Ký ức Tết trong tôi: Tết sinh viên

Nguyễn Đình Ánh Thứ hai, ngày 03/02/2020 20:00 PM (GMT+7)
Có người bảo mình ''lớn lên'' từ những câu ca dao, câu truyện cổ tích của bà, của mẹ. Người khác tự ngắm mình được tắm mát trong dòng sông của những lời ru ngọt ngào, sâu lắng từ thuở ấu thơ. Riêng tôi lại thấy mình lớn khôn qua những khoảnh khắc khó quên của những cái tết xa quê đã vời vợi.
Bình luận 0

Tết đi qua tôi dịu dàng với những kỉ niệm êm đềm của một thời ngây ngô, khờ dại. Đó là nỗi mong chờ từng phút, từng giây được ''diện'' những bộ đồ áo mới và rồi vỡ òa trong niềm vui khi được xúng xính cùng cha mẹ đi khoe khắp xóm làng ba ngày tết. Đó là sự háo hức chờ đợi đến ngày mùng một để được nhận tiền mừng tuổi từ người thân.

Tết đi qua tôi còn với những nỗi nhớ… không thể gọi thành tên. Tết của một thời sinh viên ''nghèo rớt mùng tơi'' không đủ tiền về quê để rồi lỡ hẹn một món quà với ai đó. Một lần đi chợ tết không hiểu sao mình lại dửng dưng với hai bố con ăn xin đói rách giữa giá rét căm căm. Bao người đã ngang qua không dừng lại. Tôi cũng đã ngang qua với chỉ một ánh mắt nhìn vô cảm.

Và rồi khi trở về nhà, hình ảnh đôi mắt non dại với vẻ van xin cứ xoáy sâu vào tim tôi. Một thoáng hối hận lúc ấy. Và tôi không ngờ rằng đến bây giờ sau khi ra trường đã bao năm, nhưng mỗi lần dẫn con đi chợ tết hình ảnh ấy vẫn hiển hiện trong lòng. Tết ngày xưa đi qua tôi và đã để lại bài học đầu tiên về tình yêu thương đồng loại như thế.

img

Ảnh minh họa

Tết đi qua tôi để lại những nuối tiếc dâng đầy. Tết quê ngày xưa với những ''hương vị'' đặc trưng đang dần bay mất theo thời gian. Những hội hè dân gian với biết bao trò chơi thú vị. Những tục lệ như '''ăn đụng lợn'', thi viết câu đối, hát giao duyên… chỉ còn là ''vang bóng một thời''.

Tết có khi như lời ru của mẹ, chỉ khi lớn khôn ta mới nhận ra sự sâu lắng, ngọt ngào. Tết của những ngày vô tư, trẻ con giành nhau món đồ chơi với chúng bạn, để rồi nước mắt giàn giụa chạy về mách mẹ. Tết của một ánh mắt nhìn neo nỗi nhớ đằm sâu. Tết thả hồn lên cánh hoa đào ngày xuân đang khoe sắc trong sự ghen tị của muôn loài hoa khác.

Một cánh én bay về neo đậu thành vần thơ, câu hát ngân nga: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông…Tết phả vào lòng tôi những hương thơm đầu tiên của đất trời dành tặng.

Trong biết bao cái Tết ấy, dường như Tết xa nhà lần đầu tiên trong đời thời sinh viên là để lại nhiều cảm xúc nhất đối với tôi. Tết đi qua đâu chỉ có niềm vui, niềm hạnh phúc mà tết đôi khi còn giăng tơ nỗi buồn trong tôi. Lần đầu tiên ăn tết xa nhà, nằm tưởng tượng ra không khí tết quê mình, thèm cảm giác hồi hộp chờ thời khắc giao thừa - cái cảm giác như đang xem một trận đấu bóng đá kịch tính khi trải qua những giây phút bù giờ.

Cũng là xuân nhưng xuân xa nhà sao cô đơn đến vậy? Cái tết xa nhà đầu tiên đến giờ còn như ngọn lửa xanh thầm bừng lên mỗi khi hương trầm ngào ngạt bay tới chạm ngõ lòng ta. Thế rồi cái tết xa nhà đáng nhớ ấy hiện hình ra như một đoạn phim sống động với bao kỉ niệm không thể nào quên.

Tết sinh viên đầy mơ mộng. Mỗi đứa một hoàn cảnh riêng nên mới ở lại. Đứa do không đủ tiền về. Đứa vì nhỡ tàu xe. Cũng có kẻ chỉ là muốn thưởng thức một cái tết lạ ở xứ người. Chỉ là vài tuần ngắn ngủi, nhưng mỗi người đều cố tìm cho mình một công việc làm thêm vừa có tiền vừa đỡ nhớ nhà. Đứa làm ở quán kem. Đứa làm quán cà phê. Nhưng dẫu làm gì tối 30 chúng tôi cũng tranh thủ hẹn về cùng chung vui đón giao thừa. Cũng bánh chưng. Cũng thịt gà đĩa xôi thắp hương cúng giao thừa thật đầm ấm ngay tại kí túc xá Diên Hồng. Cũng ngồi đếm ngược thời gian. Hạnh phúc tràn ngập trong lòng. Nhưng phút ấy, tôi biết vẫn có đôi mắt ai đó đỏ hoe hướng về quê cũ. Vui lắm cái tết sinh viên xa nhà đầu tiên trong đời.

Nhớ lắm cái đêm giao thừa lung linh sắc màu Quy Nhơn. Thế rồi, cả nhóm hơn mười đứa ngồi quây quần hát ca. Có anh người Hà Tĩnh tặng cả phòng bài hát “Xuân này con vắng nhà”: ''Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng bên nương/ Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về/ Nay én bay đầy trước ngõ/ Mà tin con vẫn xa ngàn xa/ Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui/ Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi/Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng/Trông bánh chưng chờ trời sáng/ Đỏ hây hây những đôi má hồng…''.

Lời ca ngân lên da diết và đã có đứa rơm rớm nước mắt. Sau bao năm bây giờ biết ai nhớ ai quên? Dòng đời mưu sinh có làm cho ai đó bỗng quên đi khoảnh khắc giao mùa êm đẹp năm nào? Quên đi những khuôn mặt quen thân một thuở? Còn tôi ngồi đây gõ những dòng hoài niệm này như để đền tội với cái tết mà mình đã mắc nợ thời sinh viên. Bẵng quên đi không biết đã mấy mươi mùa đào nở, đào tàn.

Một cái tên nhiều khi cũng quên và những kỉ niệm đẹp ấy cũng chẳng bao giờ dám nghĩ một ngày được ôn lại. Cảm ơn đất trời hay cảm ơn lòng mình đang trẻ lại đã cho ta tấm vé du lịch về miền xa xưa. Và chỉ có lúc này ta mới thấy mình thêm hiểu để rồi trân quý những giây phút quây quần đầm ấm bên gia đình, mới thấy hết quê hương có một vị trí lớn lao như thế nào trong ta. Cái tết xa nhà ngày xa ngái ấy mãi như ánh lửa xanh thầm ấm áp nuôi dưỡng tâm hồn tôi trong những khi ngỡ rằng mình đang cô đơn nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem