Ký ức ngôi chùa quê

Bài, ảnh: Võ Văn Dần Thứ sáu, ngày 01/01/2016 19:03 PM (GMT+7)
Mãi đến bây giờ khi đã "U50", hưởng cuộc sống sung túc giữa chốn phồn hoa phố thị, tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm xưa thời con trẻ ở quê nhà. Ngày đó với tôi, vui mừng, khấp khởi, háo hức nhất là mỗi lần được theo chân nội đi tới ngôi chùa làng.
Bình luận 0

Thi thoảng tối ngày Rằm hay mồng Một hằng tháng, tôi thường khấp khởi để bám theo tà áo dài của nội đến ngôi chùa làng, trên tay cầm chiếc đèn pin chỉ lờ mờ sáng. Bởi đó là chiếc đèn do ba tôi tự “chế”, thêm sợi dây đeo lên tráng để soi đường. Mỗi lần đi như thế, tôi sợ nhất là khi nghe những âm thanh: Bịch. Cạch. Ào, rồi những tiếng sột soạc ở phía sau lưng. Tôi níu chặt tay nội, nũng nịu: Nội ơi! ma. Nội trấn an: Không phải mô con, tàu lá dừa rớt đó mà, cả con mèo nó rượt nhau đó thôi. Thế là tôi lại an tâm bước tiếp.

Thuở ấy, ngôi chùa làng thật đơn sơ và giản dị, bốn bề bao phủ cây cối um tùm, và ngẫu nhiên trở thành “bến đậu” cho nhiều loài chim từ khắp nơi bay về. Chùa lúc xưa cũng có nhiều cây ăn trái. Như vú sữa, dừa, mít… Lũ trẻ chúng tôi đi học thường mang theo gói muối ớt để khi ngang qua vườn chùa thì hái trái mít con nhỏ bằng ngón tay út, gọi là “mít cám” để ăn.

img

Trái “mít cám” – kỷ niệm tuổi thơ êm đềm ở chốn quê.

img

Ngày đó, trước khi ăn, “mít cám” được lũ trẻ sắp hình bông hoa trên lá mít để chiêm ngưỡng.

Cả nhóm bạn chúng tôi ngày đó, đứa nào cũng háo hức chơi trò kéo xe bẹ (tàu) dừa ở khu vườn, sân ngôi chùa. Có đứa sơ hở khi ngồi trên bẹ dừa không nắm chắc, bị giật mạnh ngã lăn quay nhưng cũng không đau đớn, thương tích bởi sân chùa bốn bề là sân đất. Rồi những trưa hè nóng bức, oi ả, lũ trẻ chúng tôi rũ nhau tắm song. Trước chùa có nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi, thân hình vạm vỡ, cành lá sum suê vươn mình ra sông nước. Có cành đa cách bờ cả chục mét, bọn trẻ nhà quê chúng tôi lại trổ tài leo trèo, nghịch ngợm, men theo cành cây rồi nhảy tòm xuống nước.

img

Chùa làng giờ đã đổi thay, chỉ cái bến đá là còn khá nguyên vẹn.

img

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, biến cố thời gian, những hàng cây cổ thụ tỏa bóng cả vùng quê nay không còn, cây ăn quả cũng dần sạch bóng, sân đất thuở ấy nay biến thành sân gạch, hàng chè tàu chạy quanh khuôn viên chùa nay trở thành bức tường xi măng bịt bùng, cao vời vợi...

Những giây phút tịnh tâm, lắng lòng để nhớ, nghĩ  về quê nhà, xưa kia ngồi dưới bóng cây cổ thụ trước sân ngôi chùa làng để ăn mít cám, được tung tăng lặn hụp dưới dòng nước trong xanh, nô đùa thỏa thích, ngắm dòng sông quê hiền hòa, thơ mộng... Tất cả nay chỉ còn là hoài niệm, là giấc mộng đẹp trong cuộc đời mà thôi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem