Ký ức Hà Nội: Nhớ bóng cổng làng phố thị mỗi khi xa Thủ đô

Nguyễn Thị Phượng Thứ năm, ngày 21/09/2023 06:36 AM (GMT+7)
Ngay cả những phố lớn của trung tâm Hà Nội cũng được hình thành từ chính những ngôi làng cũ như Giảng Võ, Định Công, Trung Tự, Thành Công...
Bình luận 0

Tôi vẫn thích lang thang trong ngõ ngách của những ngôi làng xưa, mà giờ đã thành phố, thành phường. Đằng sau những chật hẹp, xô bồ và ồn ã, ta vẫn bắt gặp những nét xưa. Một chút tinh tế của "Hà Nội phố", một chút hồn hậu, mộc mạc của "Hà Nội quê"…

Vốn sinh ra, lớn lên ở một ngôi làng ngoại thành khá xa trung tâm, hồi mới vào nội thành, tôi thấy mình lọt thỏm và xa lạ giữa phố phường đông đúc. Nhưng rồi, tôi đã ngỡ ngàng khi tìm thấy phố phường Hà Nội có những thứ vốn đã thân quen với bản thân từ hồi thơ bé. Đó là những chiếc cổng làng khi tôi đi trên con phố Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ). 

Những chiếc cổng có lẽ đều đã đứng đó hàng trăm năm tuổi: cổng Hầu, cổng Xanh, cổng làng Đông Xã… Tất cả nhuốm màu thời gian. Từ đó, mỗi lúc đi trên phố, tôi thường có thói quen ngắm nhìn khung cảnh và nhận ra, Hà Nội còn nhiều cổng làng hơn mình nghĩ rất nhiều. Đó là cổng làng Yên Phụ (quận Tây Hồ), cổng làng Tương Mai (quận Hoàng Mai), cổng làng Giáp Nhất (quận Thanh Xuân)…

Ký ức Hà Nội: Nhớ bỏng cổng làng phố thị mỗi khi xa Thủ đô - Ảnh 1.

Cổng làng cổ ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Kim Duyên.

Tôi gắn bó với Hà Nội bắt đầu từ những điều đem lại cảm giác thân quen như thế. Và rồi, dù công việc chẳng liên quan gì đến lịch sử, văn hoá, tôi bắt đầu tìm hiểu về mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Kinh đô Thăng Long xưa gồm phần thành và phần thị. Phần "thị" của Thăng Long chính là khu vực 36 phố phường, người đời vẫn quen gọi là đất Kẻ Chợ. Bao bọc quanh kinh thành ngày xưa là những ngôi làng cổ.

Tuyến phố Thuỵ Khuê nơi có những chiếc cổng làng xưa là Kẻ Bưởi. Còn rất nhiều nữa những Kẻ Mọc, Kẻ Láng, Kẻ Mơ, Kẻ Cót… hay xa hơn nữa, là Kẻ Vẽ, Kẻ Lủ… Những địa danh ấy mấy mươi năm trước còn là làng, đô thị hoá dần dần biến làng thành phố. Cổng làng chính là chứng nhân lịch sử của những đổi thay. 

Ngắm những chiếc cổng làng xưa cũ, tôi mường tượng về cuộc sống xưa kia. Chắc rằng, trước khi những lớp nhà cao tầng mọc lên, trước khi đường nhựa trải vào tận ngõ, trước khi tấp nập quán xá... hẳn nơi này cũng yên bình lắm. Có lẽ, cũng yên bình không khác làng quê nơi tôi sinh ra, lớn lên. Nhìn những con ngõ ngoắt nghoéo, những dãy nhà san sát, ban công đua ra che cả ánh mặt trời, tôi đã nhiều lần nghĩ rằng, hẳn những chiếc cổng làng kia chính là những nhân chứng cuối cùng còn sót lại của làng xưa.

Nhưng hoá ra không phải thế. Tôi nhớ có lần khi nghe nói về làng thuốc Nam Đại Yên, tôi tò mò đi vào một con ngõ bên đường Hoàng Hoa Thám. Giờ hầu như không còn vườn thuốc Nam nào. Nhưng chỉ cách con đường sầm uất có vài trăm mét, tôi lại gặp một chiếc cổng làng – cổng làng Đại Yên. Ngay bên cổng làng, vẫn còn có những người bán thuốc Nam. 

Chiều đến, người mua tấp nập. Toàn là những người ưa nếp cũ. Người mua các loại lá để nấu nước gội đầu người mua dùng để giải cảm; người tìm ít lá hẹ, húng chanh... để giải ho cho trẻ… Đằng sau những lớp bê-tông nặng nề, đằng sau những không gian chật hẹp, có một "nếp làng" vẫn âm thầm được gìn giữ…

Tôi thêm một lần ngỡ ngàng khi đi sâu vào những con ngõ sau những cổng làng cổ. Dù ở Yên Phụ, Nghi Tàm hay dọc phố Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ), hay ở những con phố vốn là "làng lên phố" ở Kẻ Cót (quận Cầu Giấy), Kẻ Mọc (quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm)… Tìm gặp những người dân nơi ấy, vẫn thấy người ta vẫn thường nói với nhau là "làng mình". 

Ký ức Hà Nội: Nhớ bóng cổng làng phố thị mỗi khi xa Thủ đô - Ảnh 3.

Cổng làng ở đầu ngõ 514 Thụy Khuê. Ảnh: Phạm Hưng.

Hàng xóm, đi ra ngoài, gặp nhau, vẫn cứ gọi nhau là "người làng". Làng lên phố, nhưng vẫn mái đình ấy, vẫn giếng nước ấy, và vẫn cây đa ấy. Người có tuổi vẫn cứ giữ thói quen đến những đình, những chùa, hay tụ nhau lại dưới quán nước gốc đa để chuyện kim chuyện cổ. Người ta bảo, gọi nhau là "người phố", cứ thấy ngượng nghịu làm sao…

Càng tiếp xúc, càng nhận ra, dường như trong dòng chảy chung, có một dòng chảy riêng của văn hoá nơi "làng lên phố". Những con người nơi vừa có nét tế nhị, nhã nhặn của người phố cổ; mà lại pha lẫn sự hồn hậu, gần gũi trong cung cách ăn nói của "người làng", nhất là những lớp người sống qua nhiều năm tháng.

Tôi nhẩm thời gian, đến những "quận mới" như Long Biên, Hoàng Mai, thời gian lên quận đến giờ cũng đã đến hai mươi năm. Những vùng đất của Tây Hồ, Cầu Giấy… còn "lên phố" nhiều năm trước đấy nữa. Thế mà vẫn có những con người không "bị" đô thị hóa hoàn toàn. Không biết có phải "thiên vị" hay không, nhưng tôi vẫn nghĩ, một thành phố mà mọi thứ như con phố, dãy nhà đều hiện đại, vuông vức và đều tăm tắp như một số khu đô thị mới thì sẽ là đô thị thiếu tâm hồn. 

Hồ Tây sẽ không còn cái vẻ đằm thắm mất đi những nếp làng ven hồ, mất đi những di tích mà mỗi độ xuân về, trẻ già trai gái lại tưng bừng trong đám hội. Những Kẻ Mọc, Kẻ Cót sẽ xơ cứng bao nhiêu khi toàn những nhà cao tầng, mà thiếu đi những mái đình cong vút…

Ngay cả những phố lớn của trung tâm Hà Nội cũng được hình thành từ chính những ngôi làng cũ như Giảng Võ, Định Công, Trung Tự, Thành Công… Cái chất "làng" của phố là cội nguồn của văn hoá Hà Nội, định hình bản sắc thành phố này. Và đó cũng là chất men gây thương nhớ bất cứ ai khi đến đất Hà thành. Như bản thân tôi, mỗi khi xa Hà Nội vài ngày, lại cồn cào nhớ bóng cổng làng xưa.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 25/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Hà Nội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem