Người ta nói: Người già hay nghĩ chuyện cũ. Đúng thật, trong ánh lửa bập bùng lẫn vào mùi khói khen khét, ông như chập chờn thấy hình bóng mình ngày xưa và cả thằng bạn nối khố tênTrung.
Những năm 60 của thế kỷ trước, đất nước còn điêu linh vì chiến tranh. Ai cũng mong chờ đến Tết, nhất là tụi trẻ con như ông. Tết có nghĩa là không phải ăn cơm độn, cơm ít mà khoai sắn thì nhiều.
Tết đồng nghĩa là được ăn thịt, dù chỉ là mấy miếng thịt mỡ, được mua cái áo trúc bâu mới. Nhà ông cách nhà Trung một dậu mồng tơi. Ông hơn Trung một tuổi, hai đứa sàn sàn tuổi nhau nên thân thiết lắm. Bố Trung là liệt sĩ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhà chỉ vò võ hai mẹ con nương tựa nhau mà sống nên cũng chật vật, khó khăn. Biết thế, có gì ngon như miếng đường, cục kẹo dồi hay thanh kẹo lạc, ông đều bẻ đôi để dành cho Trung.
Gói bánh chưng là cách để nhiều người lớn tuổi hoài niệm về những ngày Tết xưa. Ảnh minh họa
Nhưng nói thế nào Trung cũng lắc đầu quầy quậy: “Tao không ăn đâu”. Ông cố năn nỉ, Trung bèn đánh trống lảng sang chuyện khác hoặc nhảy tót về nhà bảo nhà có việc bận mai chơi tiếp.
Một lần, cả lũ trẻ kéo nhau về nhà thằng Tới chơi. Mẹ Tới mời cả bọn ăn mứt, riêng thằng Trung là nhất quyết không ăn. Cả bọn nói mãi nó mới chọn một miếng mứt gừng be bé chậm rãi nhai từng chút một.
Trên đường về hôm đó, thằng Trung mới kể cho ông nghe:-Mẹ tao bảo, nhà ai cũng khó khăn nên họ cho cái gì thì đừng nhận.
Tết này, nhà ông đón cậu Long từ chiến khu về, cậu vui tính hay kiệu ông trên vai rồi dạy ông hát bi bô mấy bài hành khúc.
"Thằng Tú đâu, ra cậu cho quà". Mắt sáng rực, ông chạy chân sáo vào nhà. Cậu véo má rồi tặng ông một chiếc áo may ô màu xanh mực Cửu Long. Ông khoái chí, thay ngay áo mới rồi chạy tót sang nhà Trung khoe.
Sau một hồi trầm trồ chiếc áo mới của ông, Trung cũng lục tục chạy vào buồng mặc bộ quần áo Tết. Cái áo rộng thùng thình, cái quần dài quết đất, chắc mẹ nó sửa lại quần áo cũ của bố nó. Ông gật đầu khen đẹp vì sợ chê nó lại buồn.
Cậu Long hứa sẽ mua dư chút gạo đỗ để ông gói bánh chưng gio. Ông vui lắm, tỉ mỉ từng chút một gói chiếc bánh nho nhỏ của riêng mình rồi hồi hộp trông bánh. Những đốm lửa nhảy nhót trông đến vui mắt, đôi lúc lại nổ tanh tách bắn vài đốm tàn lửa hồng.
Nồi bánh sôi sùng sục, chốc chốc lại tỏa thứ mùi thơm của gạo nếp lẫn vào mùi củi đun khen khét khiến ông nao nao, chốc chốc lại hỏi cậu: “Bánh chưng gio của con chín chưa?”. Bánh chưng nhỏ nên được vớt ra đầu tiên. Ông sung sướng nhìn thành quả của mình mà lòng rộn rã.
Cậu bảo để cậu lấy lá dong xanh bọc vào cho đẹp. Ông gật đầu cái rụp, cuống chân chạy sang nhà thằng Trung.
"Năm nay mày có bánh chưng gio không?", ông hỏi. Thằng Trung sè sẹ nhìn cái bánh vuông vức màu xanh óng ả đang vung vẩy trên tay ông. Nó cụp mắt lắc đầu: "Nhà tao năm nay không gói". Chẳng hiểu sao buổi chiều, Trung lại ơi ới gọi ông khoe chiếc bánh chưng gio của nó. Ông sáng mắt bảo: "Để tao bảo cậu tao gói lá dong xanh bên ngoài cho giống tao".
Nó gật đầu. Ông tò mò bóc lớp lá. Hóa ra bên trong là cơm nguội nhân khoai lang. Ông nghe cay cay sống mũi, lén lấy chiếc bánh chưng gio còn lại của ông đưa cho Trung.
Đó là hình ảnh dù nhiều năm sau này, khi ông đã già, nhiều thứ bị bụi thời gian phủ mờ, hình ảnh chiếc bánh chưng vẫn sáng lung linh như mỏ neo ký ức tuổi thơ.
Giờ vật chất nhiều, Tết cũng đề huề, nhiều thứ ngon thức lạ, người ta cũng giản lược bỏ gói bánh, đi mua mấy cái bánh chưng cúng gia tiên. Khái niệm bánh chưng gio cũng xa lạ với bọn trẻ. Chỉ có ông vẫn gói bánh như một cách nhớ về những ký ức xưa cũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.