Ký ức Hà Nội: Xe buýt một thời

Nguyễn Văn Ất Thứ bảy, ngày 23/09/2023 21:57 PM (GMT+7)
Hơn 100 năm trước, Hà Nội đã có những chuyến xe buýt đi dọc các quận nội thành.
Bình luận 0

Ngay sau chiến tranh thế giới thứ I, vào khoảng những năm 1919 - 1920 đã có 4 chiếc xe buýt hãng General Motor (Hoa Kỳ) lần đầu xuất hiện tại Hà Nội. Khi đó nơi đón trả khách là bến cột đồng hồ gần ga Long Biên. Không biết chủ xe là ai, chỉ biết những người lái xe là lính thợ An Nam phục vụ cho quân đội Pháp trong chiến tranh thế giới thứ I và có bằng lái do chính phủ Pháp cấp.

Cầu Long Biên lúc đó còn hẹp, chưa được mở rộng hai bên nên 4 chiếc xe chở khách đi Hưng Yên không thể qua cầu, phải đi phà sang bên kia sông Hồng. 

Đến năm 1923, việc mở rộng đường hai bên cầu được hoàn thành, xe có thể đi qua cầu. Rồi số xe tăng nhanh, bến Cột đồng hồ trở nên chật chội nên hội đồng thành phố quyết định chuyển bến ra chỗ bán tre nứa ở đường Greelé (nay là phố Trần Nhật Duật), cách cột đồng hồ không xa về phía bắc, từ đó có tên "bến Nứa".

Theo số liệu còn lưu lại thì năm 1925, trung bình một ngày có 4 xe tải, 166 xe ô tô con, 79 lượt xe buýt qua lại cầu Long Biên.

Ký ức Hà Nội: Xe buýt một thời - Ảnh 1.

Xe ca Ba Đình cuối thập niên 80. (Ảnh tư liệu st)

Từ bến Nứa, hằng ngày có xe buýt đi Hưng Yên, Sơn Tây, tuyến ngắn chạy đến Chèm. Khách đi xe chủ yếu là người buôn bán và các chức dịch nông thôn đi Hà Nội sắm hàng hóa. Tuyến đi Sơn Tây có 5 hãng xe lớn gồm: Tư Đường, Chí Thành, Mỹ Lâm, Dương Châu và Larriveé (chủ Pháp). 

Tuyến đi Hưng Yên có hãng Con Thỏ. Trong số các bến xe buýt "cổ xưa" nhất của Hà Nội thì đến nay có lẽ duy nhất còn bến Nứa giữ nguyên công năng là bến xe (bến xe đầu mối trung chuyển Long Biên bây giờ).

Phía nam Hà Nội khi ấy có bến Kim Liên. Bến Kim Liên khi ấy có xe tuyến dài đi Nam Định, Thái Bình, tuyến ngắn đi Phủ Lý, Thường Tín, Văn Điển và Ngọc Hồi. Sau hơn 50 năm tồn tại, đến thập niên 80 thì bến xe Kim Liên dần chuyển xuống Giáp Bát, đầu thập niên 90 thì bến xe Kim Liên bị xóa sổ và hình thành tổ hợp khách sạn 5 sao Hanoi Nikko Hotel bây giờ.

Phía tây có bến Kim Mã, chuyên chở khách đi Sơn Tây, Hòa Bình, tuyến ngắn đi Hà Đông, Ba La và Chương Mỹ. Nay phần lớn mặt bằng bến xe Kim Mã cũ đã nhường chỗ cho khu nhà ở.

Xe buýt thời Pháp chỉ có một cửa lên xuống ở phía sau. Ban đầu có 2 hàng ghế gỗ sát thành xe như ghế tàu điện và tàu hỏa, giữa hai hàng ghế là lối đi. Nhưng sau đó các hãng xe cải tiến thành ghế ngang chở được nhiều khách hơn, trung bình mỗi xe chở khoảng 30 khách. Năm 1930 cả Bắc Kỳ đã có gần 5.000 xe ô tô các loại trong đó có 405 xe buýt. Các xe ô tô và xe buýt đó chủ yếu tập trung ở Hà Nội. Số lượng xe ở Hải Phòng, thành phố lớn thứ nhì Bắc Kỳ, cũng chỉ bằng một phần ba Hà Nội.

Năm 1941, do chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, xăng dầu nhập vào Việt Nam khó khăn, nhiều hãng phải cải tiến xe để chạy than. Chiến tranh cũng khiến phụ tùng khan hiếm nên nhiều xe hỏng không có phụ tùng thay đành đắp chiếu.

Suốt trong những năm Hà Nội dưới thời thuộc Pháp, xe buýt chủ yếu chạy ngoại tỉnh. Xe buýt nội đô hầu như không có vì địa bàn Hà Nội khi ấy nhỏ, dân cư ít, tầu điện cũng đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của dân trong phố…

Năm 1954, người Pháp thua trận, rút khỏi miền Bắc. Chính quyền cách mạng tiếp quản Hà Nội. Sau ngày tiếp quản, dân số Thủ đô tăng cao, chính quyền mới mở rộng địa giới hành chính Hà Nội nên xe buýt nội đô ra đời.

Năm 1957, nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Hà Nội, nhu cầu đi lại tăng cao, Ban Thống nhất trung ương quyết định cấp vốn mua 10 ô tô khách và cho ra đời Tập đoàn ô tô buýt Thống Nhất phục vụ đi lại của cán bộ và nhân dân. Tháng 2/1958 mở tuyến Kim Liên – Hà Đông. Đến tháng 12/1962, Xí nghiệp xe khách Thống Nhất thành lập, phục vụ giao thông công cộng của thành phố với 192 xe gồm 4.106 ghế.

Xe buýt nhanh chóng trở thành phương tiện chủ yếu của cán bộ công nhân viên chức đi làm, học sinh - sinh viên đi học. Năm 1965 Hà Nội đã có tới 300 xe buýt, với 8 tuyến. Giá vé đồng hạng ở tất cả các tuyến, do thành phố bù lỗ nên giá vé rất rẻ, khách đi rất đông, vì nhiều người bỏ xe điện đi xe buýt cho nhanh.

Trước năm 1975 xe dùng làm xe buýt là loại xe PAZ, một ít xe Lvov (của Liên Xô), sau năm 1978 thì có thêm xe Karosa của Tiệp và một vài xe cũ Renaul của Pháp viện trợ. Nhưng chủ yếu vẫn là xe Ba Đình, gia công trong nước, vỏ xe thưng bằng tôn xộc xệch như chuồng gà, lắp máy chạy dầu IFA của Đông Đức, khi chạy tiếng nổ to phành phạch, khói phả mịt mù như lò gạch di động! Xe dừng là hay chết máy, nên hành khách đi xe phải thường xuyên "chổng mông" "hò dô ta" đẩy xe để xe nổ được máy…

Ấy thế chuyến xe nào cũng như "nêm cối", bởi có khi vài tiếng đồng hồ mới có một chuyến, hoặc có thể "ông tài" thích thì chạy, không thích thì nằm khểnh! Vào giờ cao điểm, các tuyến đông nghẹt nên chuyện lái xe bỏ chuyến diễn ra như cơm bữa. "Ông tài" xe buýt thời ấy "to" lắm!

Bởi vậy, muốn bắt xe buýt, thời ấy thường xuyên phải dùng "mỹ nhân kế". Tức là lúc xe đến, sẽ cử một cô nàng xinh xắn cầm nón ra vẫy, khi xe dừng lập tức vài chục con người nấp trong ùa ra. Biết vậy, nhưng cánh lái xe vẫn thích vì có các em xinh đẹp ngồi bên cạnh! Từ đó có khái niệm "phanh nón" để chỉ việc dừng xe buýt kiểu này. Xe buýt nội đô chở khách kiêm cả chở quang gánh, thúng mủng.

Những năm ấy ai đi tuyến Cầu Bươu (Thanh Trì) - Bờ Hồ thì thấy cảnh sáng sớm các xe chất đầy quang gánh thúng mủng của dân bán rượu nếp, bánh cuốn, miến… quang gánh treo ngoài chưa hết, nhét cả vào trong xe, khách ngồi luôn vào thúng hoặc chui lọt thỏm vào đôi quang gánh để dưới sàn xe! Nhiều người còn nhớ tuyến Nhổn, Diễn- Lò Đúc lúc nào cũng đậm đặc mùi giềng mẻ bởi các xe xếp đầy thúng mủng, mẹt đựng thịt chó của những người chuyên vào nội đô bán thịt chó cho các quán bia… Trên các xe ấy nạn rạch túi, trộm cắp hoành hành táo tợn lắm, và cả những trò bỉ ổi của một số kẻ gây ra với chị em phụ nữ…

"Lịch sự" hơn một chút là các xe thuê chuyến chở cán bộ công nhân viên đi làm, tuy không có quang gánh nhưng khách nhồi nhét đông, người nọ ép chặt người kia vào nhau như "cá hộp" làm những chiếc cập lồng cơm bẹp dúm, canh rau, nước mắm phọt ra ướt hết cả quần áo…

40 năm trước, những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, xe buýt Hà Nội với tôi vô cùng "thân thương"! Sáng sáng tôi lại xách cặp ra "ngắm" Bốt Tròn Hàng Đậu! Nói là sáng sáng thì có lẽ chưa đúng lắm mà có thể là 3-4 buổi sáng mỗi tuần. Những ngày nào không muốn hoặc ngại lên tận phố Đội Cấn đón xe chuyên gia từ khách sạn La Thành ra để đi làm trên công trình cầu Thăng Long thì tôi ra Bốt Tròn đón xe buýt thuê chuyến của Cơ quan.

Trong lúc chờ xe đến thế nào cũng có một người đàn ông bé nhỏ, ăn mặc lam lũ, tay xách giỏ (thực ra là cái thùng gỗ mỏng) đựng ấm nước chè và cái điếu cầy đến mời. Hai hào là giá tiền trả cho chén nước và điếu thuốc lào. Có hôm ông này buộc vào quai giỏ ấm cái túi đựng mấy cái kẹo lạc. Hôm nào hứng chí có cả kẹo lạc thì "mất" những 5 hào. Tiêu chuẩn sáng thời ấy mà được như thế là khá "lịch sự"!

Lên xe đủ các mùi "ngào ngạt" khó tả: mùi chua, khét của mồ hôi dầu của quần áo do thiếu xà phòng giặt, mùi chua nồng ai đó ói mửa do say xe…và cả mùi do ông bà nào đấy "yếu bụng" ăn gì đêm qua sáng nay lên xe vừa "xì" ra…

Cuộc sống ngày càng phát triển, phương tiện đi lại ngày càng dễ dàng hơn. Nhưng nhớ lại để thấy từng có một thời chỉ trên cái xe buýt mà đã lắm chuyện bi hài như thế...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem