Ký ức Tết trong tôi: Tết hồi đó

Mỹ Thuận Thứ tư, ngày 05/02/2020 17:00 PM (GMT+7)
Hồi đó hễ cứ hăm lăm hăm sáu tháng Chạp là các bà các chị í ới gọi nhau đi chợ Tết. Từ nhà ra chợ ngoài thị trấn phải đi bằng võ lãi, chèo ghe hoặc xuồng. Miền Tây sông nước chộn rộn người mua kẻ bán tất tả. Ghe hàng chào khách, cứ chốc chốc lại bóp cây kèn đỏ kêu te te. Vậy là Tết tới sát vách.
Bình luận 0

Hồi đó chòm xóm bắt đầu ăn Tết từ khoảng 23 âm lịch. Người làm nông tạm gác cây cày cây cuốc lại, không ra đồng tới khoảng hết lối mùng. Đưa ông Táo về trời là coi như ai cũng quần vo áo vận lo sắm sửa, quét tước, dọn dẹp.

Tết hồi đó là những trảng bông mười giờ, vạn thọ,…nở rực đường vào nhà. Hầu như trước sân nhà ai cũng có vài cội mai, độ chừng từ rằm tới 23 là nụ bắt đầu chuyển từ xanh ngọc sang vàng. Bông nở lác đác, tới bữa 30, mùng 1 thì rộ là đẹp nhất. Giao thừa năm nào ông ngoại cũng ra khấn trước bàn ông thiên kế cây mai bự nhất. Ngoại hay cầu một năm làm ăn trúng mùa được giá, lúa chất đầy bồ. Người nông dân quần quật quanh năm, Tết nhứt cũng chỉ vái cho no cái bụng, sợ đói đỏ con mắt.

img

Ảnh minh họa

Tết hồi đó có sự nôn nao từ tiếng pháo râm ran khắp xóm mà trẻ con đốt sớm. Xác pháo tím lả tả từ ngoài sân tới hiên nhà. Thời đó pháo được bán phổ biến ngoài sạp hàng hoặc ghe hàng trên sông. Nào là pháo kim, pháo tiểu, pháo đại… Nhà nào cũng có vài dây pháo hoặc vài nồi pháo trữ sẵn. Nhà ai có trẻ con thì phải mua nhiều hơn. Nhắc tới Tết là nhắc tới những ngày tưng bừng tiếng pháo gần xa. Miễn mà nghe dây pháo quấn ngoài cây mai nổ đùng đoàng, khói tung lên mù trời và nghe trẻ con reo hò là biết nhà nào đó vừa rước ông bà. Tục cũ, người ta thường rước ông bà chiều 30 âm lịch, khi nước sông lên đầy ăm ắp như cầu xin ông bà phù hộ năm mới sung túc, viên mãn hơn.

Chuẩn bị bánh mứt bao giờ cũng là phần hấp dẫn vô cùng. Phổ biến nhất không thể không kể đến quết bánh phồng. Nhà nhà, người người quết bánh phồng. Bánh phồng cũng cần thiết như bánh tét vậy. Để có được mẻ bánh ưng ý các bà các mẹ phải dậy từ 1 giờ sáng để xôi. Bánh phồng là loại bánh đặc biệt kỳ công, đòi hỏi người làm phải kiên trì và khéo léo thì bánh mới đẹp và ngon. Nếp để xôi phải là nếp mùa được chọn kỹ. Khi xôi phải canh nước và lửa để xôi không bị nhão hoặc nín.

Làm bánh phồng cần sức lực dẻo dai, khỏe khoắn của đàn ông và sự tỉ mẩn, ý tứ của đàn bà. Xôi sau khi chín sẽ được cho vào cối quết. Thường ông ngoại sẽ chọn ba và cậu để giao nhiệm vụ quết bánh phồng, trong khi má tôi liên tục thêm nước đường vào cối. Quết bánh phồng phải đều lực, đều tay. Nếu không ăn ý thì giã chày vô đầu như chơi. Cứ quết như vậy đến khi xôi thành mịn như bột là được. Mãi sau này tôi còn nhớ như da thịt tiếng chày quết bánh từ khu bếp đỏ lửa của ngoại vang ra cộng chung với tiếng quết bánh ở những bếp nhà khác. Tết đến rất gần rồi.

Xong phần giã sẽ tới phần bắt bột và cán bánh. Bột được ngắt thành viên vừa phải và cán trên mâm bằng ống tre xanh để tạo thành hình tròn. Bánh sau đó sẽ được dán vào phên đan bằng lá dừa nước rồi phơi ngoài sân. Qua một đêm thì mang vào nhúng nước đường lần nữa rồi phơi thêm một đêm là được.

Phên bánh phồng đầu tiên bao giờ ông ngoại cũng đích thân nướng. Bánh nở đẹp và đều, chùi ra như cái nón con. Ngoại còn có chiêu đem bánh đã nướng phơi sương một đêm, hôm sau dậy sớm xôi một nồi nếp mới, nạo cơm dừa từ trái dừa mới lắc nước rồi cuộn thành từng cuộn to bằng cùm tay trẻ con. Tụi nhỏ vẫn coi đó như món quà ngon lành ngày giáp Tết hằng năm.

Ngoài bánh phồng ra còn có bánh tét, mứt dừa, mứt chuối, mứt khoai, cốm gạo, thịt kho… Càng gần Tết bếp nhà càng đỏ lửa.

Hồi đó dễ bắt gặp Tết về sớm khi thấy ai ngồi trước hàng ba lau bộ lư đồng, ghe xuồng dập dìu dưới sông, dưa hấu chất xanh trên bờ và chợ quê đông nghẹt người… Du xuân thì phải đi bộ vì thời đó chưa nhiều xe cộ. Đường nhỏ rộn ràng với đủ thứ màu sắc, quần áo là lượt. Ai cũng hồ hởi khác hẳn ngày thường.

Với riêng tôi, Tết là mỗi năm lại được về nghe má kể chuyện Tết hồi đó: Tết thời của ba của má, của ông bà. Dù rằng đó là những chuyện đã được kể từ năm này qua năm khác – rất nhiều lần. Mà sao lần nào cũng thấy bâng khuâng. Bâng khuâng nhất là khi nhìn lên bàn thờ chỗ tấm hình ông ngoại, tôi lại tưởng đâu đây có tiếng quết bánh phồng, lại nhớ ông ngoại giao thừa ra cắm nhang khấn vái ngoài sân cầu cho cả nhà một năm ấm no, sung túc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem