Los Angeles là một thành phố sôi động ở một đất nước sôi động. Hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng tôi thật tốt mới được sống ở một nơi như thế. Nhưng thực tế phũ phàng lắm, đâu giống như trên phim ảnh. Nơi đó phát triển và thật sự năng động, nhưng khi ở một mình thì cảm giác thật cô đơn, sầu thảm. Đến nỗi mỗi khi người bên này có dịp gì vui, hay ở quê nhà có lễ hội nào là tôi lại tìm chỗ kín đáo nào đó ngồi một mình gặm nhấm nỗi nhớ nhà.
Ảnh minh họa
Chắc hẳn các bạn sẽ nói tôi là người tự kỷ, người trầm cảm khi không hòa nhập với cuộc sống địa phương nơi mình đang sống. Nhưng không, tôi là một người rất đỗi bình thường và vẫn cố gắng hết mình để lao động và sống chan hòa với nhứng con người không cùng phong tục, tập quán đó. Chẳng qua, tôi là kẻ sống quá nội tâm, và nỗi nhớ quê nhà là cái gì đó thật khó khỏa lấp, cho dù bằng niềm vui nào bên xứ người.
Nơi đó có điều kiện sống hơn gấp nhiều lần Việt Nam. Mỹ là một quốc gia phát triển, nơi người dân sống với tác phong công nghiệp. Họ làm việc gì cũng nhanh nhẹn, cẩn thận, nhiều khi chắc chắn đến thực dụng. Tuy vậy, ở Mỹ cũng đầy tình người và tính nhân văn, cũng có nhiều tập quán, lễ hội vui vẻ, cũng sôi động nhưng vì đã là người Việt nên tôi chỉ thích những phong tục truyền thống của quê nhà, chắc chắn là vậy, vì thế dù lễ hội bên này có vui đến mấy thì cũng chẳng bằng được quê hương.
Và khi Tết đến, tôi - một người Việt Nam xa xứ cảm thấy nỗi cô đơn mình đã cố quên đi khi làm việc, lại bị nhân lên gấp bội. Tôi muốn uống một thứ gì đó, nhưng không có gia đình, không còn những buổi túm năm tụm ba đi “ăn tất niên” như ở quê nhà. Khi đó cũng chẳng có internet để chat cả buổi như bây giờ, chỉ gọi một cuộc điện thoại cho thèm cảm giác ở quê mà thôi. Gọi điện nói chuyện với gia đình xong càng buồn hơn vì không có mặt ở đó để nếm cảm giác sum họp ấy. Chao ôi, buồn không tả xiết.
Nhớ một lần sắp Tết, tôi đã lái xe hơn ngàn cây số để tìm gặp một người bạn Việt Nam cũng làm ăn ở Mỹ. Có vẻ anh cũng cô đơn như tôi, suốt ngày chỉ uống bia một mình.Thấy tôi đến, anh ấy mừng ra mặt và rủ tôi vào nhậu cùng. Tôi hỏi tại sao anh không đi đón giao thừa cùng mấy hội người Việt, anh trầm ngâm chẳng trả lời, lúc sau mới thủng thẳng đáp: “Ừ thì chắc cũng vui đấy, nhưng trong hội đó có mấy người xấu tính lắm, họ đã chơi tôi mấy lần nên tôi không muốn nhìn mặt họ”. Vậy đó, ở miền đất hứa này, ngay cả người cùng quê cũng không hẳn là hoàn toàn tốt với nhau. Đôi khi chỉ vì đồng tiền mà họ sẵn sàng làm điều không tốt với người cùng đến từ một đất nước. Đó là cái Tết mà tôi buồn nhất, dù có thêm một người bạn để uống cho qua giao thừa.
Trong những năm tháng làm việc xa nhà, cũng có lần tôi khỏa lấp được nỗi nhớ quê hương, khi tôi quyết định tập hợp một số người bạn, ta có, Tây có để cùng họ tổ chức đón Tết theo phong cách Việt Nam. Mấy người bạn Tây hưởng ứng rất nhiệt tình vì họ chưa biết “Tết châu Á thật sự ra sao”. Thế là chúng tôi chia thành ba nhóm để tỏa ra chuẩn bị các thứ cần thiết để đón Tết. Một nhóm đi chợ mua nguyên liệu, một nhóm chuẩn bị trang trí còn một nhóm tổ chức chương trình. Nhờ sự năng nổ của mọi người, chúng tôi đã hoàn thành tất cả các công đoạn chỉ trong một ngày.
Tết năm đó khá vui và nhóm chúng tôi được đón một cái Tết ý nghĩa. Tuy có hơi khác một chút so với Tết ở Việt Nam nhưng đó vẫn là cái Tết ý nghĩa nhất ở nước ngoài của tôi. Bánh chưng thì được gói bằng lá chuối đông lạnh mua của người Hoa chứ không có lá dong, tuy vậy vẫn xanh nhưng có mùi khác so với lá dong cổ truyền. Gạo, đỗ, thịt mỡ thì đủ cả nên vẫn cho ra được chiếc bánh chưng vuông vức, vị ngon. Thế là đủ để thành Tết Việt xa xứ. Cuối cùng vẫn là màn nhậu tưng bừng bằng bia Tây với xúc xích và thịt hun khói, rồi mấy bạn nữ Việt ôm nhau khóc vì nhớ nhà để các chàng Tây cao to an ủi. Vui đấy, nhưng cũng buồn lắm, dù sao thì ở xa quê hương, được như thế là tốt lắm rồi.
Nỗi buồn của người Việt xa xứ thì muôn hình muôn vẻ lắm, có hàng chục cách thể hiện, hàng trăm kiểu buồn, Tôi nhớ một cậu bạn du học sinh việt ở Texas đã thổ lộ trong buổi gặp mặt đón Tết rằng, cậu rất muốn nhưng không thể về Việt Nam đón Tết, mặc dù đã hứa với cô bạn thanh mai trúc mã rằng sẽ đón giao thừa với nàng, tay trong tay ngắm pháo hoa đêm giao thừa. Ai ngờ xa cách khiến hai người không còn giữ được tình cảm, rồi khi nhìn thấy ảnh nàng đón giao thừa cùng người khác, cậu đã khóc như một đứa trẻ, rồi gào lên tuyệt vọng: “Nếu biết thế này tôi đã không ra nước ngoài”. Vậy đó, ở quê hương chứa đựng rất nhiều thứ, trong đó có cả tình yêu. Nhưng người xa quê, dù vì lý do gì nhưng vẫn phải chấp nhận họ có thể mất đi những thứ rất quý giá ở quê nhà.
Có những người vì miếng cơm manh áo và niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng mà buộc phải xa xứ. Với những người thành công thì nỗi nhớ được vơi bớt phần nào, còn người thất bại thì nỗi buồn dường như bị nhân lên gấp ngàn lần. Tôi nhớ về chuyện của một công nhân cần cù, chăm chỉ. Anh luôn cố gắng làm việc gấp đôi, gấp ba người khác nhưng vẫn không lo đủ cho gia đình 5 miệng ăn. Quẫn chí, anh đánh liều vay tiền để sang Nga buôn bán. Lần nào đặt chân đến sân bay, người anh cũng đều căng phồng, cứng ngắc như một chú rô-bốt vì đống quần áo rét và hàng hóa mang theo. Kể cũng khổ, người Nga quen chịu lạnh từ bé rồi nên họ không cần mặc quá nhiều áo rét như người Việt sang Nga. Anh bán quần áo trong “ốp” với hy vọng kiếm đủ tiền nuôi con ăn học và có một số vốn kha khá để về Việt Nam làm ăn. Hằng ngày, anh dậy từ 4 giờ sáng để dọn hàng và đến 10 giờ tối mới được ăn cơm. Không những thế, anh còn vừa bán vừa lo nơm nớp bị kiểm tra giấy tờ. Vì anh bán chui chứ đâu có giấy phép nên mỗi khi kiểm tra là anh lại mất một khoản tiền lớn vì mất chỗ bán, mất hàng mà các khoản chi phí vẫn phải đóng đủ cho chủ chợ. Cuộc sống tạm bợ nay đây mai đó giữa đất Nga quả khác xa với tưởng tượng của anh khi mơ về một cuộc sống toàn màu hồng. Ở Nga, mọi người đều phải lao động vất vả để kiếm được miếng ăn, chẳng có gì dễ dàng cả, cũng như ở Việt Nam mà thôi. Hết Đôm 5 đến Saliut rồi lại đến chợ Vòm bị đóng cửa, anh không còn cửa kiếm sống. Trắng tay, anh định tự vẫn. May mà còn đó tình đồng bào của các tiểu thương người Việt ở Nga, và cả những người Nga có cảm tình với Việt Nam. Họ cũng rất khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng kẻ ít người nhiều giúp anh bám trụ ở mảnh đất tươi đẹp nhưng không dễ sống này. Anh tiếp tục cố gắng làm việc với hy vọng có một tương lai tươi sáng, kiếm được một chút vốn rồi về lại Việt Nam. Mơ ước đó cũng giản dị thôi nhưng không hiểu sao thấy anh rao khản cổ chào mời từng cái áo, tôi lại thấy ước mơ đó của anh sao mà xa vời quá.
Với mỗi người xa quê, ai cũng đều có vui, có buồn, và nỗi buồn, nỗi nhớ quê nhà da diết nhiều khi lấn át niềm vui. Cuộc sống xa xứ đã rèn cho chúng tôi trở thành người bản lĩnh hơn, nhưng cùng với đó, chúng tôi cũng phải trả giá bằng mất mát, bằng sự xa cách người thân và bằng nỗi nhớ quê hương khôn tả. Tôi cũng tin rằng, trong mỗi người Việt xa xứ đều tồn tại tình người, cho dù họ là người như thế nào và sống ra sao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.