảy, ngày 27/07/2024 12:16 PM (GMT+7)
Sóc Sơn (Hà Nội) là một điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá lịch sử và văn hoá độc đáo ở Thủ đô Hà Nội.
Bình luận 0

Nhớ hồi cách đây hơn hai mươi năm về trước, tôi theo cha mẹ về miền quê Sóc Sơn, nhìn chú bác nâng chén rượu, nói chuyện con trâu cái cày, thật bồi hồi khôn tả.

Hồ Chòm Núi nước xanh mây trắng/ hồ Đồng Quan đi mãi không muốn về. Đó là những cảm xúc rất chân thật của tất cả mọi người trong đoàn khi được khám phá vẻ đẹp bất tận nơi Sóc Sơn xanh lộng gió.

Xanh ngát, xanh mơn, xanh thẳm, biết dùng ngôn từ gì để diễn tả vẻ đẹp nơi ấy? Hồ nước trong lành với phong cảnh sơn thủy hữu tình, với thiên nhiên bao la hùng vĩ, xứng đáng là một điểm đến không thể tuyệt vời hơn cho những ai quen sống nơi đô thị xô bồ.

Từ ngay giữa trung tâm Hà Nội, chiếc xe ô tô của chúng tôi băng băng qua những cung đường rộng rãi. Chỉ qua chừng bốn chục cây số là chúng tôi đã đến vùng đất có rất nhiều điểm vui chơi. Trước đây, không nhiều người biết có một điểm đến có cảnh quan sinh thái đẹp như vậy mà nằm không xa nội thành.

Ký ức Hà Nội: Vẻ đẹp của làng quê Sóc Sơn ngày ấy và bây giờ- Ảnh 1.

Hình ảnh khu đô thị huyện Sóc Sơn ngày nay. Ảnh: D.V.

Nơi chúng tôi đến, thật không thể tin được lại thuộc địa phận Thủ đô. Những ngọn đồi xanh mướt xen kẽ hồ nước trong vắt và thơ mộng, hòa cùng văn hóa đặc sắc và độc đáo. Những ngôi nhà cấp bốn thấp thoáng nhấp nhô ven những cánh đồng, ngọn đồi. Tất cả hiện lên một vùng quê bình dị, yên bình. Rõ ràng thiên nhiên đã ưu đãi vùng đất Sóc Sơn rất nhiều và nơi đây có điều kiện để phát triển ngành công nghiệp không khói.

Tiết trời đầu đông, những cơn gió mùa đông bắc vi vu bay đến, gợi nhớ tôi về suối rừng tươi mát của miền cao. Hồ Chòm Núi hiện lên sống động trong vùng đất đẹp tuyệt vời đó. Hồ nước mơ mộng trong sương sớm lan tỏa, như mời gọi khách phương xa đặt chân đến hàn huyên tâm sự. 

Còn giờ đây, Sóc Sơn vụt sáng, trở thành nơi thu hút nhiều người đến an cư, lạc nghiệp. Vùng đất có bề dày lịch sử ấy đã chuyển mình mạnh mẽ. Sóc Sơn với nhiều di tích, phong cảnh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình đã trở thành điểm đến ngày càng nổi tiếng hơn trong con mắt du khách.

Chúng tôi cảm nhận được bộ mặt nông thôn ở Sóc Sơn đã đổi thay rõ rệt với những con đường bê tông khang trang ở làng, với đèn điện sáng rực và nhà cửa của người dân ngày càng to đẹp hơn. Đó là nông thôn mới kiểu mẫu, là đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên nhiều.

Sóc Sơn gợi đến cho chúng tôi cảm giác trầm lắng mà thanh thản đến không ngờ. Đó là lễ hội Gióng đền Sóc làm bao đôi chân thập phương tụ lại nơi đây. Đó là lễ hội kéo mỏ xã Xuân Thu làm nhung nhớ bao trái tim du khách.

Huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ. Vùng quê thuở nào bây giờ là đầu mối giao thông quan trọng ở phía bắc Hà Nội và có vị thế trong kết nối giao thương với cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, cuộc sống của người dân Sóc Sơn ngày càng thay đổi theo hướng tốt đẹp. Tôi nhớ mãi chuyến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ, khi ấy bà con với những nụ cười hào hứng, trước hết là tăng thu nhập và đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Rồi sau đó huyện quyết tâm trong phát triển không gian văn hóa du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã đạt được nhiều thành công.

Sóc Sơn ngày nay vững bước phát triển kinh tế song hành với nâng cao đời sống xã hội. Sóc Sơn đẩy mạnh phát triển du lịch với bản sắc văn hóa tuyệt vời, với lễ hội và tâm linh, với di sản văn hóa tỏa sáng trong thời đại mới. Nét văn hóa độc đáo của miền đất Sóc Sơn đúng là có sức thu hút đến không ngờ.

Thời nay là hội nhập rồi, trong hội nhập cũng có phần văn hóa. Du lịch đem đến cơ hội để đồng bào Thủ đô ta quý nhau, rồi tìm hiểu đời sống văn hóa của nhau. Đến Sóc Sơn, ta xem như thế, ta thương như thế.

Ký ức Hà Nội: Vẻ đẹp của làng quê Sóc Sơn ngày ấy và bây giờ- Ảnh 3.

Người dân tham dự lễ hội đền Gióng, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Hải.

Cảnh đẹp ở Sóc Sơn mỗi nơi một vẻ. Chùa Non Nước là sự tổng hòa của vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa Phật giáo, là địa điểm tâm linh thu hút nhiều du khách gần xa đến viếng thăm. Việt Phủ Thành Chương với những kiến trúc đồ sộ, cho ta hình dung một cách trọn vẹn cuộc sống và sự phát triển của mảnh đất có bề dày lịch sử. Rồi hồ Đồng Quan được ví như Đà Lạt thu nhỏ ở Hà Nội…

Sóc Sơn đang trên đà phát triển đa dạng lĩnh vực một cách chắc chắn. Cùng với phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, Sóc Sơn không quên hạ tầng xã hội để tương xứng với mặt kinh tế.

Trong chặng đường ấy, Sóc Sơn chú trọng bảo tồn bản sắc văn hoá, nâng tầm và tạo dựng thương hiệu cho nền văn hoá của minh. Từ những đặc sản có một không hai đã đem lại ngạc nhiên cho du khách như bánh đúc sốt xanh, cá kho hồ Đồng Quan, gà đồi… cho đến các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm ngày càng được đầu tư về chất lượng.

Đến Sóc Sơn, điều ấn tượng không chỉ vì sự phong phú của các di sản, di tích lịch sử văn hoá mà còn ở tinh thần giữ gìn bản sắc của con người nơi đây. Trách nhiệm bảo tồn văn hóa đã lan tỏa trong cộng đồng, qua đó nâng tầm hình ảnh của quê hương.

Ở Sóc Sơn ngày nay, điều những du khách như chúng tôi nhận thấy là tiềm năng của vùng đất này đã được đánh thức, rồi không ngừng nâng cao, tạo nên hình ảnh Sóc Sơn vô cùng quyến rũ và đáng đến.

Tính cách của con người nơi đây đã hình thành một nét cần cù, bình dị theo suốt chiều dài năm tháng. Giờ đây, Sóc Sơn là một điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá lịch sử và văn hoá độc đáo ở Thủ đô Hà Nội.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem