Ký ức Hà Nội: Những điệu nhảy vang bóng một thời ở Thủ đô

Lê Hồng Quang Thứ bảy, ngày 23/09/2023 08:47 AM (GMT+7)
Hồi đó, nếu lấy Tháp Rùa làm tâm, quay bán kính năm trăm mét thì có cả chục sàn đăng-xing.
Bình luận 0

Đăng-xing, cách gọi một thời của Hà Nội những năm 1990. Hồi đó, các sàn nhảy mở ra khắp nơi với tấm biển "đăng-xing" hay "đăng-cing". Chỉ cần một hội trường có một khoảng trống ở giữa, một sân khấu nhỏ, hai dãy bàn ghế là đã có thể mở một sàn nhảy. 

Mấy chục năm sau, người Hà Nội không còn gọi đi nhảy là "đăng-xing" nữa mà dùng luôn tên của điệu nhảy hoặc bộ môn để gọi: đi nhảy Salsa, đi nhảy cổ điển, nhảy dancesport…

Nhảy múa là một nghệ thuật truyền thống lâu đời của người Việt Nam, mỗi dân tộc đều có điệu múa riêng, vừa phổ thông để ai cũng tham gia được như múa xòe, nhảy sạp của dân tộc Thái; vừa đẩy lên đỉnh cao để có thể biểu diễn như múa trong tuồng, chèo, đặc biệt là múa tâm linh như vũ đạo trong hầu đồng, múa bài bông trong hát Cửa Đình. 

Cho đến khi tân nhạc du nhập vào tám mươi năm nay thì người Việt Nam có thêm các điệu múa nước ngoài nên thường gọi là khiêu vũ Quốc tế.

Ký ức Hà Nội: Điệu nhảy vang bóng một thời ở Thủ đô - Ảnh 1.

Vợ chồng Ngọc Nam - Bích Ngọc với niềm say mê Salsa.

Nhớ những năm cuối thập kỷ 1980, nhạc sếch du nhập, nhảy sếch là từ được gọi khắp nơi khi chỉ một cây ghita vừa gảy vừa đập thùng đàn thành tiếng trống là vài thanh niên đã có thể lắc lắc giật giật mà chủ yếu cứ theo nhịp giật đùng đùng - giật đùng đùng.

Thứ nhạc này dễ nghe dễ nhảy, chỉ cần nhìn các anh chị lớn nhảy vài động tác là đã có thể bắt chước làm theo ngay. Dòng nhạc này ẩn dật cho đến gần đây xuất hiện lại với nhạc phẩm "Người hãy quên em đi", các vũ công nhảy đơn giản nhưng rất đẹp và vui mắt, nhạc dễ nghe đối với cả thế hệ 7x vì họ đã từng say mê thời trẻ.

Sau đến nhạc disco với các ban nhạc Quốc tế mà khó nhớ lời tây nên chế lời ta vào để vừa hát vừa nhảy, đa số chế lời hát của ban nhạc BoneyM. 

Hồi đó, nếu lấy Tháp Rùa làm tâm, quay bán kính năm trăm mét thì có cả chục sàn đăng-xing. Phố Nhà Chung thì có hội trường 33 Nhà Chung vé rẻ, sàn Palace 40 Nhà Chung vé đắt hơn nay đã thành vườn hoa, Thư viện Hà Nội với phòng sách thiếu nhi ngay tầng 1, nhà máy nước đá với ban nhạc Sông Hồng nổi tiếng nay thành trụ sở ngân hàng lớn…

Ký ức Hà Nội: Điệu nhảy vang bóng một thời ở Thủ đô - Ảnh 2.

Người Hà Nội yêu thích khiêu vũ.

Thời những năm 1990, khi lũ thanh niên say mê đánh hông, "đi công phu" theo nhạc disco thì các cụ 70 tuổi lại cho bọn trẻ lác mắt với các vũ điệu cổ điển, lịch lãm và sang trọng của Tăng-gô, Chachacha, Van-xơ, chỉ cơ bản thôi đã quá đẹp chứ chưa cần đến các kỹ thuật Phăng-te-di. 

Dễ hiểu thôi, vì hồi đó sàn đăng-xing nhiều nhưng lớp học khiêu vũ lại ít, thanh niên thì thích nhanh nên cứ disco nhìn nhau mà nhảy, chứ ít giai gái nào kiên nhẫn học cổ điển. Các sàn nhảy hồi đó rất nghiêm khắc khi bắt phải đi giày hoặc xăng-dan quai hậu, dép lê thì đứng ngoài cửa.

Xu hướng thay đổi nhanh, khiêu vũ ào vào Việt Nam vừa nhanh vừa nhiều. Ngoài cổ điển thì dancesport được đông đảo lựa chọn vì nó vừa mang sự sang trọng của cổ điển nhưng lại khỏe mạnh của thể thao. 

Các vũ điệu đường phố, bãi biển như như Hiphop, Salsa, Bachata được giới trẻ đón nhận nhiệt tình. Những năm đầu của thế kỷ XXI, mỗi tháng câu lạc bộ Salsa lại tụ nhau nhảy múa ở công viên Lý Thái Tổ, vũ điệu latin sôi động, khỏe mạnh nhưng lại rất kỹ thuật hình thể từ sóng thân, kết nối ngón tay giữa nam và nữ vẫn mang đến nét tinh tế của mỗi vũ công.

Ký ức Hà Nội: Điệu nhảy vang bóng một thời ở Thủ đô - Ảnh 3.

Nhiều người rèn luyện để có phong cách khiêu vũ đẹp.

Giới trẻ say mê đến mức, lan tỏa Salsa và Bachata, cập nhật những bước nhảy mới nhất trên thế giới. 

Tôi gặp Đoàn Ngọc Nam lần đầu năm 2008 khi còn là một chân nam yêu thích khiêu vũ nhảy Bachata ở công viên Lý Thái Tổ. 15 năm sau, gặp lại thì Ngọc Nam cùng vợ - Bích Ngọc đã sở hữu Câu lạc bộ Spring Salsa thu hút hàng trăm chân nhảy tới rèn luyện và giao lưu. 

Niềm say mê khiêu vũ latin của đôi vợ chồng gắn kết họ và mở ra một sàn nhảy nổi tiếng của người Hà Nội, đủ lứa tuổi tìm đến học và chơi. Hiện tại họ đã vươn tầm khu vực và đang đại diện Việt Nam để tham dự rất nhiều các sự kiện lớn ở khắp châu Á. 

Người Hà Nội thích khiêu vũ nhưng cũng lạ, thời 1990 thì các cụ 70 tuổi tuổi lịch lãm trong sàn nhảy với cổ điển. 

Thế mà, ba mươi năm sau, thời nay, các cụ lại đưa các "điệu nhảy phòng khách" ra vườn hoa, đường phố để thấy cảnh cụ bà thì váy dài diêm dúa ngả đầu, cụ ông thì quần áo pijama giày vải thể thao nắm tay nhau xoay hết Van-xơ lại đến Tăng-gô, các điệu nhảy sang trọng bị hạ cấp thảm hại, cứ thấy sao sao ấy. 

Còn nhóm thanh niên thì lại chuẩn chỉ, nhảy điệu đường phố là ra đường phố hoặc bãi biển, nhảy cổ điển là vào sàn hoặc phòng khách. Không gian nào đúng cho bộ môn đó mới là nét đẹp của người Hà Nội.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 25/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Hà Nội


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem